Sức khỏe tài chính là một thuật ngữ vừa lạ vừa quen. Với một số người, đó là giá trị tài sản ròng của bản thân hay đơn giản là tình trạng thu nhập ở thời điểm hiện tại. Một số khác lại cho rằng đó là khả năng sử dụng đồng tiền cho những khoản chi tiêu cho gia đình hàng ngày và dành dụm cho tương lai.
Dù được hiểu theo cách nào thì chúng ta đều phải thừa nhận rằng tình trạng sức khỏe tài chính cá nhân luôn thay đổi tùy thuộc vào các biến động khách quan và chủ quan. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm đến sức khỏe tài chính của mình và tìm cách giữ túi tiền của mình khỏe mạnh trong cuộc sống cũng như trong đầu tư.
Cũng bàn về chủ đề này, Talkshow về tài chính cá nhân hấp dẫn nhất hiện nay: Tự do tài chính MONEYtalk với sự dẫn dắt của HOST Dương Ngọc Trinh tiếp tục lên sóng số 45 thu hút sự quan tâm của đông đảo những người yêu thích lĩnh vực tài chính - kinh doanh.
Khách mời trong số này chính là hai chuyên gia đặc biệt: anh Trần Khánh - Giám đốc kinh doanh môi giới - Vùng Hà Nội, CTCP Chứng khoán Tp. HCM (HSC) và anh Nguyễn Thanh Hoàng - Quản lý cấp cao Phát triển đối tác tại một công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
Trong chương trình lần này, ngoài việc chia sẻ phương pháp kiểm tra hiệu quả và cải thiện tình hình tài chính thì 2 chuyên gia còn còn mở túi khôn và đưa ra những câu trả lời bổ ích giúp giải đáp những thắc mắc của khán giả quan tâm.
Trong số đó, nổi bật là câu hỏi của khán giả Hoàng Minh Tiến: Có 5 triệu USD năm 30 tuổi thì nên lao động nữa không? Với câu hỏi này, 2 vị khách mời của chương trình đã nêu ra góc nhìn cá nhân:
Theo anh Hoàng, lao động trí óc cũng là một dạng lao động. Khi có 5 triệu USD năm 30 anh sẽ tiếp tục đầu tư: "Con số 5 triệu USD là con số rất lớn, tôi có thể làm được rất nhiều thứ với con số 5 triệu USD đó để nó có thể biến thành 10 triệu USD. Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục đầu tư để sinh lời."
Về phía chuyên gia HSC, anh Trần Khánh cho biết: "5 triệu USD là con số mà người ta thường hay nhắc đến là ngưỡng của tự do tài chính. Số tiền đó tương ứng với 130 tỷ đồng và với con số 130 tỷ đồng đó nếu tính theo biên lợi nhuận của ngân hàng hiện nay thì một năm bạn có thể lời được 7%, tương đương với khoảng 10 tỷ đồng. Có nghĩa là mỗi tháng bạn được phép tiêu khoảng 1 tỷ mà không ảnh hưởng đến nguồn vốn của mình."
Theo anh Khánh, 5 triệu USD là ngưỡng tự do tài chính mà nhiều người mong muốn đạt đến. Tuy nhiên anh cho rằng khi một người đã đạt đến ngưỡng 5 triệu USD rồi thì họ sẽ tiếp tục đầu tư để nhân tài sản lên và hiếm có người nào có 5 triệu USD rồi lại nghỉ ngơi để tiêu xài.
Trước quan điểm của chuyên gia HSC, Host Dương Ngọc Trinh cũng nên lên suy nghĩ của mình và nhận được sự đồng tình của 2 vị khách mời: "Nhiều người có suy nghĩ tự do tài chính chính là muốn tiêu gì thì tiêu mà không phải làm gì. Đó cũng có thể là 1 suy nghĩ nhưng trên thực tế, suy nghĩ đó sẽ làm cho họ không còn tự do nữa."