Ái Tân Giác La Hiển Kỳ có tên Hán là Kim Mặc Ngọc, sinh năm 1918, là con gái út của Túc Thân vương Thiện Kỳ của vương triều nhà Thanh. Bà là cháu gái của Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa - Phổ Nghi và được coi là người cuối cùng được mang tước hiệu cách cách nhà Thanh.
Số phận công chúa trong thời loạn
Mặc dù sinh ra với dòng máu hoàng tộc nhưng Hiển Kỳ lại không hề có cuộc đời của công chúa. Cha bà có tới 32 người con và khi cách cách ra đời, triều Thanh vừa sụp đổ. Năm lên 4 tuổi, cha bà qua đời, vài tháng sau mẹ bà tự vẫn theo chồng vì quá đau buồn. Cách cách được 3 người chị gái cùng cha khác mẹ nuôi dưỡng trong hoàn cảnh kinh tế bình thường, thậm chí còn không bằng dân thường.
Ái Tân Giác La Hiển Kỳ trong bộ đồ hoàng tộc
Túc Thân vương là một người mang tư tưởng phong kiến truyền thống nặng nề, quan niệm con gái phải công dung ngôn hạnh, chăm lo gia đình. Nhưng Hiển Kỳ lớn lên lại có tư tưởng khác hoàn toàn. Bà ôm mộng trở thành một minh tinh, nghệ sĩ xuất chúng và trở thành người có quyền lực trong xã hội. Thế nhưng thực tế là khi gia tộc suy tàn, ngay cả việc sống đủ ăn qua ngày đối với cách cách Hiển Kỳ cũng là khó khăn.
Mồ côi cha mẹ, lại mang thân phận đặc biệt nhạy cảm trong thời bấy giờ, các anh chị em Hiển Kỳ đều loạn lạc chia cách và phải tự làm việc kiếm sống từ sớm. Bà từng kể rằng mình đã phải sống trong cảnh nghèo cơ cực suốt hàng chục năm trời. Cách cách nhà Thanh phải làm đủ thứ công việc để kiếm sống, bao gồm cả việc đan áo len thuê. Có lúc bà chỉ còn chưa đến 100 NDT trong người. Mãi đến năm 1952, tức khi đã ngoài 30 tuổi, bà mới tìm được công việc ổn định trong một tòa soạn, cuộc sống dần được cải thiện hơn.
Cũng trong khoảng thời gian này, bà gặp gỡ và hẹn hò một họa sĩ. Hai người có một đám cưới bình dị nhưng hạnh phúc. Ai cũng ngỡ rằng Hiển Kỳ sẽ có một cuộc đời yên ổn và vui vẻ về sau với vai trò một người vợ, người mẹ. Thế nhưng cũng đúng lúc này, tai họa giáng xuống đầu người phụ nữ bất hạnh.
Cách cách Hiển Kỳ có một người chị gái cùng cha khác mẹ vô cùng nổi tiếng là Kawashima Yoshiko (tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư) - người đã trở thành một điệp viên của Nhật Bản trong Thế chiến II, đồng thời cũng là một tuyệt sắc giai nhân với danh xưng "Hòn ngọc phương Đông". Vì có chị gái bị kết tội Hán gian, Hiển Kỳ cũng bị bắt dù hoàn toàn không liên quan và thậm chí phải vào tù 5 năm.
Cách cách Hiển Dư bị xử tử vì làm gián điệp cho Nhật Bản
Sau khi bị bắt vì một tội lỗi không phải do mình gây ra, Hiển Kỳ đã chủ động ly hôn với chồng để ông không bị liên lụy. Sau khi được ra tù, cách cách cuối cùng, lúc này đã sử dụng cái tên Hán Kim Mặc Ngọc để che giấu thân phận lại rơi vào cuộc sống cơ cực và cô độc. Mãi đến khi vào tuổi trung niên, bà lại một lần nữa "vực dậy".
Dù chưa bao giờ tiếp xúc với chị gái vì Hiển Dư sang Nhật từ bé, Hiển Kỳ vẫn bị vạ lây vì dòng máu hoàng gia
Người phụ nữ vẫn luôn giữ cốt cách hoàng gia
Về sau, Kim Mặc Ngọc đã trở thành người vợ thứ ba của nhà mỹ thuật Mã Vạn Lý. 2 người sống hạnh phúc dù không con cái cho đến khi ông qua đời vì tuổi già. Kim Mặc Ngọc vẫn luôn giữ trong mình niềm đam mê nghệ thuật từ ngày còn trẻ nhưng những biến cố cuộc đời đã vùi lấp ước mơ của bà. Đến tuổi về già, bà lại bắt đầu lại từ đầu. Bà trở thành một nhà điêu khắc và thư họa nhận được đánh giá rất cao.
Ảnh cưới của Kim Mặc Ngọc và Mã Vạn Lý
Dù phải sống gần như cả cuộc đời trong cảnh bần hàn, khốn khó nhưng Kim Mặc Ngọc khiến những người quen biết bà vô cùng ngưỡng mộ vì bất chấp tất cả, bà vẫn luôn giữ cốt cách và khí chất của người hoàng tộc. Trong đời sống, bà vẫn giữ những thói quen, lối sinh hoạt quý tộc xưa như một cách để tưởng nhớ và trân trọng gốc gác của gia đình mình. Đến cuối đời, bà được ca ngợi hết lời khi cùng chồng đem phần lớn tài sản để tài trợ, ủng hộ xây trường học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Dù thái độ của xã hội đối với cựu quý tộc nhà Thanh về sau đã thay đổi, Kim Mặc Ngọc vẫn luôn cố gắng sống khiêm tốn, kín tiếng nhất có thể. Mãi đến năm 2007, khi đã về già, bà mới nhận lời tham gia một chương trình truyền hình kể về cuộc đời thăng trầm của mình. Dẫu đã trải qua bao biến cố, sóng gió, người phụ nữ vẫn nở nụ cười tươi và giữ giọng nói nhẹ nhàng, như thể những gì trôi qua đều đã là một bộ phim lịch sử cũ. Sau tất cả, bi kịch của cuộc đời cách cách Hiển Kỳ không phải do ai gây nên, mà là lỗi của thời đại và bà chưa bao giờ oán trách, đồng thời luôn tự hào về dòng máu của mình.
Cách cách Hiển Kỳ đến khi về già mới bật mí về cuộc đời đau thương của mình
Năm 2014, Ái Tân Giác La Hiển Kỳ - một trong những hậu duệ trực tiếp cuối cùng của nhà Thanh qua đời sau một cơn đau tim, hưởng thọ 95 tuổi, đồng thời cũng phần nào khép lại một giai đoạn của lịch sử.
Nguồn: Sohu