Kết hôn là một trong những cột mốc quan trọng nhất của đời người. Thông thường, tổ chức đám cưới sẽ được gia đình 2 bên hỗ trợ khá nhiều trong câu chuyện tiền bạc. Song, hiện nay để có một đám cưới như ý, nhiều bạn trẻ đã quyết định tự tổ chức đám cưới.
Tự lên kế hoạch cưới từ sớm, không “lỗ” trong chi phí cưới
Nhi Nguyễn, 28 tuổi, vừa cưới cuối tháng 10/2022 ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng vợ chồng cô đã phân chia từng công việc, theo từng giai đoạn trước ngày tổ chức đám cưới để dễ kiểm soát. Bên cạnh đó, Nhi Nguyễn cũng đã lập bảng excel để dễ theo dõi chi tiết hơn.
Xa ngày cưới, khoảng 3,4 tháng, vợ chồng cô sẽ lên danh sách mục như tìm nhà hàng, danh sách khách mời, nhẫn cưới, tìm hiểu các dịch vụ cưới như: studio và chụp hình, trang điểm, xe cưới, gia tiên, hoa cưới, thiệp, quà cho khách đi tiệc... Thậm chí, chuẩn bị luôn hộp móng tay giả - nail box để tới ngày chỉ dán lên tay; quần áo cưới, nếu không thuê được sẽ có thời gian may và sửa chữa cho vừa ý.
“Các dịch vụ cưới mình sẽ có thời gian đến tận nơi xem. Nếu ổn sẽ chốt sớm để được ưu đãi cũng như giảm áp lực vào những ngày cận kề đám cưới. Ưu tiên chọn gần nhà, vì thường là phải tới nơi xem, rồi đi tới lui điều chỉnh mới ra được kết quả như ý, có gì phát sinh cũng dễ xử lý hơn”.
Cách ngày cưới 2 tháng, Nhi Nguyễn cùng chồng sẽ đặt thiệp. Cô lưu ý rằng nên đặt dư ra vì ghi sai cũng như sẽ phát sinh khách, chốt món với nhà hàng, dọn dẹp nhà.
3 tuần trước cưới sẽ chăm sóc da, nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa lại, mua sắm những thứ ngắn ngày như hoa quả, trái cây, bánh trái, xác nhận lại lịch đã đặt với các dịch vụ. Cũng như đi mời khách, chốt số lượng bàn với nhà hàng, đặt đồ ăn cho thợ ảnh, những anh chị hỗ trợ hôm đám cưới.
Cũng giống như Nhi Nguyễn, Dương Dung, 25 tuổi kết hôn tháng 9/2022 ở Hà Nội cũng cho rằng có 3 bước để chuẩn bị tiệc cưới. Đầu tiên cần liệt kê các chi phí cần thiết cho từng khoản mục. Sau đó, khảo sát thị trường, tham khảo nhiều nhà cung cấp để nắm được giá cả từng hạng mục. Cuối cùng lên ngân sách dự trù cho kinh phí đám cưới.
Bên cạnh đó, Nhi Nguyễn chia sẻ rằng: “Với đám cưới của mình, tiền mừng bù được các chi phí cưới. Mình không bị lỗ. Tuy nhiên mình nghĩ là, tiền mừng đó sau này bằng một hình thức khác cũng trao lại cho người mừng. Do vậy, khi làm đám cưới, nên tổ chức vừa đủ, không nên vì quan điểm cưới một lần trong đời mà chi tiêu thoải mái quá”.
Ảnh minh họa - Pinterest
Cần phải thống nhất ý kiến của cả hai bên
Theo Nhi Nguyễn, phần tiền nặng nhất khi lên kế hoạch tổ chức đám cưới là nhà hàng. Tùy vào đối tượng khách mời và tài chính mỗi người để tìm được nhà hàng phù hợp. “Tụi mình đều gần 30 tuổi mới cưới, cũng tích cóp được tiền, nên cũng thoải mái hơn trong chi tiêu, dĩ nhiên là ở mức độ vừa đủ. Hơn thế nữa, tụi mình có file công việc, làm trên trang tính, vừa làm vừa điều chỉnh với nhau nhiều lần”.
Bên cạnh đó, vì lên kế hoạch trước, chi phí phát sinh trong đám cưới của Nhi Nguyễn không nhiều. Một số chi phí khác với những đám cưới thông thường là: chi phí máy bay cho bà con khi đi họ, quà cảm ơn bà con đi họ, quà cho khách đi tiệc.
Với Dương Dung, chuẩn bị kế hoạch tài chính để cưới ít nhất là 4-5 tháng. “Vợ chồng mình cần ngồi nói chuyện bàn bạc với nhau về từng khoản để đưa ra sự thống nhất chung. Từ việc trang phục, chụp ảnh cưới ở đâu, nhẫn cưới mua ở đâu. Sau 4-5 lần chúng mình đã thống nhất được toàn bộ kế hoạch”.
Dương Dung nhấn mạnh rằng, hãy chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng vì ngày cưới là ngày trọng đại ai cũng muốn chỉn chu, hoàn thiện. Vì vậy vợ chồng hãy cân đối tài chính 2 bên thật phù hợp từ các khâu mua đồ, thuê đồ… để đưa ra kế hoạch hoàn hảo. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều cô dâu sẽ may váy cưới, áo dài chỉ để sử dụng 1 lần. Khoản này nên tìm hiểu lựa chọn phù hợp với mình, có thể tiết kiệm chi phí bằng cách đi thuê.
Ảnh minh họa - Pinterest
Ngoài ra, Nhi Nguyễn nhấn mạnh chi tiêu đám cưới cần phù hợp với khả năng của bản thân. Vì đám cưới mới là mở đầu cho một hành trình mới, còn nhiều thứ để lo ở phía sau lắm, chưa kể đám cưới rất nhiều thứ phải chi trả.
Cô cho rằng đừng vì quan niệm, cả đời một lần mà chi tiêu quá mạnh tay. Các bạn có thể giảm chi tiêu một số khoản như:
Thiệp cưới đặt tiêu chuẩn thôi, đừng đặt giá cao quá, in hình ảnh cá nhân lên. Vì mời xong thiệp người ta cũng để lại gửi tiền mừng, có người không dừng tới vứt đi.
Váy cưới, vest cưới: chỉ cần tầm 2 bộ. Vì nhiều quá sẽ tốn kém hơn. “Đặc biệt là hôm cưới rất là mệt, mình thay 1 lần đã thấy khá mệt. Có thể mua váy bán lại dùng được nhiều lần với những bạn cưới nhiều nơi”.