Ông Ohmagari, chuyên gia dịch tễ học, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Nhật Bản, trả lời phỏng vấn đài CNN, đánh giá công tác cách ly đối với du thuyền Diamond Princess ở ngoài khơi Yokohama "có lẽ đã không được hoàn hảo".
Ít nhất 705 người trên du thuyền này được xác định là đã tiếp xúc với virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) gây dịch Covid-19.
Theo tiến sĩ Ohmagari, chính phủ Nhật đã đưa ra "quyết định khó khăn" khi cho phép các nhân viên của tàu Diamond Princess tiếp tục làm việc trên tàu, bất chấp rủi ro lây nhiễm, nhằm bảo đảm việc vận hành cho chiếc tàu này.
Ông chỉ ra, thất bại trong việc cách ly thủy thủ đoàn của du thuyền ngay từ bước đầu tiên của việc cách ly có thể đã khiến những nhân viên bị nhiễm Covid-19 truyền nhiễm thứ cấp cho đồng nghiệp và hành khách khác, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bùng phát các ca lây nhiễm trên tàu.
"Chúng tôi nghi ngờ rằng một số nhân viên tàu đã bị lây nhiễm từ trước, nhưng họ vẫn phải tham gia vận hành con tàu, phải gặp hành khách, và phải phục vụ các bữa ăn," ông Ohmagari nêu. "Điều này có lẽ đã dẫn đến một số tiếp xúc gần với các nhân viên khác và cả hành khách."
Trong cuộc họp báo ngày 24/2, điều phối viên cấp cao thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản - ông Yosuke Kita - thừa nhận các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu Diamond Princess đã không được cách ly một cách hoàn toàn.
"Không may là để duy trì cuộc sống thường nhật cho hơn 3.700 hành khách trên tàu thì chúng tôi cần được hỗ trợ, chúng tôi cần thủy thủ đoàn giúp đỡ," ông Kita nói.
Tiến sĩ Shigeru Omi, một cố vấn chính phủ Nhật, nói trong cuộc họp báo trên rằng phía Nhật Bản "biết ơn" thủy thủ đoàn của tàu.
"Về phương diện quyền con người, tất nhiên là chúng tôi thông cảm [với thủy thủ đoàn], nhưng chừng nào các hành khách còn ở trên tàu thì họ vẫn phải cung cấp dịch vụ," ông Omi nói.
Ít nhất 150 trong số 1.045 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Diamond Princess đã bị nhiễm Covid-19, tương đương 14% nhân sự vận hành của tàu.