Những giọt nước mắt của Campuchia trái lại, không gieo sầu cho bóng đá nước này, mà chắc chắn mang đến niềm hạnh phúc cho giới lãnh đạo túc cầu xứ Angkor.
Thật tuyệt vời khi sau một chiến thắng, hay một trận thua, được thấy NHM khóc. Nước mắt trong những trường hợp ấy luôn là biểu hiện rõ nét nhất cho tình yêu.
Ngược về Bán kết AFF Cup 2014, cả dân tộc Việt Nam hạnh phúc khi ĐTQG đả bại Malaysia 2-1 trên chính thánh địa Shah Alam của đối thủ. Một trận đấu giàu cảm xúc đem lại không ít thăng hoa cho CĐV tại quê nhà.
Nhưng khi chính tập thể ấy đau đớn, vật vã vì thua Malaysia 2-4 trên SVĐ Mỹ Đình, khắp nơi là những tiếng chỉ trích, mắng nhiếc đến khó nghe. Nhiều cầu thủ đã khóc, khóc vì nỗi đau thua trận và khóc vì bị tổn thương bởi chính NHM nước nhà.
AFF Cup 2014: Việt Nam 2-4 Malaysia
Còn NHM, quả là có nhiều gương mặt buồn, nhưng đa phần đã chuyển nó sang sự phẫn nộ, tức giận và điên cuồng đẩy cầu thủ tới nghi ngờ "có vấn đề", để rồi mời cơ quan điều tra vào cuộc, tạo nên một trong những vết nhơ khó quên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Mới đây thôi, U16 Campuchia thua U16 Thái Lan 0-6. Trận đó, nước bạn có 40.000 CĐV tới sân. Trận gặp U16 Việt Nam, số CĐV Campuchia tới sân là 50.000. Người Campuchia không đặt nghi ngờ lên các cầu thủ trẻ sau thất bại muối mặt. Họ yêu và dành niềm tin tuyệt đối.
Sắp tới đây, khi U16 Campuchia gặp lại U16 Thái Lan ở trận tranh giải ba, chắc chắn sẽ lại có hàng chục nghìn NHM tới theo dõi, cổ vũ hết mình cho thầy trò HLV Inoue Kazunori.
HLV U16 Campuchia bật khóc sau thất bại trước U16 Việt Nam.
Điều này nếu nhìn từ góc độ một fan bóng đá Việt Nam sẽ thấy có gì đó sai sai. U16 thôi mà, làm gì "phát cuồng" đến thế?
Ở Việt Nam, phải cỡ U19 Việt Nam của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường gặp Nhật Bản, trong một trận Chung kết U19 ĐNÁ thì may chăng mới nhiều như thế.
Nhưng xứ Campuchia này thật lạ. ĐTQG đá giao hữu với Đông Timor cũng gần 80.000 người đến sân xem. Trận vòng bảng U16 cũng 40.000... Những con số này, trên thế giới cũng hiếm thấy, chứ đừng nói ở vùng trũng ĐNÁ.
"Đúng là đến tôi còn đang mơ ngày bóng đá Việt Nam có hàng chục nghìn CĐV tới sân cổ vũ giải trẻ như thế" – HLV Lê Thụy Hải đã phải thốt lên trước thông tin về NHM Campuchia.
U16 Campuchia 0-6 U16 Thái Lan
Thực ra, các cấp bóng đá của Campuchia quả là đang có tiến bộ, nhưng làm gì đã hay đến mức làm NHM phát cuồng về mặt chuyên môn.
Thời đại này, Campuchia cũng chẳng đói đến mức không được xem bóng đá đỉnh cao, vì Premier League hay La Liga, cả El Clasico cũng đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách đời sống rồi.
Như David Beckham đi vào rừng rậm Amazon mà thổ dân ở đó vẫn biết anh là ai đấy thôi.
Còn Jose Mourinho thì bảo, ông muốn tìm một nơi thật vắng vẻ để nghỉ ngơi, nên tìm tới nơi hoang dã nhất đất nước Kenya vào Hè 2014. Vậy mà người dân nơi đó vẫn biết, rồi dựng cột thu sóng để Mourinho xem... World Cup.
Thế nên, hiện tượng NHM Campuchia đổ dồn đi xem bóng đá chỉ có thể vì một lý do duy nhất: Niềm tin và tình yêu.
Một vị HLV thua trận khóc vì cảm thấy mình phụ lòng NHM thì làm sao không yêu được cơ chứ.
Mà đó là một vị HLV Nhật Bản, nơi có nền bóng đá hàng đầu châu Á, đến làm thuê ở đất nước trũng của vùng trũng ĐNÁ.
Chỉ có niềm tin và tình yêu mới khiến NHM tìm đến SVĐ. Đó chính là điều sai nhất ở Việt Nam lúc này, khi NHM gần như không còn tin và yêu vào bóng đá nước nhà.
Nhưng nên nhớ, khi mối tình tan vỡ, không chỉ một bên có lỗi!