Có ảnh chụp màn hình chuyển tiền nhưng không thấy tiền về tài khoản: "Phông chữ rất kỳ lạ - Hóa ra tôi đã bị lừa!"

Mạnh Kiên |

Rất nhiều người có thói quen chỉ cần nhìn thấy ảnh chụp màn hình chuyển tiền là yên tâm. Tuy nhiên, tiền không thấy đâu, gọi lại cho người chuyển thì không bắt máy.

Chúng ta thường quen với việc thanh toán tiền qua chuyển khoản hoặc ứng dụng ví điện tử. Để chứng thực đã chuyển tiền, người dùng thường chụp lại màn hình biên lai chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng hoặc tin nhắn thông báo biến động số dư để gửi cho người nhận tiền.

Tuy nhiên, những biên lai này có thể bị làm giả. Thực chất, biên lai đã được chỉnh sửa lại với số tài khoản, tên người gửi, số tiền giống như thật, nhưng trên thực tế không có lệnh chuyển tiền nào được thực hiện. Chỉ đến khi truy soát tại ngân hàng, người nhận mới vỡ lẽ rằng đã bị lừa.

Có ảnh chụp màn hình chuyển tiền nhưng không thấy tiền về tài khoản: Phông chữ rất kỳ lạ - Hóa ra tôi đã bị lừa! - Ảnh 1.

Giả mạo biên lai chuyển tiền

Johana Blanco, người làm việc cho một quán ăn ở Lima, Peru cảm thấy có điều gì đó không ổn khi nhận được hình ảnh biên lai chuyển tiền qua WhatsApp.

Đó là một biên lai từ Yape - ứng dụng thanh toán di động phổ biến nhất của Peru. Nó được gửi cho cô với đầy đủ ngày, giờ, số tiền đã trả và tên đầy đủ của người trả tiền.

"Phông chữ trên biên lai có vẻ kỳ lạ", cô nói. Sau khi kiểm tra tài khoản Yape, Blanco thấy rằng không có khoản thanh toán nào được thực hiện. Blanco liên lạc với khách hàng nhưng người này đã ngừng trả lời tin nhắn. "Đó là lúc tôi biết họ lừa mình bằng một biên lai giả".

Đó là một số tiền tương đối nhỏ và kẻ lừa đảo chỉ đơn giản là trốn không trả tiền một bữa ăn. Tuy nhiên, trò lừa này cũng đặt ra câu hỏi về nhưng lỗ hổng trong thanh toán kỹ thuật số.

Để xác nhận thanh toán, một người thường dựa vào ảnh chụp màn hình của khách hàng có biên lai do ứng dụng tạo ra, vì nhiều ứng dụng không phải lúc nào cũng thông báo cho người dùng số tiền nhận về ngay lập tức.

Sự bất tiện này chính là cơ hội cho những trò lừa đảo dễ dàng như trên. Biên lai giả là phổ biến nhất vì chúng dễ tạo nhất. Ít phổ biến hơn là tin nhắn SMS giả mạo và các trò gian lận khác.

Dù có nhiều khác biệt, nhưng về cơ bản, tất cả các loại gian lận thanh toán trên đều nhằm đánh lừa người khác rằng số tiền đã được thanh toán nhưng thực tế thì không.

Ở các quốc gia như Colombia và Peru, trong năm qua đã có nhiều báo cáo về việc những kẻ lừa đảo tạo biên lai giả để lừa người dùng có các ứng dụng thanh toán. Hình thức gian lận mới này là một vấn đề ngày càng gia tăng, nhưng có rất ít cách giải quyết.

Có ảnh chụp màn hình chuyển tiền nhưng không thấy tiền về tài khoản: Phông chữ rất kỳ lạ - Hóa ra tôi đã bị lừa! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Không có giải pháp

Kể từ năm 2020, ví điện tử đã bùng nổ ở những nơi như Colombia và Peru. Đây là các quốc gia bỏ qua ngân hàng truyền thống để tiến tới các giải pháp thay thế kỹ thuật số.

Ở Peru, sử dụng ví điện tử đã tăng 75% trong năm 2020, trong khi Colombia tăng 99% từ năm 2020 đến năm 2021, một phần do các cơ quan chính quyền cũng sử dụng.

Yape được ra mắt vào năm 2016 bởi Banco de Crédito, ngân hàng lớn nhất của Peru. Trong vòng chưa đầy ba năm, công cụ này đã tăng từ 2 triệu người dùng lên khoảng 9 triệu người — gần 30% dân số cả nước.

Tại Colombia, hai trong số các ngân hàng lớn nhất là Davivienda và Bancolombia, lần lượt tung ra các ứng dụng Daviplata và Nequi, hiện có khoảng 14 triệu người dùng mỗi bên, cộng lại chiếm hơn một nửa dân số của đất nước.

Nhưng khi các ứng dụng thanh toán trở nên phổ biến, các trò gian lận cũng lộng hành. Theo Marcelo Tedesco, giám đốc điều hành của Global Ecosystem Dynamics: "Công nghệ xúc tác cho các hiện tượng xã hội, thúc đẩy các hành vi hiện có như trộm cắp hoặc lừa đảo trên đường phố".

Các cửa hàng ứng dụng ngoài Google Play và App Store cung cấp các ứng dụng cho phép người dùng tạo biên lai giả chỉ bằng cách nhập tên và số điện thoại. Sau đó, những kẻ lừa đảo gửi các biên lai giả này qua WhatsApp hoặc đưa chúng trực tiếp cho người nhận.

Các ứng dụng lừa đảo về cơ bản chỉ là sao chép các mẫu dựa trên biên lai của ứng dụng gốc.

Đại diện ngân hàng tại các quốc gia này cho biết đang thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức để giúp người dùng xác định lừa đảo. Tuy nhiên, bản thân ngân hàng không nói liệu họ có thực hiện những thay đổi cụ thể trên ứng dụng ngăn chặn những trò gian lận này.

Lý do các trò lừa đảo thành công bắt nguồn từ việc người dùng thiếu kiến thức tài chính kỹ thuật số. Tedesco, giám đốc điều hành của Global Ecosystem Dynamics, không hài lòng về việc các công ty thanh toán tuyên bố họ không chịu trách nhiệm đầy đủ về sự gia tăng các vụ lừa đảo.

"Có một quan niệm sai lầm giữa các tổ chức tài chính khi nghĩ rằng bản thân công nghệ là đáng tin cậy và do đó các nhà phát triển không cần lấp các kẽ hở mà kẻ lừa đảo sử dụng. Họ không thể đổ lỗi cho người dùng vì đã quá tin tưởng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại