Trước khi biết trồng trọt và chăn nuôi, người nguyên thủy hàng chục nghìn năm trước sống bằng hoạt động săn bắt, hái lượm. Đó là một cuộc sống khó khăn và tưởng chừng như đã kết thúc từ nhiều thiên niên kỉ trước.
Nhưng sâu trong những khu rừng hẻo lánh của Nepal, vẫn còn một bộ tộc sinh sống bằng cách đặt bẫy động vật hoang dã và tìm kiếm các loại rau cỏ ăn được. Đó là tộc người Raute.
Hiện tại có rất ít thông tin về những người Raute. Chỉ biết rằng đây là bộ lạc du mục sống khép kín, di chuyển một cách thầm lặng trong các khu rừng và hiếm khi tương tác với người dân bản địa khác. Họ cũng gần như không cho phép người ngoài can thiệp vào đời sống của họ.
Những người Raute phụ thuộc hoàn toàn vào rừng xanh. Họ không biết cách trồng trọt, chăn nuôi, thay vào đó là săn bắt, hái lượm, thu thập thức ăn y như những người nguyên thủy thực thụ vậy. Bữa ăn của họ có thể là lợn rừng, khỉ, mật ong, nhưng đôi khi là dơi và côn trùng.
Người Raute dựa dẫm rất nhiều thiên nhiên. Họ săn bắt hái lượm chứ không chăn nuôi, trồng trọt
Đặc biệt, chỉ các già làng trong bộ lạc mới có khả năng săn khỉ
Bộ lạc người Raute hiện đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng, khi tổng dân số còn không đến 150 người.
Khi không có các hoạt động giao thương với bên ngoài, mỗi cộng đồng người Raute gồm khoảng 15-35 người sẽ di chuyển khoảng hai tháng/lần để tìm kiếm thức ăn.
Khi môi trường sống dần biến mất, người Raute buộc phải di chuyển rất thường xuyên mới kiếm được thức ăn.
Là bộ tộc du mục, người Raute không xây nhà ở mà dựng những túp lều từ lá và cành cây, vải vóc. Những khu rừng họ sống một phần bị phá hủy bởi việc tìm kiếm thực phẩm và nơi trú ẩn. Điều kiện y tế thiếu thốn cũng cũng khiến dân số bộ lạc giảm dần.
Theo truyền thống, người dân Raute ở trong lều được làm từ lá và cành cây, phủ ngoài bằng các tấm vải nhuộm màu
Nhưng không phải vì vậy mà bộ lạc này không có các hoạt động chính trị và xã hội. Thủ lĩnh bộ lạc được bầu cử bởi toàn tộc, chứ không phải theo cha truyền con nối. Thủ lĩnh cũng là người có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề.
Một điểm thú vị của bộ tộc này đến từ vấn đề hôn nhân. Các cặp nam nữ sẽ đến với nhau qua những bài hát trong lễ hội truyền thống.
Nhóm nam sẽ hát một câu hỏi và nhóm nữ phải hát trả lời, giống như các liền anh, liền chị trong dân ca quan họ Bắc Ninh của Việt Nam.
Phụ nữ Raute mặc quần áo tươi sáng, nhiều hoa văn họa tiết
Giống như hàng chục ngàn năm trước đây, công việc trong bộ lạc được phân công dựa trên giới tính. Trong hình là phụ nữ người Raute đang phân loại ngũ cốc và nấu ăn
Tuy nhiên, một điểm mang tính... hủ tục của bộ lạc này là những người anh em trong một gia đình có thể cưới chung một phụ nữ.
Và khi người chồng chết đi, người vợ sẽ bị quy là nguyên nhân gây ra điều tệ hại đó. Họ xem các góa phụ là người hoàn toàn vô dụng, bị ruồng bỏ, không có địa vị và không thể tồn tại trong lãnh địa của bộ lạc.
Phần lớn người Raute định cư tại vùng Viễn Tây ở huyện Dadeldura, Nepal. Ngoài ra còn có các quần thể Raute khác sống ở các huyện Surkhet và Dang. Năm 1979, chính phủ Nepal buộc những người Raute du mục đến từ khu vực rừng núi huyện Darchula tái định cư giữa những ngọn đồi huyện Dadeldhura (miền viễn tây Nepal).
Họ được chính phủ cấp đất, nhưng cuối cùng lại để mất nó vào tay các địa chủ giàu có trong khu vực: hầu hết trong số họ quay trở lại rừng, một số khác lấy tên mới và kết hôn với người ngoài bộ lạc.
Một trở ngại lớn khiến người Raute khó hòa nhập với xã hội là thái độ kì thị người nghèo của nhiều người dân đối với người Raute.
Các Raute rất giỏi tạo hình và khắc gỗ. Họ dùng chúng để đổi lấy bán quần áo và các mặt hàng, vật dụng cần thiết
Trong những năm gần đây, khi diện tích rừng dần bị thu hẹp, người Raute buộc phải tương tác với dân địa phương khác
Hiện nay, chính phủ trợ cấp mỗi thành viên trong gia đình Raute 1.000 rupee Nepal (khoảng 200.000 VNĐ) mỗi tháng cùng nhà cửa và đất trồng.
Tuy nhiên, người lớn trong bộ lạc vẫn không có công việc ổn định. Và tất nhiên với một bộ lạc quá nghèo, trẻ em tại đây không được đến trường.
Không đứa trẻ nào trong bộ lạc được đi học
Mọi người trong bộ lạc phải cống hiến sức lao động bất kể tuổi tác.
Người Raute cũng không tôn thờ một vị thần nào cả. Họ chỉ tôn thờ tự nhiên mà thôi.
* Những hình ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Andrew Newey trong khu vực Surkhet miền đông Nepal.
Nguồn: Daily Mail, National Geographic