Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thị trường bánh Trung thu năm nay đã có phần sôi động trở lại. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, khách hàng còn có rất nhiều lựa chọn khác như bánh Trung thu handmade, bánh Trung thu cao cấp, hay độc đáo hơn cả: bánh Trung thu nghệ thuật.
Lê Hằng (sinh năm 1991) - cô chủ của một thương hiệu bánh Trung thu nghệ thuật hoa nổi 3D - đã có thâm niên 5 năm trong lĩnh vực này. Năm 2017, chị bắt đầu tập tành trang trí bánh Trung thu sau khi lân la các hội nhóm chuyên về làm bánh trên Facebook. Đam mê này đã biến thành công việc từ lúc nào không hay.
"Ban đầu, đó chỉ là sở thích cá nhân của tôi. Được sự ủng hộ của người thân và bạn bè, tôi mới nghĩ đến việc kinh doanh bánh Trung thu nghệ thuật. Tôi muốn mọi người đều có bánh Trung thu 3D đẹp để mang đi biếu, tặng", chị Hằng chia sẻ.
Chị Lê Hằng - người khởi nghiệp từ niềm đam mê bán bánh Trung thu nghệ thuật hoa nổi 3D
Lần đầu tiên sản xuất bánh Trung thu nghệ thuật, lại chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh, chị Hằng gặp rất nhiều khó khăn. Những mẻ bánh đầu tay của chị trông khá vụng về. Việc sản xuất số lượng lớn bánh trong thời gian ngắn cũng không hề đơn giản.
"May mắn là tôi cũng từng học qua cách làm bánh căn bản, lại chịu khó tự mày mò thêm về bánh Trung thu nghệ thuật trên mạng nên cũng không đến nỗi", cô chủ 9X tâm sự.
Theo chị Hằng, làm bánh 3D nghệ thuật khó gấp 5-7 lần so với bánh truyền thống. Những khâu đặc biệt quan trọng như phối màu, nặn họa tiết, trang trí,... đều phải làm thủ công. Chưa kể, bánh dùng bột rau củ tự nhiên để lên màu, nên phải nướng nhiều lần ở nhiệt độ thấp mới giữ được vị ngon.
"Trên thị trường đã có rất nhiều cơ sở làm bánh truyền thống rồi. Do đó, tôi muốn mang đến một dòng bánh mới để mọi người mua về ăn hoặc mang đi biếu, tặng", chị Hằng cho biết. "Bánh Trung thu nghệ thuật rực rỡ sắc màu, phù hợp với không khí lễ hội nên mọi người rất thích".
Sau hơn 2 năm bán online, cô chủ 9X cuối cùng cũng chạm tới giấc mơ mở một cửa hàng thực sự. Theo chị Hằng, thành công lớn nhất của mình là tạo ra được một sản phẩm được mọi người yêu thích và đón nhận, cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho các bạn sinh viên.
Thời gian bán hàng là từ giữa tháng 6 đến hết Trung thu, nhưng chị Hằng đã phải chuẩn bị nguyên vật liệu, cơ sở vật chất và nhân công từ 4 tháng trước đó. Có những hôm, chị và các nhân viên phải thức từ 7h sáng hôm trước đến tận 4h sáng hôm sau để làm cho kịp những đơn hàng lớn.
Lúc cao điểm, xưởng bánh của chị Hằng có thể sản xuất tới 1.000 chiếc/ngày, phục vụ cả khách lẻ lẫn khách công ty. Bánh cũng có những loại nhân quen thuộc như thập cẩm, đậu đỏ, hạt sen,... hoặc nhân cao cấp như đông trùng hạ thảo,... Giá mỗi sản phẩm dao động từ 80.000 - 100.000 VNĐ, nhỉnh hơn so với các loại bánh Trung thu truyền thống trên thị trường.
Theo chị Hằng, bánh Trung thu nghệ thuật có khá nhiều ưu điểm vượt trội nên các khách hàng không ngại bỏ ra một số tiền lớn để mua về. Không chỉ có hình thức lạ mắt, thú vị và sang trọng hơn, bánh còn sử dụng bột rau củ để tạo màu tự nhiên, tốt cho sức khỏe.
Nhược điểm duy nhất của bánh Trung thu nghệ thuật là thời gian bảo quản khá ngắn, chỉ từ 7 - 10 ngày, và phải để ở nơi thoáng mát. Do đó, khách hàng khó lòng vận chuyển bánh đi xa.
Nói về sự cạnh tranh, cô chủ 9X tỏ ra khá tự tin vào sản phẩm của mình.
"Do nhu cầu khách hàng rất lớn nên nhiều nơi cũng đổ xô đi làm bánh Trung thu nghệ thuật. Tuy nhiên, thương hiệu của tôi rất chú trọng đầu tư về hình thức cũng như chất lượng sản phẩm, nên khách hàng vẫn tin tưởng và ủng hộ không ngừng", chị Hằng nói.
Trong tương lai không xa, chị Hằng mong muốn có thể đem "đứa con tinh thần" của mình đến các tỉnh thành khác trên cả nước.
"Tôi rất muốn mở rộng thương hiệu, nhưng việc này còn phụ thuộc vào yếu tố con người. Làm bánh Trung thu nghệ thuật đòi hỏi nhân công phải có kỹ thuật, mắt thẩm mỹ và sự kiên trì", chị cho biết.
"Có thể vài năm nữa, khi tôi đào tạo thêm nhiều nhân viên cứng tay hơn thì sẽ mở rộng ra các thị trường khác, chẳng hạn như TP. HCM".
(Ảnh: NVCC)