Cindy Thái Tài: 'Tôi phát điên với những ánh mắt khinh miệt, soi mói cơ thể, giới tính'

Trung Ngạn |

Cindy Thái Tài cho biết cũng chỉ vì quan niệm giới tính, sự kỳ thị mà cô chưa từng được biểu diễn trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia dù từng nhận được rất nhiều lời mời.

Tiếp loạt "Nghệ sĩ chuyển giới: Cuộc tái sinh chạm đến ánh hào quang", VTC News có cuộc trò chuyện với ca sĩ - diễn viên chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam - Cindy Thái Tài.

Chị đã trải lòng về quãng thời gian cô độc và "kinh hoàng" khi quyết định chuyển giới, cũng như những khinh miệt, xúc phạm về giới tính khi tham gia showbiz.

- Cindy nghĩ gì trước quyết định chuyền giới làm con gái?

Tôi là người chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam nên suy nghĩ của tôi nặng nề hơn các bạn bây giờ. Bởi tôi phải quyết định cho cả cuộc đời mình.

Tôi chỉ biết các nước lân cận có người làm rồi, họ vẫn sống bình thường nhưng tôi không biết bản thân như thế nào, liệu mình còn sống và thành công như họ hay không.

Lúc đó, tôi thấy lo sợ nhiều hơn là lo lắng. Nhưng cái ý nghĩ "đây là việc tôi cần và phải sống thật với chính mình" dần lấn át hết những suy nghĩ tiêu cực. Tôi muốn cơ thể phải đúng với những gì tâm hồn mình cần.

- Xã hội hiện tại vẫn còn nhiều sự kì thị, Cindy đối diện với nó ra sao?

Năm 2001, tôi quyết định nói ra nhân thân và ngay lập tức vấp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi suy nghĩ thà mình cứ nói thực cho họ biết, họ hiểu rồi từ từ họ sẽ dần thông cảm, chấp nhận và trân trọng mình.

Thời điểm hiện tại, tôi thấy định kiến cũng thay đổi nhiều, tuy nhiên trong đó vẫn còn một số người vẫn còn khá cổ hủ và không chấp nhận những người như tôi.

Cũng có lúc tôi cảm thấy rất bế tắc và tuyệt vọng, không biết bám víu vào đâu. Tuy nhiên, tôi nghĩ lại khi mình được sống thật với bản thân rồi thì không còn cần ai công nhận hết, chính mình công nhận là đủ rồi.

Song song đó tôi vẫn còn có những người bạn luôn quan tâm, chăm sóc mình nên đâu cần quan tâm người ta nói gì, nghĩ gì về mình.

- Khi biết chuyện Cindy muốn trở thành con gái, gia đình chị phản ứng thế nào?

Tất nhiên là ba mẹ không hiểu rồi, bởi gia đình tôi là người Hà Nội nên tương đối phong kiến. Về phía cô, dì, chú, bác cũng rất khó khăn và không ai đồng ý cả.

Tuy nhiên, tôi luôn tự nhủ một câu: "Thân xác, cuộc sống này là của mình nên mình sẽ tự quyết định mọi thứ, không cần ai chấp nhận".

Phần nữa, thời điểm đó tôi cũng trách gia đình vì sao không tìm hiểu tại sao tôi muốn làm điều đó? Khi tôi chuyển giới cũng đâu có ai đưa đi hay cho tôi tiền làm đâu, nên chuyện có chấp nhận hay không tôi không quan tâm.

Những lúc tôi đau khổ nhất, không ai chia sẻ được với tôi, vì họ không muốn nên họ có lý do gì, tư cách gì mà cấm tôi.

Tất nhiên trước đó tôi phải nhún nhường nhưng "đâu cũng vào đấy", nên tôi phải làm một cuộc cách mạng đối với bản thân, gia đình và cả họ hàng để tìm lại chính mình.

Tuy vậy, tôi vẫn còn khá may mắn khi luôn có những người bạn luôn ở bên cạnh quan tâm và sẻ chia với mình.

Một thời gian sau, khi thấy tôi bị tổn thương quá lớn, một phần cũng sợ nên mẹ tôi đồng ý cho tôi được là chính mình.

- Kể cả bây giờ, khi đã trở thành một phụ nữ nữ tính, vẫn có những ánh mắt kỳ thị, soi mói. Cindy có cảm thấy chạnh lòng?

Tôi cũng là một con người, cũng có cảm xúc nên có lúc cũng muốn "phát điên" vì những ánh mắt kỳ thị, soi mói đó.

Thậm chí, có những lúc nếu họ thái quá, tôi sẽ hỏi trực tiếp rằng tôi làm gì sai mà họ quan tâm quá mức đến xúc phạm tôi như vậy.

- Cindy bén duyên với nghệ thuật vào khoảng thời gian nào?

Tôi có niềm đam mê ca hát từ nhỏ, từ cấp 1 đến cấp 3, tôi tham gia rất nhiều cuộc thi của trường, lớp. Tôi cũng từng là người mẫu và vinh dự ở trong nhóm mẫu đầu tiên của Việt Nam.

Sau đó, tôi còn làm vũ công, make-up, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, đạo diễn, đào tạo người mẫu... rồi mới bắt đầu làm ca sĩ chuyên nghiệp vào khoảng năm 2006.

- Tại sao Cindy sau khi chuyển giới Cindy mới quyết định lấn sân sang ca hát?

Bởi tôi hát rất hay và ngày bé tôi muốn làm ca sĩ nhưng tại vì gia đình không đồng ý bởi họ nghĩ “xướng ca vô loài”.

Sau khi lớn lên, tôi thừa sức làm ca sĩ nhưng tôi nghĩ tại sao mình là một nam ca sĩ mà lại õng ẹo, mặc đồ diêm dúa, make-up thái quá lên sân khấu. Và tôi cũng không muốn biến thành trò hề trong mắt khán giả.

- Cindy có bao giờ gặp nhiều trở ngại trong công việc vì đơn thuần mình là người chuyển giới?

Có chứ. Từ khi đi hát, tôi từng nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn trong chương trình ca nhạc trực tiếp. Tuy nhiên, trước nửa tháng, có khi sắp đến ngày diễn, người ta lại từ chối tôi vì lý do nhạy cảm.

Khi tôi hỏi nhạy cảm vì lý do gì, hầu hết đều nhận được câu trả lời ậm ừ liên quan đến vấn đề giới tính, hay không muốn lấy hình ảnh của tôi để "cổ xuý" chuyện chuyển đổi giới tính cho giới trẻ.

Cách đầy chừng hơn 1 năm, tôi tiếp tục bị một lần như vậy, dù tôi cũng từng hát cho chương trình này rồi. Họ thấy hay nên mời lại.

Tuy nhiên, khi tôi chuẩn bị hết trang phục, tập duyệt xong hết thì đến khi duyệt lại để phát sóng trực tiếp thì họ lại cắt phần biểu diễn của tôi.

Cindy Thái Tài: Tôi phát điên với những ánh mắt khinh miệt, soi mói cơ thể, giới tính - Ảnh 1.

- Vậy Cindy còn nhớ cảm giác khi lần đầu bước lên sân khấu sau khi công khai chuyển đổi giới tính?

Nhớ chứ, lúc đó tôi run lắm, sợ đến mức đi vệ sinh liên tục, thở không được, thắt hết cả tim vì nhìn ra ngoài còn những tên tuổi lớn như Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh...

Khi chính thức bước lên sân khấu cảm thấy rất run, lạnh hết người, cơ mặt cứng đờ và giật giật vì lúc đó khuôn mặt chưa hoàn thiện như bây giờ.

Khi hát bài đầu tiên, chắc cũng không hay, nhưng không hiểu sao mọi người lại vỗ tay ầm ĩ. Lúc đấy tôi mới thở được, cười nhưng rơi nước mắt.

Sau đêm đó về tôi không ngủ được vì cảm thấy hạnh phúc và thắc mắc tại sao mình được đứng trên sân khấu. Tôi còn không dám tin đó là sự thật.

- Cindy có bao giờ nghĩ người ta đến xem và nghe mình hát chỉ vì tò mò không?

Rõ ràng là thế rồi! Những tôi phải cám ơn điều đó, nếu họ không tò mò đến thì sao biết tôi hát được hay không để lần sau họ đến nữa. Nếu không có điều đó thì không thể có một Cindy Thái Tài của hôm nay.

- Có bao giờ Cindy rơi vào trường hợp bị các khán giả đối xử vô văn hóa khi biểu diễn hay xuất hiện ở chỗ đông người chưa?

Rất nhiều lần rồi. Lúc đó tôi cảm thấy rất tổn thương và chỉ muốn xuống sân khấu ngay để hỏi những người đó, họ có quyền gì mà xúc phạm tôi như thế.

Là một con người có giáo dục, có văn hoá thì không bao giờ làm tổn thương người khác vô cớ. Tôi làm nên lầm lỗi gì mà phải nghe những lời chỉ trích, miệt thị vô cớ.

Thậm chí, có người còn chạy vào tiệm váy cưới của tôi chỉ muốn nhìn xem "chỗ ấy" của tôi khác gì với một người phụ nữ bình thường. Khi ra đường thì vô số những ánh mắt soi mói như muốn lột đồ tôi xem "cái đấy" nó như thế nào!

- Cindy có nghĩ mình mất nhiều hơn là được khi trở thành con gái và sống trọn với đam mê ca hát?

Thường bị cắt sóng trực tiếp, tôi buồn lắm nhưng niềm đam mê ca hát, được diễn quá lớn nên tôi vứt bỏ mọi thứ có thể kiếm tiền nhiều hơn để theo đuổi nó.

Phần nữa, tôi cũng dần học cách chấp nhận mọi thứ bởi hiện tại vẫn chưa có luật nào dành cho người chuyển giới.

Nên bản thân tôi vẫn cứ vui sống với ánh đèn sân khấu, tiếng vỗ tay của khán giả là hạnh phúc, thoả mãn nhất rồi.

Nghệ thuật còn là lẽ sống của tôi. Sống thật với mình mới là hạnh phúc, còn sự "được mất" không còn quan trọng nữa rồi.

Cindy Thái Tài: Tôi phát điên với những ánh mắt khinh miệt, soi mói cơ thể, giới tính - Ảnh 2.

- Cindy nghĩ sao về quan điểm: "Người chuyển giới có đẹp đến cỡ nào cũng không phải phụ nữ"?

Nếu là một người không có trình độ thì tôi không quan tâm. Còn điều này được thốt ra từ người có trình thì tôi rất khinh thường con người đó.

Ngoài ra, tôi nghĩ một con người văn minh thì sẽ không bao giờ có suy nghĩ thụt lùi với tiêu chí tiên tiến của nhân loại như vậy.

Và trên hết một con người nhân ái thì không bao giờ thốt ra những lời vô nhân như thế! Rõ ràng đây là một tư tưởng rất kỳ thị giới tính, miệt thị.

- Dường như một người chuyển giới sẽ rất khó tìm được một người đàn ông đích thực?

Ở đất nước mình nói riêng và châu Á nói chung, tôi thấy điều đó rất đúng. Tôi từng trải qua nhiều mối tình không trọn vẹn.

Tuy nhiên đến cuối cùng, tôi lại may mắn khi nhận được tình yêu quá lớn từ chồng quá cố, đến mức người bình thường cũng chưa chắc có được. Đó là lý do sau 6 năm tôi chưa thể bước tiếp cùng ai khác dù có khá nhiều lời đề nghị.

Theo tôi nghĩ ở giới nào cũng thế, khi hai trái tim dành cho nhau thì chuyện giới tính chỉ là chuyện rất nhỏ, không quan trọng. Quan trọng là xã hội và pháp luật phải công nhận rõ ràng để bọn tôi được kết hôn.

- Hiện tại, chị có mong ước gì dành cho mình cũng như cộng đồng LGBT không?

Tôi mong muốn có một luật rõ ràng để chúng tôi có thể đổi giấy tờ và cần sự ủng hộ, nâng đỡ hơn của nhà nước. Phải cho nghệ sĩ chuyển giới quyền được bình đẳng như các nghệ sĩ khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại