Tôi, một phụ nữ đã trưởng thành, đang là mẹ của hai em bé, đã suýt bị xâm hại, không chỉ 1, mà 3 lần.
Lần đầu tiên, năm tôi 6 tuổi, anh họ 5 tuổi rủ tôi chơi trò "bố mẹ", và kết quả là tôi bị mẹ đánh cho một trận no đòn. Một lần khác, khi tôi 11 tuổi rưỡi, một gã thanh niên đeo bám trên đường đi học về. Khi chạy thoát và lao vào cửa nhà, tôi lại ăn tát vì suýt đâm sầm vào mẹ.
Cả hai chuyện ấy, tôi đã chôn chặt trong quãng thời gian tuổi nhỏ của mình, để tự dặn mình phải cẩn thận, vì cũng chẳng ai dặn, chẳng ai dạy cho tôi phải làm gì. Cho đến lần thứ ba, tôi bị một gã biến thái vừa phun ra những lời tởm lợm vừa "tự sướng".
Một người chị khóa trên sau khi nghe tôi khóc nức nở đã dạy tôi cách để đối phó với những gã biến thái (nếu còn lần sau). Chị cũng là người đầu tiên nhắc tôi rằng: "Em không hề có lỗi gì khi bị chúng nhắm đến". Đó là lần đầu tiên gặp chuyện, tôi cảm giác mình không có tội, được tin tưởng và được bảo vệ.
Tôi kể lại cho bạn nghe chuyện này, sau khi đã khóc rưng rức vì trót xem 58s trong thang máy, đã nhìn thấy gã đàn ông ăn mặc chỉnh tề kia làm hại một cô bé con chỉ nhỉnh hơn con gái tôi chừng 2 tuổi.
Trái tim tôi như bị bóp nghẹt khi nghĩ đến em. Hóa ra, đó không phải là câu chuyện của riêng tôi. Bị xâm hại hoặc suýt bị xâm hại, ở lứa tuổi nào, ở thế hệ nào cũng có. Và có những người đã không thể nào thoát được, như em bé 9 tuổi ở Chương Mỹ, hồi tháng 3 vừa qua, hay như bé Nhật Linh năm 2016.
Với người lớn, đó nhất định là trải nghiệm tồi tệ mà không ai muốn có. Với trẻ con, điều đó còn kinh khủng hơn, vì các em còn quá nhỏ để biết tự bảo vệ chính mình. Có một sự thật là quỷ dữ luôn chực chờ, rình rập khi có cơ hội.
Có một sự thật khác là, ai cũng nghe, cũng nghĩ là mình đã thấu hiểu và biết về khả năng trẻ em bị xâm hại, nhưng hoảng sợ là vậy, họ vẫn tin là quỷ dữ sẽ chừa con mình ra. Trường hợp tệ hơn, họ, hoặc từ chối lắng nghe, hoặc cho rằng con mình nói dối về chuyện tày trời kia, hoặc nghĩ rằng đó là lỗi của đứa trẻ.
Đó là lý do mà mỗi khi có một vụ nào đó được phát lộ, người ta lại ào lên đưa con đi học những kỹ năng chống xâm hại tình dục, nhưng rồi người ta cũng quên vì còn mải cho con học toán, học tiếng Anh, học đàn học múa. Người ta chủ quan khi thông tin lắng xuống, có lẽ vì niềm tin mạnh mẽ rằng: Chắc con mình an toàn.
Sự vụ xảy đến với em bé chiều 1/4 một lần nữa khiến hàng loạt người lớn giật thót mình. Nhiều người nghĩ, cho con đi thang máy một mình thật nguy hiểm, dặn nhau từ nay đừng rời con 1 giây nào, đâu đó còn có những lời trách bố mẹ bé sao lại chủ quan thế, sao lại để con một mình…
Nhưng gạt qua sự thật rằng em bé ấy đã gặp tên biến thái, bạn hãy công bằng mà nói xem, một em bé 6 - 7 tuổi đi xuống tầng 1 mua bánh kẹo rồi đi lên nhà ở một tầng nào đó phía trên, bé sống trong chung cư khá cao cấp, có thẻ từ mới vào được thang máy, có bảo vệ túc trực, hành trình đó có thực sự nguy hiểm không?
Em bé 9 tuổi ở Chương Mỹ, đi học về trên con đường quen mà bé đã đi hàng nghìn lần, trong một làng quê bé sinh ra và lớn lên, giữa xóm giềng thân thuộc, hành trình đó có gọi là mạo hiểm không?
Những em bé lớp 5 được gửi đến trường, và bị thầy giáo "đùa" sau khi uống rượu say bằng cách sờ mông, véo ngực, bố mẹ liệu có nghĩ ở trường là bất an không?
(Ảnh minh họa)
Hay xa hơn nữa, hãy nhớ lại chuyện những nam sinh trong trường nội trú bị chính thầy hiệu trưởng lạm dục tình dục chấn động dư luận; chuyện bé Nhật Linh sống ở Nhật Bản, đi học trên con đường quen, có người hướng dẫn và kiểm soát ở các trạm dừng, và vĩnh viễn không thể về nhà nữa, vào 1 ngày xấu trời.
Hoặc như những câu chuyện tôi kể ở trên, rằng tôi suýt bị xâm hại ở nhà, bị những con yêu râu xanh tiếp cận trên đường đi học, trạm dừng xe bus… - những địa điểm đó có an toàn không, hay đặt ngược câu hỏi, có thực sự là nơi nguy hiểm với trẻ nhỏ hay không?
Từ khi nào những nơi vốn được xem là an toàn như thế, nơi sinh hoạt quen thuộc của trẻ nhỏ như thế lại trở thành nơi mà ta phải cảnh giác, phải sợ hãi rằng con chúng ta sẽ gặp chuyện chẳng lành? Và ta sẽ làm gì? Kè kè bên con mọi lúc mọi nơi, lắp camera theo dõi ở tất cả chỗ nào có thể lắp, hay hy vọng rằng, những kẻ biến thái sẽ chừa con mình ra?
Không đâu bạn ơi! Không một đứa trẻ nào được gọi là an toàn tuyệt đối, nếu những con quỷ vẫn ẩn mình và sống xung quanh chúng ta, với một bộ mặt rất lành.
Không một đứa trẻ nào được gọi là an toàn tuyệt đối nếu như chúng ta, những người làm cha mẹ vẫn coi việc giáo dục giới tính (phù hợp với lứa tuổi) chỉ là việc phụ, thi thoảng rảnh rỗi thì nhắc mấy câu cho nhớ.
Không một đứa trẻ nào được gọi là an toàn tuyệt đối nếu chúng ta không tạo cho chúng niềm tin rằng ta sẽ tin tưởng, sẽ không lờ đi, không đánh đập, không nổi điên với chúng, không sỉ nhục chúng vì tội lỗi của kẻ khác.
Tôi từng biết, có người mẹ khi nghe con gái kể chuyện bị người thân lạm dụng tình dục, đã tát thẳng vào mặt con, đã mắng bé: "Sao mày ngu thế, không biết chạy à, sao mày không hét lên, sao mày không…" - trong khi mẹ chưa chưa hề dạy bé cần phải làm gì. Cũng có những người mẹ, khi biết chuyện, chọn cách bao che cho kẻ ác, hoặc im lặng không dám lên tiếng vì sợ mang tiếng, sợ con bị kỳ thị…
Không một đứa trẻ nào được gọi là an toàn tuyệt đối, nếu cả xã hội không ý thức được rằng, đã đến lúc coi việc thẳng thắn trò chuyện một cách nghiêm túc và văn minh với trẻ em (và cả người lớn) về chủ đề giới tính và bảo vệ thân thể là một việc đương nhiên, cần dạy kỹ năng an toàn tối thiểu cho trẻ em giống như những kỹ năng khác.
Và không một đứa trẻ nào được gọi là an toàn tuyệt đối, nếu như bố mẹ thả con khỏi vòng tay mình, để con rời khỏi tầm mắt mình mà không đảm bảo được bé sẽ bình an, lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn khi trở lại.
Vì chẳng có gì chỉ ra quỷ dữ đang ẩn ấp ở đâu, đội lốt thân thiện nào; và càng chẳng có gì đảm bảo, "nó" sẽ chừa con mình ra.