*Bài viết là chia sẻ của cây viết Lauren Como.
Đó là năm 2016, tôi đang ngồi làm việc tại văn phòng công ty ở Thung lũng Silicon thì máy tính hiện một thông báo tin tức khiến tôi không thể không mở ra để đọc.
Nó nói về Liang Zhao Zhang, một người quét dọn cho BART (hệ thống giao thông công cộng chuyển tuyến nhanh phục vụ khu vực Vịnh San Francisco ở California). Người đàn ông này đã kiếm được hơn 270.000 USD (khoảng 6,2 tỷ đồng) trong năm 2015. Trong vòng 3 năm, Liang kiếm được khoảng 800.000 USD.
Liang kiếm được số tiền đó không nhờ may mắn mà vì sự chăm chỉ của mình. Có lúc, ông làm việc đến 17 tiếng/ngày. Ông nhận hầu hết các ca làm thêm nằm trong khả năng. Hơn 162.000 USD trong thu nhập năm 2015 của ông đến từ việc làm thêm giờ.
Liang Zhao Zhang là người quét dọn tại ga tàu Powell.
Các ga tàu ở BART khá mất vệ sinh và công việc của Liang hẳn là không dễ dàng gì. Khi sống ở Bay Area, tôi từng thấy kim tiêm ma túy trên mặt đất, mùi nước tiểu của người vô gia cư xộc lên ở khu vực đó…
Liang không phải người duy nhất trong những người làm công việc tay chân có thu nhập cao hơn hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học. Nhân viên vận hành nhà máy điện, lắp đặt thang máy hay thợ sửa điện… đều có thể kiếm được thu nhập 6 con số (khi sống ở nơi có chi phí sinh hoạt thấp).
Xấu hổ thay, một kỹ sư 25 tuổi, có 2 bằng đại học đang làm việc tại Thung lũng Silicon lại có thu nhập chỉ bằng một nửa so với Liang. Tất nhiên, một trong những lý do của việc này là tôi sống ở nơi có tiền thuê nhà lên tới 2.800 USD/tháng cho một căn hộ 2 phòng ngủ trung bình.
Ngoài ra, mức thuế tại đây cũng thật "điên rồ". Tôi phải đóng mức thuế tiểu bang lên tới 9,3%. Tuy nhiên, giờ đây tôi không phải đóng loại thuế này sau khi chuyển đến Texas.
Thung lũng Silicon là nơi có giá thuê nhà tương đối cao.
Bằng sự cần cù của mình, Liang đã đạt được thu nhập đáng mơ ước. Và một điều khiến tôi khâm phục người đàn ông này hơn là ông ấy không quan tâm đến việc mọi người coi công việc của ông là "bẩn thỉu và thấp hèn".
Cách nơi Liang làm việc vài dãy nhà, bạn sẽ thấy trụ sở của một vài công ty công nghệ lớn, nơi các giám đốc trung bình hay người quản lý marketing nhận mức lương thấp hơn Liang 50%.
Thú thật là tôi thà kiếm được ít tiền hơn Liang và khoe với mọi người là mình đang sinh sống, làm việc ở Thung lũng Silicon còn hơn làm người quét dọn như ông ấy. Cơ hội kiếm tiền có ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực. Dù vậy, có lẽ sự sĩ diện đã ngăn chúng ta đạt được tương lai tài chính tốt hơn.
Có thể nói, điều đó đã gây ra những hậu quả tài chính đối với thế hệ trẻ. Một người bạn của tôi ở Thung lũng Silicon cũng ở trong tình trạng tương tự: Lương vừa phải, tiền thuê nhà và thuế cao. Tôi có lợi thế hơn một chút vì không có nợ sinh viên nhưng nó cũng không làm tình hình khá hơn là bao.
Hay một người bạn khác, bị cha mẹ bắt phải thi vào một trường đại học danh giá để có tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, tương lai tươi sáng đâu chưa thấy, cậu ấy phải gánh khoản nợ sinh viên lên tới 6 con số. Sau này, cậu ấy làm một công việc lương khá tốt nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã nhanh chóng ảnh hưởng đến tài chính của cậu ấy.
Hầu hết hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè ở Thung lũng Silicon của tôi đều lái những chiếc xe mà họ phải trả góp hàng tháng, đều có nợ thẻ tín dụng và chi tiêu nhiều hơn thu nhập chỉ để gây ấn tượng với người xung quanh.
Sau một thời gian, tôi quyết định chuyển đến Texas và chỉ trong khoảng 14 tháng, tài sản của tôi đã tăng lên gấp đôi. Hơn nữa, tôi còn sống vui vẻ hơn bởi con người ở nơi đây không phô trương.
Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi cho rằng chúng ta cần từ bỏ sự "sĩ diện" và tập trung vào những thứ thực tế để đạt mục tiêu tài chính lớn. Nếu mãi chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài, bạn sẽ mãi ở trong vòng lặp không có điểm dừng và đó sẽ là một trong những điều khiến bạn hối hận sau này!