Cứ mỗi mùa thi đến lại mang đến cho tất cả, đặc biệt là các sĩ tử những cảm xúc ngổn ngang mà phần nhiều là căng thẳng, hồi hộp.
Trước khi thi thì lo đề khó, lo kiến thức không đủ, trong khi thi thì lo lắng làm sót, làm nhầm câu này câu kia và thi xong rồi chưa kịp vui mừng thì đã tiếp tục phải trằn trọc, suy diễn đến tình huống xấu nhất mình có thể gặp phải: Lỡ thi trượt thì phải làm sao...
"Thi trượt thì làm sao?" - đây là câu hỏi năm nào cũng có người hỏi nhưng rồi những trăn trở thì vẫn còn nguyên đó. Phải buồn bã ư?
Phải tuyệt vọng ư? Phải tự an ủi mình rằng mọi chuyện sẽ ổn ư? Không, bạn cần những thứ thực tế hơn thế và vlog mới của Giang Ơi - hot vlogger đang được yêu mến nhất hiện nay sẽ là câu trả lời.
Thi trượt thì làm gì?
Vẫn phong cách đơn giản không màu mè, chỉ là chia sẻ và đưa ra lời khuyên, Giang tập trung đưa ra những hướng giải quyết cho vấn đề được nhiều người quan tâm này.
Đầu tiên là dành cho những bạn thi chuyển cấp từ cấp 2 lên cấp 3. Lời nhắn nhủ cô vlogger 27 tuổi này muốn gửi tới chính là: Đừng lo gì cả vì gần như việc bạn học cấp 3 ở đâu không thể quyết định được tương lai của bạn.
Bạn làm bài không tốt, bạn thi trượt, đây là điều cần rút kinh nghiệm, bạn cần tìm ra được mình kém ở đâu để rút kinh nghiệm trong 3 năm cấp 3. Đừng quan trọng việc trường điểm hay trường thường, bởi các nhà tuyển dụng không mấy quan tâm đến việc này đâu. "Sẽ ổn thôi", Giang nhắn nhủ.
Giang nhắn nhủ đến các bạn thi trượt cấp 3 rằng sẽ ổn thôi, việc học cấp 3 ở đâu, trường thường hay trường điểm thực chất không quá ảnh hưởng đến tương lai của bạn
Còn với các bạn thi Đại học thì việc thi trượt sẽ trở thành vấn đề đáng lo lắng hơn. Tuy nhiên, trượt Đại học chưa bao giờ là kết thúc cả, sẽ còn rất nhiều hướng rẽ mới cho bạn. Giang đã liệt kê ra một vài câu trả lời giúp các bạn không may rơi vào tình trạng như vậy:
1. Nếu bạn có đủ khả năng tiếng Anh và kinh tế, hãy đi du học. Nếu học trong nước, đừng vì muốn cầm tấm bằng Đại học trong tay mà chọn bừa một khoa, ngành bạn không thích bởi như vậy bạn sẽ rất khó thành công.
2. Nếu bạn không đủ điểm để học trường mình yêu thích:
- Thi lại. 1 năm không phải quá dài khi bạn vừa có thể ôn thi lại vừa có thời gian đi làm thêm, trải nghiệm thêm đồng thời có cơ hội để ngẫm lại về cái ngành mà bạn nghĩ là bạn thích. Nhiều khi ngồi ở trường bạn nghĩ nó một kiểu nhưng đến khi đi làm rồi, bạn sẽ nhìn nhận nó theo kiểu khác. 1 năm này sẽ hướng bạn vào đúng ngành, đúng trường mà bạn thích.
Cô nàng đưa ra những hướng giải quyết thực tế cho việc nếu chẳng may thi trượt thì phải làm gì
- Đi làm luôn. Thực chất không phải ai cũng phù hợp với con đường học thuật. Có những nghề bạn không cần phải có một tấm bằng, mà cần nhiều hơn thế là kỹ năng, sự mày mò... Không có gì phải xấu hổ khi không học Đại học cả bởi mỗi người đều có con đường của riêng mình.
- Học nghề. Nhiều người nghe thấy từ "học nghề" đã thấy ớn vì có thể là nó không "oai" như việc học hành chính quy, tuy nhiên, nếu bạn biết cố gắng, bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên và kiên trì với nó thì học nghề vẫn là một sự lựa chọn hoàn hảo, dù bạn học lễ tân, học nấu ăn...
Đừng bao giờ đánh giá thấp việc học nghề, vì quan trọng nhất vẫn là việc tìm được thứ phù hợp với mình, thứ mà mình thích, bởi chỉ khi được làm thứ bạn thích thì bạn mới đổ hết tâm sức vào nó. Hãy yêu lấy công việc bạn đang làm, nếu bạn không phụ nó, nó sẽ không phụ bạn.
Theo Giang, nếu thi trượt bạn có thể đi du học. Nếu không có điều kiện thì có 3 hướng giải quyết: Thi lại, học nghề hoặc đi làm luôn
Dù chỉ là những lời khuyên rất ngắn nhưng nhờ vlog đánh trúng tâm lí thí sinh này, Giang Ơi vẫn nhận được rất nhiều bình luận cảm ơn từ cư dân mạng: "Nhờ chị mà em không bị áp lực quá về việc thi. Em cảm ơn chị nhiều nha", "Thi trượt thì phải học cách chấp nhận thôi, buồn không giải quyết được việc gì cả , quan trọng là lấy lại tinh thần và làm những điều như chị nói, làm việc, lấy kinh nghiệm... Lời khuyên của chị rất hay và hữu ích ạ!"...