Có chăng sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai gói cứu trợ Covid-19?

Hoàng Linh |

"Nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn chi nhánh đó sẽ "làm lơ" doanh nghiệp" - Doanh nhân Đặng Hồng Anh cho biết.

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó quan trọng nhất là gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỷ đồng và 30.000 tỷđồng, được giao cho 2 cơ quan "đầu não" là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chủ động đồng hành cùng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã tung hàng loạt gói tín dụng, cứu trợ doanh nghiệp hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chính sách giải cứu doanh nghiệp đã đi vào thực tế hay chưa và liệu có những xung đột lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp hay không khi triển khai các gói cứu trợ trong đại dịch Covid-19? Những vấn đề này đã được các chuyên gia phân tích tại tọa đàm "Sống sót qua đại dịch Covid-19" do Trí Thức Trẻ tổ chức sáng ngày 13/4.

Rào cản tiếp cận gói hỗ trợ của ngân hàng

Đánh giá cao về sự quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về gói giải cứu doanh nghiệp trong dịch Covid-19, song dựa vào quá trình đồng hành cùng hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của NextTech, ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech Group cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp những khó khăn về tiếp cận gói giải cứu và vốn vay ưu đãi.

Có hai rào cản tiếp cận gói cứu trợ bao gồm: thủ tục vay ngân hàng còn rắc rối, trong khi doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần như chưa bao giờ vay nên không biết cách tiếp cận, thủ tục và hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tài sản thế chấp và đòi hỏi sổ sách kế toán minh bạch, trong khi nhóm startup công nghệ chỉ có trong tay phần mềm, hay thuật toán. 

Nhìn chung, khi không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh thiệt hại và dòng tiền trả nợ, thì việc trông chờ các gói cứu trợ từ Chính phủ hay ngân hàng là khá xa vời.

Có chăng sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai gói cứu trợ Covid-19? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech Group.

Đề cập đến hướng đi của nhóm này, ông Bình cho rằng, các startup hiện giờ trông chờ vào các khoản đầu tư mạo hiểm cùng sự linh động của các quỹ trong lĩnh vực Fintech, dựa trên việc chứng minh được năng lực và tiềm năng của doanh nghiệp.

"Ví dụ như tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nhỏ có thể vay những khoản vốn từ công ty công nghệ tài chính, không cần tài sản thế chấp mà các khoản vay được cấp dựa vào dữ liệu kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp công nghệ tài chính có thể giúp đỡ doanh nghiệp siêu nhỏ theo phương cách này", chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Đồng tình về việc doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vay cứu trợ, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, có sự xung đột lợi ích khi ngân hàng triển khai gói hỗ trợ, bởi thực tế, ngân hàng cũng là những doanh nghiệp, phải cân nhắc các rủi ro khi giãn nợ hay giảm lãi suất.

Ông Hồng Anh dẫn chứng, với chính sách "cứu trợ" giảm lãi, doanh nghiệp có gửi văn bản yêu cầu ngân hàng hỗ trợ, nhưng chỉ kéo dài khoảng hơn 1 tháng.

"Nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phía ngân hàng sẽ nói là cũng nhiều doanh nghiệp đăng ký và chúng tôi đang xem xét tiêu chí" - Chủ tịch HH Doanh nhân trẻ cho biết.

Về chính sách giãn nợ, ngân hàng có đồng ý nhưng lưu ý, nếu không "khéo" sẽ cân nhắc nâng nhóm. Khi đó, doanh nghiệp lại khó vay. 

"Doanh nghiệp trao đổi với Ngân hàng, tuy không rõ ràng về mặt văn bản nhưng qua trao đổi miệng như vậy thì Doanh nghiệp thôi để đó, cố gắng trả rồi còn vay mới" - Ông Hồng Anh tiết lộ thực tế.

"Nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn chi nhánh đó sẽ "làm lơ" doanh nghiệp bởi nếu không thì không đạt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận hàng tháng, hàng quý.

Vì vậy, mong các ngân hàng thương mại phải có chỉ thị quyết liệt thì hỗ trợ cho doanh nghiệp mới nhanh được. Tôi đề nghị ngân hàng nhà nước có tổng đài SOS cho doanh nghiệp. Nếu các điều kiện chính đáng của họ mà ngân hàng thương mại không giải quyết thì xử lý ra sao", ông Hồng Anh bày tỏ quan điểm.

Có chăng sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai gói cứu trợ Covid-19? - Ảnh 2.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Đưa lời khuyên cho doanh nghiệp trong giai đoạn này, theo ông Hồng Anh, nếu chưa có nhiều tích lũy, không có kế hoạch phát triển hậu dịch thì doanh nghiệp không nên vay ngân hàng, bởi nếu không sẽ thành gánh nặng tài chính cho chính doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân hàng.

"Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn", ông Hồng Anh phân tích.

Không nên giới hạn doanh nghiệp trong tiếp cận các gói tín dụng

Đánh giá gói vay của ngân hàng trong tương quan với gói vay ưu đãi của khủng hoảng kinh tế năm 2007- 2008, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, ở giai đoạn trước, ngân sách sẽ bù đắp chênh lệch lãi suất trong các gói hỗ trợ, còn lần này, ngân hàng sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Vậy nên, ngân hàng tính đến rất nhiều yếu tố như rủi ro, trách nhiệm hoàn vốn, cộng thêm yếu tố cần phải tuân thủ những quy định, quy tắc riêng của từng ngân hàng, dẫn đến việc có xung đột lợi ích khi triển khai hỗ trợ.

Có chăng sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai gói cứu trợ Covid-19? - Ảnh 3.

Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ KH&ĐT.

Đồng tình với ý kiến doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khi tiếp cận gói cứu trợ Covid-19, ông Hùng cho rằng, các gói tín dụng cần cởi mở, đặc thù hơn, thủ tục đơn giản hóa để dễ tiếp cận, để từ đó, doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi sản xuất và có dòng tiền trả ngân hàng. Thậm chí, có thể cân nhắc việc dùng đến dữ liệu kinh doanh để quyết định cho vay hay không nhằm tháo gỡ những rào cản tiếp cận nguồn cứu trợ.

"Không nên giới hạn các gói cứu trợ vào loại hình, khu vực hay điều kiện nào, bởi khi khó khăn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh thì vấn đề của doanh nghiệp này sẽ dẫn đến vấn đề của doanh nghiệp khác", ông Đào Văn Hùng nêu kiến nghị.

Có chăng sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai gói cứu trợ Covid-19? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đánh giá việc cho vay ở các ngân hàng tại Việt Nam là thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, song ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, để tháo gỡ vướng mắc về tiếp cận gói cứu trợ Covid-19, doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ đi vay tốt nhất có thể, còn ngân hàng thì điều chỉnh xuống các điều kiện một chút. Khi hai chiều cùng tác động với nhau sẽ thực hiện tốt các gói hỗ trợ của Chính phủ.

"Chưa có đất nước nào độ cho vay dễ như ngân hàng ở Việt Nam. Vay ở nước ngoài rất khó, trong khi các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam vay ngân hàng rất dễ. Vì thế, cần phải có chính sách kinh doanh, không phải cứ tốt vay là đi vay tiêu sài, tập trung vào tiêu sản", ông Thân bày tỏ quan điểm..

Vị chuyên gia cũng khuyên các doanh nghiệp không nên thấy cho vay dễ dàng mà đi vay, chạy theo lãi suất và nợ phải trả sẽ không còn sức sáng tạo mà cần nghiên cứu kỹ đường hướng, phương thức sử dụng nguồn vốn vay và nỗ lực vượt "bão" Covid-19.

Có chăng sự xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai gói cứu trợ Covid-19? - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại