Có bao nhiêu bia Tiến sĩ được trang trí hình rồng?

Trần Hòa |

Cách đây 540 năm, những tấm bia đề danh Tiến sĩ đầu tiên được vua Lê Thánh Tông cho khởi dựng vào năm 1484 nhằm tôn vinh các nhà khoa bảng.

Có bao nhiêu bia Tiến sĩ được trang trí hình rồng?- Ảnh 1.

Đôi chim phượng trang trí trên trán bia Tiến sĩ khoa thi năm 1589 niên hiệu Quang Hưng thứ 12.

Sau hơn 500 năm, kể từ khi tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được khởi dựng - cho đến nay vẫn còn biết bao thông điệp giá trị chưa giải mã hết xung quanh di sản tư liệu thế giới vinh danh các nhà khoa bảng Việt Nam.

Bất ngờ từ 82 pho sử đá

Hướng tới ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ”, diễn ra từ ngày 31/7 đến hết ngày 26/8 tại Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Cách đây 540 năm, những tấm bia đề danh Tiến sĩ đầu tiên được vua Lê Thánh Tông cho khởi dựng vào năm 1484 nhằm tôn vinh các nhà khoa bảng. Trải qua hơn 500 năm, số lượng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện còn 82 bia, ghi danh 1.304 vị Tiến sĩ.

Đây không chỉ là kho sử liệu quý giá - biểu tượng của truyền thống hiếu học và đạo làm người của kẻ sĩ, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, nơi người xưa gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.

Trong số các hoa văn và hoạ tiết được sử dụng trang trí trên trán bia và diềm bia Tiến sĩ, hình tượng rồng luôn được dành một vị trí trang trọng. Vốn là linh vật đứng đầu trong danh sách “tứ linh”, rồng luôn được coi là đại diện thiêng liêng, cao quý và chỉ dành cho các bậc quân vương.

Vì vậy hình tượng rồng chủ yếu xuất hiện ở trán bia – phần trang nghiêm nhất, và thường được thể hiện theo bố cục hai con rồng chầu vào mặt trời có mây lửa bao quanh. Bản thân hình ảnh mặt trời mây lửa có lẽ cũng được coi như một hình tượng tiêu biểu của nguồn sáng tri thức bất tận và nhiệt huyết của mỗi nho sinh trên hành trình “sôi kinh nấu sử”.

Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, trưng bày “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ” nhằm mang đến cho công chúng những khám phá mới lạ về các hoạ tiết rồng trên 82 bia Tiến sĩ Thăng Long. Các tác phẩm được giới thiệu đều thể hiện trên nguyên tắc tôn trọng đường nét nguyên bản, giúp người xem hình dung rõ hơn sự tài hoa và điêu luyện của người xưa.

Dù nhiều thế kỷ trôi qua, mỗi tấm bia đều phải hứng chịu nhiều tác động bào mòn, các hoạ tiết ít nhiều bị che phủ. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu đã tìm lại được không chỉ những bài ký mà còn phát hiện hàng loạt hoa văn, hoạ tiết tinh xảo.

Nếu như đợt dựng bia năm 1653 thể hiện hình rồng theo hướng tả thực, thì kể từ đợt dựng bia năm 1717 trở đi, hầu hết hình tượng rồng đều được tạo tác theo những cách thức hết sức đa dạng, thoát ly hoàn toàn khỏi khuôn mẫu thông thường, thậm chí có cả những phiên bản rồng hoá mây, rồng hoá lửa hay rồng hoá cây lá.

Những tạo hình biến hoá đó sẽ được tái hiện trong nội dung trưng bày “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ” để mang đến cho khách tham quan những khám phá bất ngờ về các giá trị thẩm mỹ đáng kinh ngạc của những pho sử đá về truyền thống khoa bảng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO ghi danh từ năm 2010.

Có bao nhiêu bia Tiến sĩ được trang trí hình rồng?- Ảnh 3.

Trong 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có tới 46 tấm bia được trang trí hình rồng ở nhiều kiểu dáng.

Rồng biến hóa trên 46 tấm bia

Trong 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám có tới 46 tấm bia được trang trí hình rồng ở nhiều kiểu dáng. Bia Tiến sĩ được dựng từ năm 1484 nhưng hình rồng chạm khắc trên trán bia lại xuất hiện muộn hơn. Phải đến tấm bia Tiến sĩ khoa thi Ất Sửu (1565) mới xuất hiện hình rồng.

Phân loại từ hình thể, rồng trên trán bia có hai loại: “Rồng thức” và “rồng hóa mây”. “Rồng thức” là hình rồng uốn khúc từ trên vòng xuống, vi vảy được chạm rõ, đầu rồng ngẩng cao, râu tóc uốn lượn, thần thái dũng mãnh chầu vào vầng nhật nguyệt với các tia sáng xung quanh. Đặc biệt rồng được tạo tác chỉ có 3 móng, và chỉ có 15 tấm bia xuất hiện hình ảnh này.

Tuy nhiên, trong 15 tấm bia đó, có tấm bia khoa thi năm 1607 lại xuất hiện loại “rồng thức” khác, đó là hình “lưỡng long tranh châu”.

Hình tượng hai con rồng là biểu tượng âm - dương cân bằng, hạt châu là biểu tượng của thái cực và vũ trụ. Hình ảnh hai con rồng được chạm khắc rõ nét, nhưng khô cứng gai góc, khác với hình tượng rồng được chạm khắc trong cùng giai đoạn đó.

Có bao nhiêu bia Tiến sĩ được trang trí hình rồng?- Ảnh 4.

Đề tài 'Lưỡng long hóa mây chầu nhật nguyệt' trang trí trên trán bia Tiến sĩ năm 1763.

“Rồng hóa mây” lần đầu tiên xuất hiện trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1656. Từ khoa thi này trở về sau có 31 tấm bia sử dụng hình ảnh này, chỉ khác là rồng được tạo hình từ những đám mây.

Nếu chỉ nhìn lướt qua, có thể tưởng đó là những đám mây vây quanh vầng nhật nguyệt, nhưng quan sát kĩ mới thấy khối mây là đầu rồng, khối mây khác là thân rồng uốn khúc, tứ chi, vây tóc cũng được cách điệu từ những dải mây. Kiểu thức này khiến linh vật rồng không uy nghi, nhưng uyển chuyển biến hóa.

Người xem dễ thấy nét tương đồng và sự khác biệt giữa bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long và Văn Thánh Huế. Bia Văn Thánh Huế có kích thước tương đối đồng đều, chiều cao trung bình khoảng 158cm, rộng 70cm, độ dày 20cm. Trong khi đó, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long có sự chênh lệch lớn, tấm bia nhỏ nhất có chiều cao 110cm, rộng 70cm; tấm bia to nhất cao tới 175cm, rộng 130cm.

Nếu như trang trí trên bia Tiến sĩ Văn Thánh Huế đơn giản bao nhiêu, thì trên bia Văn miếu Thăng Long lại phong phú bấy nhiêu. Qua phác thảo, người xem sẽ thấy các đề tài trang trí ở bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long đa dạng đến nỗi, ngoài những con vật trong hệ “tứ linh”, còn những con vật khác gần gũi với đời sống như các loài chim, vịt, hươu, nai, hổ… thậm chí cả con người.

Nghệ thuật điêu khắc thì bia ở Văn Miếu Thăng Long phong phú, đa dạng hơn bia ở Văn Thánh Huế, thể hiện ở cả 3 phần trang trí trên trán bia, diềm bia và điêu khắc rùa. Trang trí trên trán bia Văn Thánh Huế chỉ có 2 mô típ là “lưỡng long chầu nguyệt” hoặc mây trăng cách điệu.

Văn bia ở Văn Miếu Thăng Long ngoài 2 mô típ trên thì còn những chủ đề khác đặc sắc. Trên trán bia 1580 có “long mã chầu nguyệt”. Long mã được tạo tác khỏe khắn, oai phong, cổ và ngực nhiều ngấn khúc, vảy cá nhiều gai nhọn. Diềm bia trang trí 2 con ngựa phi nước đại, diềm bia ở phần trán có 2 con phượng tung cánh - một sự cách điệu nghệ thuật đáng kinh ngạc của người xưa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại