Vào ngày Lễ Tạ ơn, nước Mỹ đánh dấu ngày thứ 24 liên tiếp có hơn 100.000 ca mắc Covid-19 mới. Số ca nhập viện trong ngày lễ này cũng đạt kỷ lục mới, kéo dài chuỗi 17 ngày phá đỉnh, với 90.400 bệnh nhân. Hơn 1.200 ca tử vong cũng đã được ghi nhận trong ngày Lễ Tạ ơn của người Mỹ.
Tính tới thời điểm hiện tại, số ca tử vong ở Mỹ đã đạt 263.000 người. Theo một dự báo được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố, 60.000 có thể sẽ mất mạng trong 3 tuần tới. Một chuyên gia y tế cộng đồng nói với CNN rằng số người chết mỗi ngày cũng có thể sẽ tăng gấp đôi trong 10 ngày tới.
"Như vậy, chúng ta có thể chứng kiến 4.000 ca tử vong mỗi ngày và 60.000 người Mỹ sẽ chết trong khoảng 20 ngày tới", Bác sĩ Jonathan Reiner, giáo sư y khoa tại Đại học George Washington, cho biết.
Trong khi đó, nhà chức trách cũng bày tỏ lo ngại việc tụ họp gia đình trong ngày Lễ Tạ ơn có thể khiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Họ cũng khuyến cáo người Mỹ tránh đi du lịch và tập trung đông người. Trong khi nhiều người Mỹ lắng nghe những lời khuyên, hàng triệu người khác lại chọn cách phớt lờ, lên máy bay du lịch khắp nước Mỹ nhân kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Bác sĩ William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, cho biết: "Trong một tuần, nhiều khả năng là 2 tuần, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng các ca bệnh một cách đột biến. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khó khăn".
Nói cách khác, dự báo cho những tuần tới là một tương lai ảm đạm của người Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quá muộn để có thể xoay chuyển tình thế. Bác sĩ Schaffner nói rằng việc đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội là cần thiết để có thể "đảo ngược đường cong" Covid-19 trong 2 hoặc 3 tuần tới. Điều đó sẽ giúp số ca lây nhiễm giảm ngay cả khi chưa có vắc xin.
Trên thực tế, vắc xin chống Covid-19 sẽ sớm được phê duyệt. Tuy nhiên, cần vài tháng để chúng được sử dụng rộng rãi. Ở thời điểm hiện tại, người Mỹ vẫn chưa có một công cụ giá trị giúp họ hoàn toàn yên tâm trước Covid-19. Họ sẽ phải dùng lại những công cụ mà thế giới đã dùng từ đầu dịch để ngăn dịch bệnh lây lan: Khẩu trang, nước rửa tay và duy trì giãn cách xã hội.
Theo dự đoán từ Viện Đánh giá và Đo lường sức khỏe của Đại học Washington, những bước đơn giản này có thể tạo ra một khác biệt lớn. Cụ thể, 40.000 mạng người có thể được cứu sống trong vòng 2 tháng tới nếu 95% số người Mỹ đeo khẩu trang, điều mà một bộ phận không nhỏ đã chống lại suốt nhiều tháng qua.
Người Mỹ có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi lãnh đạo nhiều địa phương và tiểu bang đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Nhiều quan chức vốn từng chống lại yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang cũng đã chấp thuận việc làm này khi số ca nhiễm Covid-19 mới liên tiếp phá đỉnh.
Bác sĩ Peter Hotez, Trưởng khoa Y học nhiệt đới tại Đại học Y Baylor, nói rằng nâng cao ý thức của người Mỹ với khẩu trang là điều phải được làm mỗi ngày. "Đó là hy vọng duy nhất của chúng ta ở thời điểm hiện tại. Chúng ta phải ngăn số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và đó là lý do chúng ta cần các nhà lãnh đạo địa phương thực sự đẩy mạnh yêu cầu đeo khẩu trang", bác sĩ Hotez nhấn mạnh. Theo vị chuyên gia này, đó là cách duy nhất giúp những người thân yêu của ai đó có thể sống cho tới khi có vắc xin. Tuy nhiên, ngay cả khi có hơn nửa triệu người chết vì Covid-19, khẩu trang vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều vùng của nước Mỹ.
Trong khi đó, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy chỉ 1 trong số 8 ca mắc Covid-19 ở Mỹ được ghi nhận. Điều đó có nghĩa rằng số người mắc bệnh thực sự vượt xa so với 12,8 triệu ca đã được thống kê.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính chỉ khoảng 1/8, hoặc 13% số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ từng được ghi nhận cho đến cuối tháng 9 vừa qua. Điều đó đồng nghĩa với khoảng 53 triệu người Mỹ đã nhiễm Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 9 thay vì 7 triệu ca như công bố.
Người nhiễm không triệu chứng, người nhiễm không đi khám và tự khỏi hay những ca âm tính giả được nghiên cứu của CDC chỉ ra như là yếu tố khiến thống kê không chính xác.
Tuy số ca nhiễm được cho là kỷ lục nhưng nước Mỹ còn xa mới có thể có được cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, 84% số người Mỹ vẫn chưa nhiễm Covid-19 và họ hoàn toàn có thể bị mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây. Người ta cũng chưa thể xác định một người có thể miễn dịch với virus bao lâu sau khi mắc bệnh.
Ở thời điểm hiện tại, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở Mỹ có thể sắp có những bước ngoặt, nhất là khi bộ máy chuyển gia của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã được bật đèn xanh để chuyển giao quyền lực. Dẫu vậy, thời điểm ông Biden chính thức nhậm chức là ngày 20/1/2021 nên những thách thức mà người Mỹ phải đối mặt trong gần 2 tháng tới là vô cùng lớn.