Bão số 9 và ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị thiệt hại rất nặng. Trong đó, 2 xã Phước Lộc, Phước Thành chịu tổn thất nặng nề nhất. Phải đến ngày 18-11, lực lượng chức năng mới thông tuyến bước 1 vào Phước Thành , hơn 1.800 nhân khẩu thoát khỏi cảnh cô lập. Trong khi đó, đường vào xã Phước Lộc vẫn đang được tích cực khơi thông.
Sáng sớm 20-11, bà Hồ Thị Do (70 tuổi, thôn 3 xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cùng cháu gái Hồ Thị Xuân đi bộ hơn 3 giờ, đến khu vực trung tâm xã để nhận hàng cứu trợ là vài bộ quần áo mới từ đoàn từ thiện.
Bà Hồ Thị Do cùng cháu gái nghỉ ngơi sau hơn 3 giờ đi bộ xuyên rừng để nhận nhu yếu phẩm
Bà Do nhẩm tính còn khoảng 1 tuần nữa, người Giẻ Triêng tại xã Phước Thành sẽ tổ chức lễ mừng lúa mới (hội Tết mùa Cha-piếc).
Ngày này mọi năm, lúa trên rẫy đã thu hoạch xong, được đưa về cất trong kho. Khoảng độ tháng 10 âm lịch, người Giẻ Triêng làm lễ linh đình, cảm tạ thần linh vì mùa rẫy bội thu, mưa thuận gió hòa.
Trường Mầm non liên xã Kim Thành Lộc tan hoang do lũ quét
"Ngày đó, mẹ sẽ làm bánh sừng trâu, bố sẽ lên rừng bắt con sóc, con chuột rừng để làm mâm lễ. Nhưng… giờ thì còn đâu. Rừng sạt lở. Lũ cuốn nhà. Nương, rẫy rồi mấy gốc quế cũng bị cuốn hết. Năm nay đói con ơi" – bà Do tâm sự.
Phải đến sáng 19-11, các đoàn cứu trợ mới có thể tiếp cận xã Phước Thành sau hơn 3 tuần cô lập
Trẻ em người Giẻ Triêng vui mừng nhận được vở mới
Vở mới, quần áo mới cùng nhu yếu phẩm được các đoàn từ thiện đem đến Phước Thành
Tại xã Phước Thành, lũ quét chiều 28-10 khiến toàn bộ hệ thống giao thông bị đứt gãy, trường học hư hỏng, hàng chục ngôi nhà cùng tài sản bị cuốn trôi. Khu vực thôn 2 – khu trung tâm xã, từng là nơi buôn bán tấp nập với hơn 20 nóc nhà, nay chỉ còn trơ độc sỏi đá.
Cầu bê tông bắc qua suối Nước Bà Sau cũng bị lũ cuốn trôi, lực lượng chức năng phải dùng xe xúc san gạt lớp đất đá để làm đường tạm cho xe qua.
Khung cảnh tan hoang bên trong xã Phước Thành
Khung cảnh tan hoang bên trong xã Phước Thành
Trường Mầm non liên xã Kim Thành Lộc xây chưa xong đã hư hại do lũ quét
Lập nghiệp tại con suối Nước Bà Sau hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Lành (SN 1963, trú thôn 2) chưa bao giờ thấy con nước dữ như vậy. "Khoảng 2 giờ chiều 28-10, tôi nghe tiếng nổ "ầm", rồi nước từ suối cứ thế trắng xóa, đục ngầu ào ào kéo xuống.
Tôi được hàng xóm kéo ra khỏi vũng bùn, cứ nhắm hướng đồi mà chạy. Chỉ hơn 30 phút, ngoảnh lại đã thấy hai đỉnh đồi như ốc đảo, toàn bộ nhà cửa bị nhấn chìm. May mắn có chính quyền, có bà con cảnh báo nên nhà tôi mới toàn mạng" – bà Lành nhớ lại.
Hình ảnh thôn 2 trước và trong khi bị lũ cuốn tại trung tâm xã Phước Thành
3 tuần qua, bà Lành cùng hàng chục người mất nhà khác phải tá túc tại Trạm y tế xã Phước Thành. Nhìn về vạt đất nằm đối diện - nơi từng là nhà, ai cũng tha thiết được sớm ổn định, cất nhà tạm để được buôn bán, sản xuất lại từ đầu.
Ông Huỳnh Đức Thắng (trú thôn 2 xã Phước Thành) đứng trên nền đất nơi từng là nhà của mình
Để sống, 3 tuần qua họ phải lên suối gánh từng can nước sạch về sinh hoạt. Phước Thành mất điện hoàn toàn, sóng điện thoại chỉ có vào buổi sáng. Ban ngày, người lớn chia nhau đi gùi hàng, số còn lại lật tìm trong đống vùi lấp để nhặt nhạnh những vật dụng sót lại.
Sạt lở kinh hoàng tại cung đường tiếp cận xã Phước Thành
Di chuyển khó khăn bên trong xã Phước Thành
Ban đêm, dưới ánh đèn dầu leo lắt, lũ trẻ người Giẻ Triêng quây tròn bên nồi mì tôm. Bữa tối thường là cơm độn sắn luộc, hoặc lõng bõng mì tôm pha với cơm trắng. Mì tôm, nước uống được ủy ban xã phát theo từng hộ. Không đói, nhưng đám trẻ thường ngày đã thiếu ăn, nay lại càng vàng vọt, xanh xao.
Em Hồ Văn Lợi (học sinh lớp 3) đến trung tâm xã nhận chăn mền cho gia đình
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết bão số 9 gây lũ quét khiến 49 ngôi nhà tại xã bị cuốn trôi. Trong đó, khu vực thôn 2 chịu thiệt hại nặng nhất. Hiện tại, dù đường vào đã thông, nhưng rất khó đi. Chỉ có xe máy, xe tải từ 2 cầu trở lên mới có thể vượt qua các khu vực sạt lở nặng như Đồi Chim, đồi Núi Bà Sau,…
Một khu vực dân cư đã trở thành bình địa
Những quả núi bị sạt lở trầm trọng tại khu vực xã Phước Thành, Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam)
"Xã có hơn 52% là hộ nghèo. Chủ yếu là bà con người Giẻ Triêng. Họ sống bằng nghề lúa nước và trồng quế bản địa. Tuy nhiên, tất cả vườn tược, đồi núi, gia súc đã bị nước lũ cuốn trôi. Việc tái thiết, tạo việc làm cho người dân sau bão lũ là rất khó khăn" – ông Phức nói.