Cô bé 7 tuổi nhễ nhại mồ hôi bán rau ngoài chợ, nghe chuyện ai cũng khen bố mẹ dạy con khéo

Thảo Hương |

Nhờ một ngày đi bán rau mà bé gái đã hiểu thêm rằng việc kiếm tiền không hề dễ dàng, từ đó biết trân trọng đồng tiền hơn.

Lợi ích đầu tiên khi con hiểu về giá trị của tiền bạc là bé sẽ có thói quen tiết kiệm tiền cũng như tiêu dùng thông minh, đặc biệt trẻ sẽ biết không phải muốn gì là có ngay lập tức. Khi con lớn lên, những nền tảng về tiền bạc sẽ giúp con biết cách quản lý chi tiêu, tránh được nợ nần và có kế hoạch tài chính hợp lý, đồng thời biết quý trọng những đồng tiền mình có được.

Hiểu được điều này, chị Hà (sống tại Hà Nội) đã nảy ra ý tưởng để con trải nghiệm việc kiếm tiền. Bé gái Phương Linh (tên ở nhà là Na, 7 tuổi) đã được thử đi bán rau ngoài chợ một ngày và con đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm.

Câu chuyện em bé 7 tuổi đi bán rau

Các bố mẹ đã bao giờ thử cho con đi BÁN RAU chưa?

Khi nghe bố gợi ý "con có thích thử đi bán rau không?" con bé nhà mình hào hứng đồng ý liền. Tất nhiên rồi, bán rau thật thì sẽ "xịn xò" hơn bán rau đồ hàng mà nó hay chơi chứ.

Ý tưởng này là từ bố Na vào mùa hè năm ngoái khi thấy con lãng phí nhiều đồ ăn, đồ chơi, sách vở… dù bố mẹ có nhắc thế nào.

Vậy là một hôm bố dậy sớm mua về cho Na 4 bó rau muống to hết 28 nghìn. Mẹ cùng Na ngồi chia ra thành 7 mớ rau nhỏ, dặn bán 5 ngàn một mớ. Xong đâu đấy mẹ còn chuẩn bị cho ít túi ni lông, tiền lẻ, đội cho cái mũ lên đầu.

Thế là bà bán rau 7 tuổi đã sẵn sàng để "mở hàng" rồi.

Bố phụ bê mẹt rau ra đầu cổng chợ cách nhà có vài trăm mét. Trước khi về bố dặn ai đi qua thì nhớ mời nhé.

Lúc đầu, nàng ấy nhì nhèo bảo bố ngồi cùng nhưng bố chỉ bảo bố còn phải về làm việc, thỉnh thoảng bố sẽ đảo qua xem con thế nào.

Vậy là nàng ấy ngồi thu lu đầu chợ, nhát nên không dám mời ai mua. Cứ ngồi ấy từ sáng đến gần trưa mà không bán được mớ nào. Nàng ta bắt đầu sốt ruột, thi thoảng lại kêu mỏi, khát nước, nhưng cũng không dám bỏ rau chạy về, nàng lẩm bẩm "Hóa ra bán rau chả vui như mình tưởng".

Đến trưa thì mới có người mở hàng đầu tiên, một bác mở hàng còn khen nàng ấy ngoan, bé tí đã biết giúp đỡ bố mẹ.

Kiếm được đồng tiền đầu tiên chao ôi là sướng, trông cái mặt nàng hào hứng lắm. Trước khi về nghỉ ăn trưa còn bán được thêm một mớ, thế là trưa về ăn cơm thấy ngon hẳn, mồm thì ríu rít kể không ngừng.

Chiều ngủ dậy, lại mở hàng bán tiếp. Chưa kịp bán đã lại kêu khát, bố thương tình mua cho quả dừa. Đúng là bà bán rau sướng nhất hệ mặt trời, quả dừa tính ra bằng tiền cả mẹt rau kia ấy.

Thế mà vẫn vừa ngồi bán vừa kêu. Đầu giờ chiều trời nắng quá, vã cả mồ hôi ra. Ở đây không có quạt, cũng chẳng có điều hòa, đường thì bụi bặm. Đến chiều muộn, giờ tan tầm, mới có người ghé hỏi, mua ủng hộ cho thêm 3 mớ nữa. Còn ế 2 mớ, ngồi mãi đến gần 6h tối cũng không ai mua.

Mẹ ra bảo thôi để mẹ mua hộ nốt, vậy là may quá cũng hết hàng.

Trừ tiền vốn của bố, vậy là nàng ta còn lãi đúng 7 nghìn đồng. Nàng ấy vuốt phẳng phiu tờ tiền, gói ghém trong mấy lớp túi như là các cụ ở quê. Tối học Tiếng Anh còn không quên mang ra khoe với cô giáo nước ngoài. Cô giáo được phen ôm bụng cười.

Tổng kết một ngày "khởi nghiệp" của Na là như thế. Bố hỏi rằng mai con có muốn đi bán rau nữa không? "nàng ấy bảo bán rau cực lắm, con không bán nữa, nhưng nếu có bán thì lần tới con sẽ bán hoa".

Bố hỏi "sao lại bán hoa"?

Na trả lời: tại nay con thấy cái bác bán hoa ngồi cạnh con bán được nhiều lắm, khách đến mua mà bác ấy gói không kịp ấy.

À, thì ra doanh nhân trẻ cũng đã rút được kinh nghiệm đầu tiên trong ngày khởi nghiêp rồi đấy!

Dạy con những bài học về tiền bạc qua trải nghiệm

Sau khi biết phương pháp giáo dục của chị Hà và chồng là muốn con được trải nghiệm sự vất vả của việc lao động, nhiều người đã rất khâm phục. Không phải bố mẹ nào cũng có thể dũng cảm để con chịu vất vả và sẵn sàng để con được thử sức để có những kinh nghiệm như thế. Thành quả đem lại cực kỳ ngọt ngào, em bé đã hiểu thêm về giá trị của đồng tiền, về sự vất vả và không lãng phí nữa.

"Vợ chồng mình đều muốn cho con có nhiều trải nghiệm nên hay tạo những dịp để con có thể biết nhiều điều thực tế trong cuộc sống. Có lần chồng mình còn cho con dậy từ 4, 5 giờ sáng đến chợ đầu mối rau củ thịt cá để con biết cuộc sống vất vả mưu sinh của mọi người là như thế nào", chị Hà tâm sự.

Giáo sư nổi tiếng Li Meijin hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc khuyên cha mẹ nên đưa con tới những nơi này để bé học thêm nhiều bài học trong cuộc sống:

- Đưa con đến vùng nông thôn: Cha mẹ nên dành thời gian đưa con nhỏ về nông thôn để tận mắt chứng kiến cảnh người nông dân lao động chăm chỉ ra sao. Qua đó dạy con biết quý trọng những gì mình tự dùng sức lao động để đánh đổi. Cũng biết quý trọng hạt gạo, củ khoai và những thứ bình dị thường ngày.

- Đưa con ra đường phố lúc ba hoặc bốn giờ sáng: Ba bốn giờ sáng, thời điểm mà hầu như mọi người đã chìm vào giấc ngủ sâu, nhưng vẫn có những người công nhân quét rác, làm đường. Họ vì kế sinh nhai mà bắt đầu bôn ba kiếm sống.

- Đưa con đến vùng núi nghèo khó: cho con tiếp xúc và kết bạn với đứa trẻ chăm chỉ. Đồng thời hãy giải thích cho con hiểu rằng, dù nghèo nhưng các bạn vẫn chăm chỉ học tập và làm việc. Sau đó đem so sánh lại với điều kiện sống đủ đầy mà các con đang có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại