Khung giờ đẹp cúng vía Thần Tài năm 2024
Trong tín ngưỡng của các nước phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, Thần Tài là vị thần liên quan tới tiền tài, tài lộc và may mắn. Vì vậy, cứ vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người làm ăn kinh doanh, buôn bán thường sửa soạn lễ vật làm lễ cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc cho năm mới. Năm 2024, ngày vía Thần Tài rơi vào thứ 2 ngày 19/2 Dương lịch.
Theo gợi ý của các chuyên gia phong thủy, cúng Thần Tài tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng trong một số khung giờ như 5-7h, 9 - 11h, 15-17h hoặc 19-21h. Cụ thể:
5h-7h (giờ Ất Mão, tức giờ Bảo Quang hoàng đạo): Đây là khung giờ mang lại may mắn, tài lộc và sức khỏe cho gia chủ. Nếu cúng Thần Tài trong giờ này sẽ giúp phát tài phát lộc, ăn nên làm ra, đồng thời đem lại sự bình an và làm tăng năng lượng tích cực cho người thực hiện.
9h-11h (giờ Đinh Tị, tức giờ Ngọc Đường hoàng đạo): Mưu sự dễ thành, công việc của gia chủ sẽ suôn sẻ hơn bởi có quý nhân hỗ trợ và giúp đỡ. Dù có gặp khó khăn cũng trở nên dễ dàng hơn, tài lộc như ý.
15h-17h (giờ Canh Thân, tức giờ Tư Mệnh hoàng đạo): Đây cũng là một khung giờ đẹp để cúng vía Thần Tài trong năm 2024, giúp gia chủ dễ gặt hái thành công, tiền tài rủng rỉnh bằng trong làm ăn kinh doanh, buôn bán.
19h-21h (giờ Nhâm Tuất, tức giờ Thanh Long hoàng đạo): Cúng Thần Tài vào khung giờ này sẽ đem tới nhiều may mắn và hanh thông cho công việc kinh doanh, buôn bán, làm ăn của gia chủ.
Chuyên gia phong thủy lưu ý, người làm kinh doanh thờ Thần Tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của thần tài.
Tốt nhất ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà. Đồ lễ đơn giản, không nên quá cầu kỳ hay xa xỉ, chỉ cần hoa tươi, quả tươi, nước sạch. Không nên cúng quá sớm vào lúc 3-5h hoặc quá muộn vào buổi tối sau 21h vì sẽ mất thiêng.
Mâm cúng vía Thần Tài
Tùy vào từng vùng miền, điều kiện của mỗi gia đình, cá nhân sẽ chuẩn bị lễ vật cúng Thần Tài khác nhau. Có thể làm mâm cúng chay hoặc cúng mặn. Nếu cúng mặn có thể chuẩn bị thịt quay hoặc cá lóc nướng, cua biển, gà luộc, tôm luộc, trứng luộc. Ngược lại, nên chuẩn bị bánh ngọt, bánh tét chay...
Tuy nhiên, theo truyền thống, cúng vía Thần Tài thường gồm các lễ vật sau:
Bộ Tam sên: gồm thịt lợn luộc, 3 quả trứng luộc, 3 con tôm hoặc cua.
1 hũ rượu, 1 hũ gạo, 1 hũ muối, 5 chén nước.
1 khay vàng giấy, một bộ giấy tiền vàng mã.
1 bao thuốc lá, 2 cây đèn (nến), hương (nhang)
Mâm ngũ quả
Hoa tươi (có thể hoa cúc vàng, hoa đồng tiền…)
Bánh kẹo, trầu cau, xôi đậu xanh
Bên cạnh đó, vào sáng mùng 10 tháng Giêng, gia chủ nên quét dọn nhà cửa sạch sẽ để sẵn sàng nghênh đón Thần Tài. Nên mở các cánh cửa hướng Tây trong nhà để đón tài lộc.
Với những gia đình không có bàn thờ Thần Tài thổ địa thì sắp lễ cúng ra mâm sạch, để ngay lối ra vào để hành lễ. Lưu ý để mâm lễ trong nhà, không được để bên ngoài. Trước khi bắt đầu làm lễ, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, trang phục gọn gàng, tươm tất.
Văn khấn vía Thần Tài
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
Con kính lạy Ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là:…
Ngụ tại:…
Hôm nay là ngày mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!