Sau khi Liên Xô tan rã, ta nợ Nga trên 10 tỷ USD chuyển đổi từ Rúp. Đó là món nợ Liên Xô cho ta vay trong thời kỳ chiến tranh và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Khoản nợ này theo quy định thì Nga được thừa kế.
Ông Nguyễn Văn Ngạnh, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga nhiệm kỳ 2002 - 2007, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, người tham gia đàm phán và ký kết việc xử lý nợ giữa Việt Nam và Nga cho biết cuộc đàm phán về giải quyết khoản nợ này được bắt đầu những năm 1990 trở đi.
Giai đoạn đầu không có gì phức tạp bởi theo thông lệ quốc tế, các khoản nợ được giảm đi 85%, chúng ta chỉ phải trả 15%. Quan trọng nhất là 15% đó, trả trong vòng 10 năm, lãi suất là bao nhiêu, ông Ngạnh nói.
Khoản nợ của ta với Liên Xô, thời điểm đó là 10 tỷ USD. Sau khi giảm đi 85% thì số ta nợ bạn còn 1,5 tỷ USD.
Đến năm 2000 đã giải quyết được một số khâu như tính tỷ giá Rúp/USD, mức nợ được giảm (theo thông lệ quốc tế) và một số vấn đề kỹ thuật khác. Nhưng vấn đề vướng mắc nhất là phía Nga yêu cầu mức lãi suất 6,5%/năm trong khi chúng ta muốn mức lãi suất tối đa là 5%.
Sau nhiều cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên và cấp Bộ, vấn đề vẫn không giải quyết được.
Tháng 9/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải có chuyến thăm Nga. Đây cũng là lúc các cuộc đàm phán xử lý nợ đi vào giai đoạn cuối cùng. Chuyến thăm này có nhiều mục tiêu chung trong quan hệ 2 nước nhưng nhiệm vụ cao nhất là giải quyết cho xong vấn đề nợ giữa ta với bạn.
Phía đoàn Việt Nam tham gia họp xử lý nợ có Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng ông Nguyễn Văn Ngạnh và một phiên dịch. Còn thành phần phía Nga có Thủ tướng Mikhail Kasyanov và một chuyên gia.
Trước khi chiêu đãi buổi tối, hai bên đã đàm phán hơn một tiếng đồng hồ nhưng không ra được kết quả nên dừng lại. Sau khi chiêu đãi xong, hai bên tiếp tục đàm phán nhưng không “ăn thua”. Sau cả 2 cuộc họp, kết quả vẫn không đạt yêu cầu, dứt khoát bạn không chấp nhận cho ta mức lãi suất 5%.
Riêng cuộc họp thứ hai kéo dài đến 12 giờ đêm nhưng vẫn thất bại. Thủ tướng Nga lúc đó là ông Kasyanov tuyên bố ngày hôm sau đi Saint Petersburg và sẽ không làm việc tiếp với đoàn nữa.
Ông Kasyanov vốn xuất thân là chuyên viên Bộ Tài chính Nga, rồi trở thành Thứ trưởng Bộ Tài chính và sau đó lên Thủ tướng nên cực kỳ sâu sát và nắm vững chuyên môn tài chính, và cũng là người đàm phán “rắn” - ông Ngạnh chia sẻ với chúng tôi.
Kết quả không thành, ông Ngạnh viết báo cáo về nhà là đàm phán thất bại. Sáng hôm sau, khi ông cùng một số cán bộ đi theo đoàn đang nghỉ ngơi thì có điện thoại gọi thông báo phía bạn đã chấp nhận với phương án của ta, đoàn chuẩn bị ký ngay lập tức.
Cuối cùng bạn chấp nhận 5% nhưng ta còn đề nghị được thêm là trong 5% ấy, có một khoản 0,25% được đưa vào quỹ đào tạo học sinh cho Việt Nam. Như vậy trên thực tế là lãi suất chỉ có 4,75%.
Sau khi ký các văn bản xong xuôi, ông Ngạnh sửa lại điện báo về cho nhà, sửa nội dung thất bại thành thành công rồi trình Thủ tướng Phan Văn Khải ký và gửi về Bộ Chính trị.
Theo ông Ngạnh, sở dĩ phía bạn có sự thay đổi vào phút cuối cùng là có 2 lý do.
Thứ nhất, là bạn xem xét việc xử lý nợ này trong tổng thể truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, chỉ một thời gian ngắn sau Tổng thống Vladimir Putin có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam. Tổng thống Putin lại là người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam.
“Có thể vì 2 lý do ấy nên họ tính toán lại và chấp nhận yêu cầu của chúng ta”, ông Ngạnh cho hay.
Tháng 2/2001, Tổng thống Putin có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Vào thời điểm đó, cả hai nước đều là Đối tác Chiến lược đầu tiên của nhau.
Nói về quyết định này, ông Ngạnh cho rằng thời điểm đó, chúng ta vừa bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, sau năm 1991 - 1992 quan hệ với Trung Quốc cơ bản cũng xong. Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng muốn có được sự giúp đỡ, ủng hộ của Nga, để làm sao tăng bạn bớt thù, ông Ngạnh nói.
Về phía Nga, năm 1991, Liên Xô tan rã nhưng quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước vẫn tương đối tốt. Bản thân bạn cũng cân nhắc đến quan hệ truyền thống giữa Việt Nam - Liên Xô cũng như quan hệ lâu dài. “Việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược là từ lợi ích cả 2 phía”, ông Ngạnh nhận định.
Năm 2005, ông Ngạnh có cuộc làm việc với ông Sergei Morozov, Thống đốc tỉnh Ulyanov, quê hương của Lenin. Trong cuộc làm việc, vị Thống đốc tỉnh đưa ra một số yêu cầu cụ thể, đề nghị Đại sứ Việt Nam phối hợp. Trong đó có việc bang này muốn thiết lập và thúc đẩy quan hệ với Nghệ An và tính đến khả năng một đường phố quan trọng ở Ulyanov được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và một con đường ở Vinh mang tên Lenin.
Trên cơ sở đó, Đại sứ quán báo cáo Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Nghệ An về việc này.
Năm 2006, nhân dịp về nước công tác, ông Ngạnh vào Vinh làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ là ông Phan Đình Trạc. Ông Trạc cho biết cấp trên đã đồng ý triển khai hoạt động và đoàn UBND tỉnh Nghệ An sẽ thăm Ulyanov vào khoảng tháng 6/2006.
9 giờ 30 phút sáng 12/7/2006, Thống đốc Morozov và toàn bộ lãnh đạo thành phố cùng Đại sứ ta đặt lẵng hoa trước phiến đá cẩm thạch, có dòng chữ “Đại lộ Hồ Chí Minh”. Cùng ngày, Thống đốc và Đại sứ cũng dự lễ khai trương Khu Hà Nội trong công viên trung tâm thành phố Ulyanov với biểu tượng Chùa Một cột do cộng đồng người Việt Nam ở Ulyanov phối hợp xây dựng.
Kết thúc chương trình, ông Ngạnh nói với Thống đốc: “Đến lúc này có thể vui mừng khẳng định các nhiệm vụ mà Thống đốc giao cho tôi trong cuộc gặp lần trước đã được hoàn thành đầy đủ và tốt đẹp. Chắc không có điều gì sai sót để Thống đốc phải phê bình?”
Ông Morozov cười vui đáp lại: “Tôi không dám phê bình Đại sứ. Hơn nữa, không có bất cứ điều gì để tôi có thể phê bình, mọi sự rất tốt đẹp. Cảm ơn Đại sứ”.
Đầu năm 2007, Đại lộ Lenin được khai trương tại thành phố Vinh với sự có mặt của đoàn đại biểu thành phố Ulyanov do Thống đốc dẫn đầu.
Thành lập Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga
Khi ông Ngạnh đến Nga, cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn ở đây khoảng trên dưới 100.000 người và đã có một số hội như Hội Việt kiều gồm khoảng 200 người Nga gốc Việt, Hội khoa học kỹ thuật, Hội các nhà doanh nghiệp…
Nhưng vẫn thiếu một tổ chức rộng rãi hơn, tập hợp toàn thể cộng đồng để đoàn kết, hỗ trợ nhau. Vì vậy, bên cạnh công tác đối ngoại, ông Ngạnh nghĩ đến việc cố gắng sớm hình thành tổ chức Hội những người Việt Nam ở Liên bang Nga.
Đại diện các cộng đồng ở các thành phố lớn cũng bày tỏ sự hoan nghênh. Công việc chuẩn bị bước đầu có dấu hiệu thuận lợi.
Sau gần một năm chuẩn bị khẩn trương, tháng 1/2004, Đại hội thành lập Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga được tổ chức. Hơn 200 đại biểu về dự. Từ thời điểm đó, cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga được tập hợp dưới một tổ chức thống nhất là Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga.