Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra từ ngày 16-18/10 tại Thủ đô Hà Nội, với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.
Trao đổi với phóng viên trước thềm đại hội, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X là lần đầu tiên mở rộng thêm Đoàn Chủ tịch, cơ cấu một số người đứng đầu các Ban chuyên môn của MTTQ Việt Nam. Điều này giúp phát huy được vai trò của các tổ chức trong tập hợp xây dựng khối đại kết toàn dân tộc.
Bước chuyển biến mới trong công tác nhân sự
PV: Thưa ông, theo Đề án nhân sự, cơ cấu nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ X sẽ tăng lên so với lần thứ IX. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của sự đổi mới này?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trước hết chúng ta thấy rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của MTTQ Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh Đảng ta đã và đang thực hiện quyết tâm rất lớn về đổi mới toàn diện đất nước, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Văn kiện Đại hội Đảng XIII cũng xác định và khẳng định MTTQ Việt Nam là nòng cốt chính trị để phát huy vai trò làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội MTTQ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029 cũng đã xác định cần phải thông qua Đại hội Mặt trận các cấp để tập hợp, xây dựng và mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc, nhất là phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên tinh thần chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật MTTQ Việt Nam cũng như thực tiễn đòi hỏi đổi mới công tác Mặt trận và nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam, với tư cách là ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc, Đề án nhân sự Đại hội X của MTTQ Việt Nam đã có nhiều điểm mới, được xây dựng rất chu đáo, công phu theo đúng các quy định và phát huy được vai trò dân chủ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Theo dự kiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X được mở rộng lên 405 người, tăng 20 người so với khóa trước (khóa IX). Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX có 62 người, khóa này tăng lên 72 người. Như vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X mở rộng thêm các thành phần tiêu biểu của các giai tầng trong xã hội.
Trong nhiệm kỳ IX, MTTQ Việt Nam đã mở rộng, phát triển thêm được 3 tổ chức thành viên và khi các tổ chức được công nhận là tổ chức thành viên của Mặt trận thì người đại diện, người đứng đầu của tổ chức đó sẽ tham gia là Ủy viên Ban Mặt trận. Thông qua các tổ chức thành viên, chúng ta sẽ mở rộng tập hợp các giai tầng, các khối đoàn kết qua việc tập hợp các cá nhân tiêu biểu, đó là các nhân sĩ trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nhân tiêu biểu có tâm, có tài, những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo có đạo hạnh, có tinh thần sống tốt đời đẹp đạo. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ X này, chúng ta mở rộng thêm cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Việc số lượng Đoàn Chủ tịch tăng thêm là để phát huy được vai trò của các tổ chức trong tập hợp xây dựng khối đại kết toàn dân tộc và đây là lần đầu tiên mở rộng thêm Đoàn Chủ tịch, cơ cấu một số người đứng đầu các Ban chuyên môn của MTTQ Việt Nam, là điểm mới mà các nhiệm kỳ trước chưa có.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng trong các hoạt động của MTTQ Việt Nam, chúng ta cần có những chuyên gia, những người có kiến thức chuyên môn trên các lĩnh vực tham gia cùng với Mặt trận, Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chủ trương, chính sách, pháp luật.
Điển hình như nội dung giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam rất cần những người có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm trong lĩnh vực dân chủ, giám sát và phản phản biện xã hội. Vậy nên cần bố trí số lượng phù hợp những người đứng đầu các ban chuyên môn tham gia trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.
PV: Đề án nhân sự của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X cho thấy có sự thay đổi cả về số lượng và cơ cấu thành phần. Liệu đây có phải là một bước chuyển biến mới trong công tác nhân sự của nhiệm kỳ mới này không?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trong nhiệm kỳ khóa X, có nhiều cơ cấu được mở rộng, trong đó phải kể đến mở rộng thêm một số cán bộ chuyên trách và người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam ở nước ngoài thì có nhiều thành phần, như doanh nhân trí thức, cá nhân tiêu biểu, chức sắc của tôn giáo là người Việt Nam cũng tham gia Mặt trận, anh hùng lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế, công nhân, nông dân và đặc biệt là tỉ lệ ngoài Đảng.
Trong nhiệm kỳ khóa IX, chúng ta đã có 50% ủy viên là người ngoài Đảng và trong dự kiến đề án nhân sự trình Đại hội X, chúng ta sẽ cố gắng đảm bảo bên cạnh đầy đủ tỷ lệ các thành phần, giai cấp tầng lớp, cơ cấu đồng thời cũng đảm bảo tỷ lệ cơ cấu kết hợp 50% trở lên.
Việc có các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là người ngoài Đảng cho thấy MTTQ Việt Nam đúng là ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các mọi người không phân biệt quá khứ, ý thức hệ các thành phần nhưng đều là con Lạc, cháu Hồng hướng đến mục tiêu đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự góp sức của các tôn giáo cho phát triển lớn mạnh của MTTQ
PV: Thưa ông, trong cơ cấu thành phần Dự kiến Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X thì có 53 đại diện là chức sắc các tôn giáo, số lượng này bằng khóa IX. Ông có thể chia sẻ thêm về cơ cấu nhân sự này?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X có đại diện của lãnh đạo tổ chức tôn giáo đã được công nhận và hoạt động ở Việt Nam. Cơ cấu về số lượng tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương là 53 người, đó là cơ cấu cá nhân tiêu biểu. Ngoài ra, kết hợp các cơ cấu khác là người đứng đầu tổ chức thành viên hoặc đại diện cho trí thức tiêu biểu nhưng có thể người đó lại là chức sắc tôn giáo cho nên số lượng đại diện chức sắc các tôn giáo có thể lên đến khoảng 60 người.
Hiện nay, có đại diện của 16 tôn giáo được công nhận tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận cấp Việt Nam. Các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo đã có những người tham gia Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó, Phật giáo có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn là Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa tham gia Đoàn Chủ tịch, đồng thời là Phó Chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, dự kiến sẽ được giới thiệu để tái cử trong khóa X.
Linh mục Trần Xuân Mạnh là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tham gia Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương và cũng dự kiến trình Đại hội để hiệp thương giới thiệu tham gia Phó Chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.
PV: Như ông chia sẻ, có khoảng 60 người sẽ tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ các tôn giáo. Vậy thì là với tư cách là Trưởng ban Tổ chức cán bộ và trước đó là Trưởng ban Tôn giáo của Trung ương Mặt trận, ông đánh giá thế nào về sự góp sức của các tôn giáo trong sự phát triển lớn mạnh của MTTQ Việt Nam khóa IX?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trong nhiệm kỳ vừa qua (khóa IX), các tôn giáo ở Việt Nam có đóng góp rất quan trọng và tích cực trong các hoạt động của MTTQ Việt Nam, góp phần vào thành công cũng như là các điểm đổi mới của trong kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam khóa IX.
Điều này thể hiện qua rất nhiều lĩnh vực, tiêu biểu nhất là trong việc là tập hợp ý kiến của của chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia cùng với Mặt trận kiến nghị với Đảng và Nhà nước hoàn thiện các chủ trương, chính sách pháp luật; tham gia thực hiện thành công bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đặc biệt là tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19. Từ đó cho thấy, sự quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết của tất cả các tôn giáo cùng với Mặt trận, cùng với Đảng, Nhà nước, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết.
Bên cạnh đó, trong phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình an sinh xã hội thì các tổ chức tôn giáo đã cùng hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào các chương trình phát động, hành động của MTTQ Việt Nam. Điều này đã tạo ra sự đồng thuận trong chức sắc tín đồ của các tôn giáo nói chung và trong tăng ni, phật tử nói riêng.
Từ đó, chúng ta thực hiện thành công rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, nâng chỉ tiêu về đối ngoại nhân dân, tạo hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!