Có 12 hay 13 chòm sao Hoàng đạo?

P.VÂN |

Các chòm sao Hoàng đạo thực tế là những chòm sao nào trong thiên văn học? Có 12 hay 13 chòm sao Hoàng đạo, nguồn gốc từng chòm sao thế nào, làm thế nào để quan sát trên bầu trời?

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, Hoàng đạo là đường chuyển động của Mặt Trời trên Thiên cầu (mặt cầu tưởng tượng bao quanh Trái Đất, trên đó là hình chiếu của các thiên thể, các hành tinh, ngôi sao, thiên hà... trong 1 năm. Mỗi thời gian khác nhau, Mặt Trời sẽ "lướt" qua một vị trí khác nhau trên Thiên Cầu. Trong 1 năm, đường đi đó tạo thành một vòng tròn khép kín và người xưa gọi đó là vòng tròn Hoàng đạo.

Trên thực tế, các chòm sao có kích thước không bằng nhau như 12 cung, có những chòm sao mà thời gian Mặt Trời lướt qua (biểu kiến) hết một tháng hoặc hơn, nhưng có những chòm sao thời gian đó chỉ là ít ngày.

Mặt khác với cách định nghĩa hiện đại trong thiên văn học về các chòm sao thì tới nay Hoàng đạo có tất cả 13 chòm sao chứ không phải 12.

Sơ lược về 13 chòm sao Hoàng đạo

Aries (Bạch Dương) là chòm sao đầu tiên. Aries là con cừu có bộ lông vàng trong thần thoại Hy Lạp. Đây cũng là chòm sao đơn giản nhất trong số các chòm sao Hoàng đạo. Các ngôi sao của nó khá khó để quan sát được. Chòm sao này chỉ có hai ngôi sao sáng là alpha và beta. Các sao còn lại có độ sáng rất yếu, đặc biệt rất nhiều sao trong số các ngôi sao của chòm sao này là các cặp sao đôi.

Taurus (Kim Ngưu): Thần Zeus đem lòng yêu nàng Europa đã tự biến mình thành một con bò trắng để tránh sự theo dõi của vợ Hera. Europa cưỡi lên con bò trắng đó và thần Zeus đã đưa nàng đến một vùng đất mới, xây dựng nó thành châu Âu như ngày nay. Taurus là một trong những chòm sao lớn và sáng nhất. Sao sáng nhất của nó là Aldebaran, một trong những ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm.

Gemini (Song Tử): Castor và Pollux là 2 anh em ruột cùng mẹ khác cha. Cha của Castor là người thường trong khi cha của Pollux lại là thần Zeus. Cả hai anh em đều là những dũng sĩ nổi tiếng về sức mạnh và võ thuật, riêng Pollux thì có được sự bất tử do mang trong mình dòng máu của thần Zeus. Trong một cuộc chiến, Castor trúng đòn và chết. Thần Zeus hiện ra và cho phép con trai Pollux của mình lựa chọn hoặc lên thiên đình sống cuộc sống bât tử hoặc chia sẻ một nửa cuộc sống bất tử đó với Castor. Không muốn phải xa người em trai, Pollux đã lựa chọn đặc ân thứ 2, vì thế cứ một ngày 2 anh em Pollux sống trên thiên đình cùng các vị thần thì ngày hôm sau lại sống một ngày dưới thế giới âm phủ. Các buổi tối mùa xuân, nếu trời đẹp, bạn có thể quan sát được chòm sao này tỏa sáng trên bầu trời.

Cancer (Cự Giải): Kỳ công thứ hai của người anh hùng Hercules là tiêu diệt con mãng xà nhiều đầu Hydra. Trong lúc Heracles giao đấu với con quái vật này, nữ thần Hera do căm gét đứa con của chồng mình nên đã giúp Hydra bằng cách sai con cua Cancer chạy đến tấn công Heracles, tuy nhiên con cua này đã bị Heracles dùng chùy giết chết ngay sau đó. Chòm sao này chiếm diện tích khá nhỏ trên thiên cầu so với các chòm sao còn lại của Hoàng đạo.

Leo (Sử Tử): Đây có thể coi là một trong những chòm sao sáng nhất và đẹp nhất của Hoàng đạo hay thậm chí là trong số tất cả 88 chòm sao của thiên văn hiện đại. Chòm sao này chiếm diện tích khá lớn trên thiên cầu với những ngôi sao rất sáng, đặc biệt là sao Regulus - một trong những ngôi sáng sáng nhất bầu trời. Các buổi tối từ tháng 4 - 6 bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy chòm sao này hiện diện trên bầu trời gần như cả buổi tối.

Virgo (Trinh Nữ): Chòm sao này có nhiều truyền thuyết kể khác nhau. Có người nói đó là chòm sao tượng trưng cho nữ thần lúa mì Demeter, một trong 12 vị thần tối cao của thế giới Olympia.

Libra (Thiên Bình): Nằm ngay phía sau Virgo, chòm sao này chiếm diện tích khá khiêm tốn với những ngôi sao tương đối sáng. Các buổi tối mùa hè, bạn đều có thể nhận ra chòm sao này một cách khá dễ dàng mặc dù nó chỉ có một vài ngồi sao khá sáng.

Scorpius (Bọ Cạp): Trong số 88 chòm sao nói chung và 12 chòm sao Hoàng đạo nói riêng, Bọ Cạp được coi là một trong những chòm sao sáng nhất, nhất là với đặc điểm khí hậu Việt Nam. Các buổi tối mùa hè suốt từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, bạn đều có thể quan sát chòm sao này trong cả buổi tối. Nó thường nằm khá cao trên bầu trời, hơi chếch về hướng Nam và rất dễ nhận ra bởi thân hình uốn cong với cặp càng và cái đuôi rất dễ nhận diện của con bọ cạp.

Ophiuchus - chòm sao Hoàng đạo thứ 13: Do cách định nghĩa hiện đại về chòm sao, mà trong đó mỗi chòm sao chiếm một khoảng diện tích nhất định trên bầu trời, các nhà thiên văn nhận thấy rằng có một phần của chòm sao Ophiuchus lấn vào khu vực của vòng Hoàng đạo, nằm giữa hai chòm sao Scorpius và Sagittarius. Vì lý do này, Ophiuchus được coi là chòm sao Hoàng đạo thứ 13. Nó cũng là một chòm sao lớn và rất sáng mỗi khi xuất hiện vào bầu trời đêm.

Để xác định vị trí các chòm sao, người quan sát cần có sự tập luyện và thời tiết tốt, chọn đúng khu vực ít ô nhiễm không khí. Tốt nhất nên sử dụng các bản đồ sao để so sánh vị trí tương đối giữa các chòm sao, kết hợp với các phần mềm hỗ trợ trên máy tính để xác định thời điểm nào có thể quan sát chòm sao này. Hiện nay phần mềm đơn giản nhất là Stellarium.

Chòm sao

Theo Quy ước của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế thì có tất cả 88 chòm sao nằm trên cả thiên cầu Bắc và thiên cầu Nam. Chòm sao là một khu vực của bầu trời do con người quy định.

Có 12 hay 13 chòm sao Hoàng đạo? - Ảnh 1.

Nguồn: Khoa học đời sống.

Trong chòm sao có những những ngôi sao chính là những ngôi sao sáng được trí tưởng tượng của con người ghép nối tạo nên những hình tượng có ý nghĩa nhân văn, vừa là để đặc trưng, vừa là để khoanh vùng chòm sao.

Việc phân chia các chòm sao cũng giống như việc phân chia các quốc gia trên bản đồ Trái Đất. Khu vực và ranh giới của các chòm sao không giống nhau và không bằng nhau.

Thiên hà liên kết các ngôi sao

Thiên hà là một tập hợp rất lớn các ngôi sao liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn, tạo thành một hệ thống quay xung quanh tâm. Các thiên hà khá đa dạng về kích thước và số lượng các ngôi sao mà nó chứa bên trong.

Ví dụ như một thiên hà có thể chứa từ hàng chục triệu (107 – mười mũ bảy) đến hàng ngàn tỷ (1012 – mười mũ 12) ngôi sao. Thiên hà cũng có kích thước thay đổi từ 1.500 – 300.000 năm sánh sáng.

Tính trung bình, một thiên hà có khoảng 200 tỷ ngôi sao, khối lượng mỗi thiên hà gấp khoảng 100.000 đến hàng ngàn tỷ lần khối lượng mặt trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại