3 tuổi biết đọc, 4 tuổi biết viết, 6 tuổi đã giao tiếp tốt cả ba ngôn ngữ Việt - Anh - Trung, bé Mina - con gái của BTV Mùi Khánh Ly (Truyền hình Quốc hội) được nhiều người yêu mến gọi với biệt danh "thần đồng".
Mới đây, Mina cũng gây sốt khi xuất hiện trong một clip giới thiệu về văn hoá và ẩm thực của người H'Mông ở tỉnh Sơn La. Khả năng nói tiếng Anh lưu loát cùng biểu cảm tự nhiên, đáng yêu của Mina trong clip đã "đốn tim" rất nhiều cư dân mạng.
Ở ngoài đời, Mina là một cô bé hồn nhiên, dễ thương với "đặc điểm nhận dạng" chính là đôi mắt cười híp mí nhỏ xíu như một sợi chỉ.
Được biết, để con vừa được sống đúng độ tuổi, vừa sớm tiếp thu được những kiến thức mở mang đầu óc, ngay từ khi Mina lọt lòng, BTV Khánh Ly đã luôn trăn trở tìm cách đồng hành với con.
Trong suy nghĩ của nữ BTV "Dòng chảy của tiền", không có đứa trẻ nào giỏi hơn đứa trẻ nào, mà chính tình yêu thương của bố mẹ cùng với phương pháp đúng, sẽ khiến một đứa trẻ trở thành phiên bản tuyệt vời hơn của chính bé.
Thử tài Mina nói 3 ngoại ngữ Anh - Trung - Thái
Bạn chỉ cần cho con niềm tin thôi, con sẽ làm được tất cả!
- Đây có lẽ là đây là câu hỏi chị thường xuyên được nghe: Bí quyết nào để chị có thể nuôi dạy một em bé giỏi giang và đáng yêu như Mina?
Tôi tin rằng tất cả các em bé sinh ra đều đáng yêu và giỏi giang giống nhau, vấn đề là làm sao để mình giúp con phát huy những điều đó.
Có người nghĩ, con mình chỉ cần chơi thôi, hoặc thích làm gì thì làm miễn con vui vẻ, khỏe mạnh là được. Nhưng cũng có những người không muốn con lãng phí thời gian vui chơi quá nhiều, mà sẽ học được điều này điều kia, thêm hiểu biết về cuộc sống…
Bản thân tôi cũng đã từng băn khoăn giữa những cái đó. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu. Tôi đọc nhiều sách, đọc những nghiên cứu về não và tâm lý của trẻ… rồi nghiên cứu xem những em bé giỏi giang, thông minh thì từ nhỏ sẽ ra sao, có gặp áp lực nào hay không?
Khi đi phỏng vấn những người thành đạt, các triệu phú Việt Nam và nước ngoài, tôi cũng hỏi về ấu thơ của họ, cách để họ thành đạt… Và kết quả là họ đều có một điểm chung, đó là để có được nhiều điều như mong muốn, ai cũng phải nỗ lực học hỏi, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ nữa, không có điều gì là dễ dàng cả.
Chính vì vậy, để con có thể vừa vui chơi, vừa học được những điều hay mới mẻ, thì chỉ có cách là luôn đồng hành theo sát con. Tôi đã lồng tất cả các kiến thức vào trong các trò chơi của con để con được học mà chơi, chơi mà học. Nhưng để làm như vậy, bản thân mình cũng sẽ phải dành ra thời gian và bận rộn hơn với con.
Mina đã học các kiến thức và kỹ năng như vậy. Ví dụ như khi con học ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Trung… đều thông qua các trò chơi và các tình huống giao tiếp hàng ngày, chứ không theo một giáo án hay chương trình cố định nào cả.
Cứ khi nào Mina bảo con thích chơi cái này, muốn tìm hiểu điều kia, là tôi chơi và tìm hiểu cùng con luôn. Cách làm này thật sự rất vất vả, vì lúc nào mình cũng phải trong tâm thế sẵn sàng để học và chơi cùng con. Nhưng đổi lại, con sẽ tiếp thu nhanh và nhớ rất lâu một cách tự nhiên và hào hứng nhất khi con đang cảm thấy yêu thích.
- Nhiều bố mẹ có con cái đáng yêu, tài năng sẽ nghĩ đến việc kiếm tiềm bằng việc đóng quảng cáo, đóng phim, bước chân vào showbiz… chị đã bao giờ nghĩ đến điều đó chưa?
Tôi nghĩ mỗi gia đình sẽ có một quan điểm riêng, nếu đó là điều bố mẹ mong muốn hoặc biết đâu các bé cũng thích đóng quảng cáo từ sớm, thì họ cứ lựa chọn sao cho phù hợp với gia đình họ.
Còn với gia đình tôi, thì Mina từ lúc 3 tuổi cũng may mắn được nhiều người yêu mến, mẹ lại làm truyền thông nên cũng có nhiều cơ hội để con tham gia các chương trình, nhưng tôi cũng đã từ chối không cho con tham gia.
Vì lúc đó con còn quá bé, tôi muốn con được sống thoải mái, trọn vẹn với tuổi thơ con nhất. Cũng có 1 vài chương trình nhỏ, tôi con tham gia nhưng với hoàn toàn là vui chơi, trải nghiệm mà thôi. Giờ con đã lớn hơn và hiểu chuyện hơn, nên trong mọi chuyện, tôi sẽ hỏi sự đồng ý của con trước, nếu con thích thì mới làm, còn không thì tôi tôn trọng quyết định của con!
- Có nhiều bà mẹ than phiền họ nuôi con rất vất vả quá, mà kết quả không phải lúc nào cũng được như mong đợi...
Điều đó cũng đúng, ngay bản thân tôi cũng nhiều lúc thấy vô cùng vất vả (cười). Sau không ít lần như vậy, tôi cũng nhận ra là trước khi làm gì mình phải tìm hiểu thật kỹ và đủ sâu, rồi lựa chọn ra phương pháp đúng, phù hợp với mình, vì nếu sai phương pháp thì có chăm chỉ đến mấy cũng không đạt được kết quả, thậm chí còn khiến con bị áp lực hay tổn thương.
Thứ hai, là phải kiên trì và luôn đặt niềm tin vào con. Niềm tin ở đây không phải là kỳ vọng. Nếu kỳ vọng thì khi con không làm được mình sẽ thất vọng, dẫn đến gây áp lực lên con. Niềm tin là sự tin tưởng và động viên con, rằng con sẽ làm được, dù trước mắt có thể thất bại, giúp con có động lực để cố gắng.
Ví dụ, khi con làm sai điều gì, thay vì chê bai con với những cụm từ đại loại như "biết ngay là con không làm được mà", "bé như con biết gì mà làm"… thì hãy cùng con giải quyết vấn đề, tìm ra những vướng mắc, nguyên nhân thực sự dẫn đến sự thất bại, để lần sau con rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Cứ như thế mỗi ngày, con sẽ tích luỹ kinh nghiệm mỗi ngày và trưởng thành dần lên.
Thực tế, trẻ con rất mong chờ sự động viên của bố mẹ. Bạn cứ thử quan sát một đứa trẻ mà xem, ánh mắt bé lúc nào cũng nhìn bố mẹ để xem bố mẹ có vui với mình không, có hài lòng với mình không… Bạn chỉ cần cho con niềm tin thôi, con sẽ làm được tất cả.
Đừng lo con sẽ bị hạn chế điều gì, nếu biết đọc viết sớm
- Ba tuổi biết đọc, 4 tuổi biết viết, lại nói ngoại ngữ tốt, trong mắt nhiều người Mina giống một "thần đồng" vậy. Nhưng có những ý kiến cho rằng việc biết đọc sớm sẽ hạn chế trí tưởng tượng và sự sáng tạo của, vì vậy không nên dạy chữ cho trẻ trước tuổi đến trường. Chị thấy quan điểm này đúng hay sai?
Khi nhìn thấy một đứa trẻ giỏi giang, không ít người sẽ nghĩ em bé này hẳn sẽ là phải ngồi học suốt ngày, không có thời gian để chơi, lấy đâu ra sự sáng tạo, lấy đâu ra kinh nghiệm sống… mà thực tế cũng có nhiều trường hợp như vậy đấy.
Còn với Mina như tôi đã nói ở trên, mọi kiến thức thu nạp đều thông qua trò chơi nên với Mina con chỉ cảm nhận mình đang chơi, chứ không phải học. Mina thì từ bé đã thích vẽ. Tôi nghĩ bạn nhỏ nào cũng thích vẽ cả, các con vẽ để thể hiện ra những điều chúng tưởng tượng và sáng tạo.
Thế là tôi cho Mina học vẽ để con vừa phát huy sự tưởng tượng sáng tạo của mình, đồng thời luyện cho đôi tay cứng cáp hơn. Trong khi vẽ, thì lồng ghép các chữ vào, giống như là vẽ chữ, chứ không phải viết chữ, rồi lâu dần con tự viết chữ rất đẹp.
Tôi xây dựng cho con có thói quen đọc sách từ bé, đặc biệt vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Nên đến giờ đọc con rất háo hức, mỗi lần đọc, tôi sẽ bảo con có biết tại sao mẹ đọc được như vậy không, rồi tôi đánh vần cho con nghe. Cứ như vậy dần dần Mina nhớ được các mặt chữ và các cách thức đánh vần. Chúng tôi cũng chơi trò ghép chữ với nhau nữa. Cứ như vậy, kỹ năng đọc viết của con được hoàn thiện từ rất sớm một cách vui vẻ.
Những nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật cũng chỉ ra là trẻ sinh đều có số lượng tế bào thần kinh như nhau, trẻ càng hoạt động não nhiều thì các tế bào thần kinh sẽ liên kết với nhau thành một mạng lưới xử lý thông tin rất mạnh.
Còn ngược lại, trẻ càng ít vận động thì mạng lưới khó có thể được hình thành, khiến trẻ bị chậm trong việc tiếp thu và xử lý các thông tin. Chính vì vậy, các bố mẹ đừng lo là con sẽ bị hạn chế điều gì, nếu con biết đọc viết sớm. Khi con biết đọc, cả kho tàng tri thức đang chờ con, bố mẹ thì lại càng nhàn, bởi con có thể tự mình thu nạp các kiến thức nhiều hơn mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của bố mẹ.
- Chị có đang theo đuổi việc trở thành một người mẹ hoàn hảo không?
Chắc chắc là không rồi (cười). Tôi biết trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo cả. Chỉ là với tôi, trong bất cứ một việc gì, không chỉ riêng việc nuôi con, tôi cũng luôn cố gắng hết sức. Khi đã nỗ lực hết mình mà kết quả không tốt thì tôi cũng sẽ không cảm thấy hối tiếc.
- Công việc của một BTV truyền hình rất bận rộn, chị sắp xếp như thế nào để vừa hoàn thành việc nhà Đài, vừa có thời gian dành cho gia đình, cho con?
Mỗi ngày, ai cũng chỉ có 24 giờ cho mình thôi, nhưng việc sử dụng 24 giờ đó như thế nào thì tùy mỗi người sắp xếp. Ví dụ bạn có sở thích đi làm đẹp, giao du, hoặc thích ngồi một mình đọc sách…. Thì bạn phải chấp nhận mình đã tiêu tốn khoảng thời gian cho những việc đó rồi, thời gian dành cho con sẽ không còn nhiều nữa.
Còn tôi thì lại thích chơi với con, không chỉ là vì tình yêu hay nghĩa vụ, mà đó là một niềm đam mê của tôi. Ngoài ra, tôi cũng tự rèn luyện cho mình kỹ năng làm nhiều việc cùng một lúc. Ví dụ, đang hầm thịt, phải 30 phút nữa thịt mới chín mềm, thay vì lướt điện thoại chơi chờ đợi, tôi tranh thủ ra chơi với con, cùng con làm việc này việc kia.
Hoặc ví dụ việc tôi chơi piano cùng con cũng thế. Nếu để chờ đợi một lúc nào đó thật là rộng rãi thời gian, hai mẹ con mới ngồi vào đàn thì không biết đến khi nào. Nên cứ lúc nào có khoảng trống thời gian là tôi lại cùng con chơi đàn và làm những việc khác… nhiều lần như vậy, tôi cũng tiết kiệm được kha khá thời gian.
Còn về tổng thể, việc cân đối thời gian dành cho gia đình và công việc là tuỳ thuộc vào nhu cầu của người. Mỗi lựa chọn đều có kết quả tương xứng, việc của bạn là lựa chọn phương án sao cho phù hợp với mình mà thôi.
- Việc chị quyết định rời VTV sang Truyền hình Quốc hội có phải vì để cân đối thời gian hợp lý hơn?
Với tôi, một quyết định lớn không thể chỉ dựa vào một lý do đơn lẻ nào đó. Ở VTV hay Truyền hình Quốc hội Việt Nam với những vị trí khác nhau sẽ cho tôi những trải nghiệm đa dạng và trưởng thành hơn với nghề. Còn từ hồi ở VTV hay bây giờ là Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tôi vẫn thấy mình nuôi con tốt cả (cười).
Tôi muốn con sẽ lựa chọn tương lai của mình!
- Trong tương lại, chị mong muốn Mina sẽ trở thành một cô gái như thế nào?
Tôi muốn con sẽ lựa chọn tương lai của mình. Việc của tôi là sẽ cung cấp cho con những phương pháp, công cụ để con có nền tảng thực hiện giấc mơ của con. Chính con sẽ là người xây giấc mơ thành hiện thực chứ không phải bố mẹ.
- Tác giả cuốn "Em muốn đến Harvard học kinh tế", người mẹ của thần đồng Lưu Diệc Đình ngay từ khi con chào đời đã xây dựng kế hoạch "nuôi dưỡng một người tài" và cô ấy thành công, còn chị thì sao?
Mỗi người có đều những mục tiêu khác nhau trong cuộc đời. Với tôi thì việc nuôi dạy con cẩn thận như thế này đến một cách hoàn toàn tự nhiên.
Khi mang bầu Mina, tôi cũng đã nghiên cứu và chuẩn bị nhiều thứ, tôi cứ tưởng mình đã hiểu biết tốt về việc nuôi con rồi. Thế nhưng sau khi sinh, tôi nuôi Mina mà tháng đầu tiên không tăng lạng nào, trong khi đa phần trẻ sơ sinh sau khi ra khỏi bụng mẹ, nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện bình thường, cũng phải tăng khoảng từ 1-1,5 cân.
Sự việc đó khiến tôi nhận ra mình chưa thật sự hiểu con, cũng chưa thật sự hiểu về chuyện nuôi dạy con, khiến con bị thiệt thòi và khiến mình đau buồn.
Từ đó, tôi tiếp tục đọc học thêm các kiến thức nuôi con mỗi ngày, từ sách, các nghiên cứu, cho đến các kinh nghiệm thực tế của những người mẹ khác…
Cứ thế tôi ngày càng chủ động hơn trong việc nuôi con, dần dần con phát triển khoẻ mạnh, thông minh, vui vẻ, đáng yêu, còn tôi cũng cảm thấy hạnh phúc hơn. Đó là lý do tôi bắt đầu và cho đến giờ tôi vẫn duy trì, liên tục cập nhật và học hỏi để cả hai mẹ con cùng tiến bộ.
- Ông xã đồng hành như thế nào với chị trong việc nuôi dạy Mina?
Tôi thấy mình thật may mắn khi trong gia đình hai vợ chồng cùng đồng hành về chuyện nuôi dạy con cái. Tất nhiên, từ lúc ban đầu mới có con, cũng không hẳn nhất quán đâu nhưng vì chung mục tiêu là để con luôn được phát triển khoẻ mạnh và vui vẻ, nên cả hai cùng thay đổi.
Bố Mina là người đọc nhiều sách, là người cầu thị, ham học hỏi. Chính bố Mina còn động viên thúc giục tôi. Trước đó tôi cũng đã đọc nhiều sách, nhưng cuốn sách đầu tiên về nuôi dạy con khiến tôi có những thay đổi lớn trong nhận thức, chính do bố Mina mang về.