CNN: Nếu tránh được suy thoái kinh tế, thế giới sẽ phải cảm ơn Trung Quốc và Ấn Độ

Anh Dũng |

Tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong một vài năm tới, nhưng thế giới sẽ có thể tránh được suy thoái nhờ những nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 3,1% trong năm 2022 và sẽ tăng 2,2% trong năm 2023.

Mặc dù OECD không dự đoán suy thoái kinh tế, nhưng dự báo của họ bi quan hơn so với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tháng trước, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2022 và tăng 2,7% trong năm sau.

OECD cho rằng "triển vọng mong manh" của nền kinh tế toàn cầu là hệ quả từ các cuộc xung đột, điều khiến khủng hoảng năng lượng gia tăng và thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới.

Tổ chức cho biết thêm: "Lạm phát dai dẳng, giá năng lượng cao, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình thực tế yếu, niềm tin giảm sút và các điều kiện tài chính thắt chặt đều sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng". Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng, hoặc nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, tăng trưởng có thể còn yếu hơn dự kiến.

Tăng trưởng trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào các nền kinh tế lớn của châu Á. Những quốc gia này sẽ chiếm gần 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu, trong khi Mỹ và châu Âu thì "suy giảm mạnh".

Ấn Độ được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia, với mức tăng 6,6% trong năm 2022 và 5,7% trong năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 4,6% vào năm 2023.

Ngược lại, Mỹ dự kiến chỉ tăng 1,8% trong năm 2022 và 0,5% trong năm tiếp theo. Tăng trưởng của 19 quốc gia EU cũng được dự đoán sẽ giảm mạnh trong hai năm tới, từ mức 3,3% trong năm 2022 xuống còn 0,5% trong năm 2023.

Tổng Thư ký OECD Matthias Cormann trả lời báo giới hôm 22/11 rằng các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang tăng trưởng một phần là do chính phủ trợ cấp năng lượng và các chính sách thúc đẩy đầu tư như NextGeneration EU và Đạo luật Giảm Lạm phát.

Ông nói thêm rằng các khoản tiết kiệm của hộ gia đình và doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của đại dịch là phao cứu sinh, hỗ trợ chi tiêu.

OECD dự đoán lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ duy trì ở mức trên 9% trong năm nay. Sau đó, tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ giảm trở về mức 6,6% trong năm 2023, cao hơn một chút so với dự báo của IMF.

Các ngân hàng trung ương lớn đặt mục tiêu hạ lạm phát xuống khoảng 2% nên đã nỗ lực tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng giá. Nhưng chiến lược này cũng làm tăng rủi ro cho nền kinh tế khi nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ tăng.

OECD cho biết: "Lãi suất cao hơn mặc dù là cần thiết để kiểm soát lạm phát, nó sẽ làm tăng thách thức tài chính đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp đi vay".

Báo cáo của OECD cho biết thêm rằng các quốc gia có thu nhập thấp vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước giá lương thực và năng lượng tăng cao. Trong khi đó, các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể tăng nguy cơ mắc nợ.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass gần đây cho biết tổ chức này lo lắng suy thoái kinh tế thế giới sẽ xảy ra vào năm 2023, song Mỹ mạnh mẽ hơn một chút so với các nền kinh tế khác.

Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại