Cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Luân Dũng |

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có tổng cộng 38 đơn vị, có chủ tịch và không quá bốn phó chủ tịch, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Ảnh 1.

Ngày 28/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định 108 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, viện này cũng có chức năng tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hằng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Tham gia thẩm định khoa học các đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới, đánh giá những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…

Về cơ cấu tổ chức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 38 đơn vị, gồm: Ban Tổ chức - Cán bộ; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Quản lý Khoa học; Ban Hợp tác quốc tế.; các Viện Triết học, Nhà nước và Pháp luật, Kinh tế Việt Nam, Viện Xã hội học, Tâm lý học…

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc. Viện Hàn lâm này có chủ tịch và không quá bốn phó chủ tịch.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; có trách nhiệm giúp Chủ tịch Viện chỉ đạo, giải quyết một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Viện, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Về Điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm bảo đảm theo đúng quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 thay thế Nghị định số 99/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại