Chuyện về "Ông Chuột" - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn

Bài và ảnh: Công Tuấn |

Gắn bó với công việc làm đồ chơi dân gian 27 năm, "Ông Chuột" đã trở thành một phần vô cùng thân thuộc trên đường phố Sài Gòn.

Đi đôi sandanl đã sờn cũ, ngồi thu mình bên lề phố Sài Gòn, bên cạnh là gánh hàng đồ chơi đủ màu sắc sặc sỡ, lâu lâu lại ngâm thơ hay thậm chí là nói tiếng Anh, tiếng Pháp với du khách nước ngoài, hình ảnh cụ ông 75 tuổi bán đồ chơi dân gian ở nhà thờ Đức Bà đã không còn quá xa lạ với người dân TP. HCM.

Nhiều người tỏ ra thích thú với những món đồ chơi mà ông tự làm, người khác lại chép miệng xót xa trước cảnh "tuổi già nhưng chưa được nghỉ ngơi". Thế nhưng, ít ai biết rằng, gia đình ông không quá khó khăn, các con không ai muốn ông phải vất vả mưu sinh nhưng vì ông muốn, nên không thể ngăn cản.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 1.

Hình ảnh "Ông Chuột" đã không còn quá xa lạ với người dân TP HCM

Tìm đến nhà thờ Đức Bà để gặp ông, người được gọi với những cái tên thân thương như "Ông Chuột", "Lão Chuột", "Mr. Mouse"... được biết ông tên Nguyễn Kim Hạnh (75 tuổi, TP HCM) đã có thâm niên 27 năm theo nghề làm đồ chơi dân gian.

Gương mặt ánh lên sự tinh anh, nụ cười vẫn tươi, ông Hạnh bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện về cuộc đời mình, về những món đồ chơi dân gian mà ông gìn giữ.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 2.

Những món đồ chơi dân gian do chính ông Hạnh làm khiến trẻ con thích mê.

Làm 14 nghề, cuối cùng gắn bó với đồ chơi dân gian

Mặc dù nghề của ông là làm đồ chơi dân gian nhưng hẳn ai gặp và tiếp xúc đều bất ngờ trước kiến thức uyên bác, tinh tường lịch sử, rành thơ ca, biết 2 thứ tiếng Anh và Pháp của ông. Khi người khác đem tò mò của mình hỏi ông, ông chỉ cười xòa và giải thích "trải qua 14 nghề nên cũng am hiểu nhiều thứ".

Ông Hạnh kể, trước đây ông từng trải qua nghề viết truyện ngắn đăng báo, làm gia sư, làm trong lĩnh vực hành chính, sau đó về quê làm ruộng, trồng cây ăn trái, bán cây cảnh, dịch thuật, bán bong bóng... Mỗi nghề ông làm một vài năm, rồi cuối cùng cơ duyên dẫn ông đến với nghề làm đồ chơi dân gian khi tuổi đã gần 50.

"Năm 1990, sức khỏe của ông dần yếu đi, không thể làm ruộng được nữa nên quyết định trở lại Sài Gòn, phụ vợ nấu chè ngô đi bán để nuôi con. Sau đó, ông rong ruổi khắp Sài Gòn để bán bóng bay vì không có vốn liếng gì.

Thời đó một quả bóng bay bán với giá 1 – 2 đồng. Rồi ông lại nghĩ, mình là người có tri thức, đi lòng vòng bán bóng bay như thế vừa mất sức lại không phát huy được những gì đã được học. Thế là ông nghỉ bán".

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 3.

Ông Hạnh đã làm rất nhiều nghề trước khi gắn bó với công việc hiện tại.

Sau đó, ông vô tình nhìn thấy người ta bán đồ đồ chơi dân gian, nhưng sản phẩm rất đơn giản. Như con rắn màu đen, thiết kế thô, trông lại đáng sợ nên nhiều người nhát, nhìn thấy là "chạy mất dép".

Ông nghĩ rằng nên làm các con vật dân gian bằng nhiều màu sắc khác nhau, vừa sinh động, phong phú lại không làm cho người sợ. Nghĩ là làm, ông mày mò tự học. Với óc sáng tạo, ông không chỉ làm ra con rắn mà còn làm ra con rùa, chim, bướm, chuột...

"Thời gian đầu ông chỉ mang ra chợ Lớn bán. Làm nghề này rủi ro cũng nhiều, vì đồ chơi làm bằng giấy nên gặp mưa sẽ bị mủn, hỏng liền. 

Bởi vậy khi gặp trời mưa là phải chạy, khổ lắm. Sau đó, ông mua loại giấy tốt hơn để làm. Năm đó là năm con chuột nên ông làm con chuột, đó cũng chính là lý do mà cái tên "Ông Chuột", "Lão Chuột", "Mr. Mouse" ra đời".

Ông Hạnh tâm sự, thời điểm ấy các con vật của ông nhìn còn thô. Dần dần ông nảy ra nhiều sáng kiến, như việc mua mắt đính vào, rồi các con vật cũng cần có "quần áo" để mặc nên ông mua thêm các họa tiết để gắn thêm. Phần con quay cũng được thay đổi từ đất sét sang làm bằng xi măng.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 4.

Một du khách đang trò chuyện với ông để hiểu hơn về những món đồ chơi dân gian

"Không muốn dựa dẫm con cái vì ai cũng có cuộc sống riêng"

Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi chưa thấy ông tỏ ra mệt mỏi như người ta vẫn thường nhìn thấy ở những người tuổi 75. Ngược lại, ông vui vẻ, lâu lâu lại cười xòa, rồi có lúc cao hứng, ông đọc thơ cho chúng tôi nghe. Ông đọc một mạch đoạn thơ trong truyện Kiều mà không hề vấp ở khúc nào.

Thế rồi, ông khiến chúng tôi càng cảm phục hơn khi nói tiếng Anh, tiếng Pháp "nhanh như gió". Ông bảo, những người nước ngoài họ thích lắm, vì ông có thể diễn tả cho họ hiểu những món đồ chơi này là gì, chơi như thế nào. Ông luôn luôn giới thiệu "đây là món đồ chơi truyền thống của Việt Nam".

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 5.

Người đàn ông này không ngại ngần giao tiếp tiếng Anh, tiến Pháp với người nước ngoài.

Tiếp tục câu chuyện còn dở dang, ông cầm con chuột đồ chơi màu xanh, thao tác chậm rãi và nâng niu, rồi hướng dẫn chúng tôi cách làm, cách chơi.

Ông bảo, để cho ra một món đồ chơi hoàn chỉnh, ông mất tới...10 ngày. Ông không làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh luôn, mà lại quyết định mỗi ngày làm một bộ phận, đến ngày thứ 10 thì lắp ráp chúng lại để tạo nên một món đồ chơi dân gian.

"Nhìn món đồ chơi đơn giản vậy thôi chứ cũng có tầm khoảng 10 thao tác phải làm. Thế nên ông dành thời gian từ 7 giờ sáng tới 11 giờ trưa mỗi ngày, làm một thao tác. Sau 10 ngày, ông lắp ráp chúng lại, mất khoảng 5 phút/con, "xuất" ra được 100 món đồ chơi.

Cách làm ra cũng không phải khó, nhưng cần tỉ mỉ và kiên nhẫn. Ông phải tạo hình dáng cho món đồ chơi, rồi tạo thân từ bìa cát tông làm mẫu rồi ướm vào giấy đó cắt ra hàng loạt, ngoài ra còn cắt thân đuôi, mắt cánh, đổ xi măng làm con quay…"

Mỗi ngày bán hàng của ông bắt đầu từ lúc 4 giờ chiều ở nhà thờ Đức Bà, đến tầm 6 giờ tối thì chuyển qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, 11 giờ thì thu xếp đồ đạc và lên xe trở về nhà. Mỗi món đồ chơi bán với giá 20.000đ, mỗi ngày ông bán được 5 – 10 con, nhưng cũng có những ngày không bán được con nào. Tính trung bình, mỗi tháng ông Hạnh bán được 300 con, thu về 3 – 4 triệu đồng tiền lãi.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 6.

Ông bắt đầu đi bán lúc 4 giờ chiều, và trở về nhà lúc 11 giờ khuya

Khi đưa thắc mắc của nhiều người về việc "tuổi già nhưng chưa được nghỉ ngơi", ông cười xòa rồi không ngần ngại chia sẻ.

"Cuộc đời như tuồng hát, điều quan trọng mình đóng tuồng hay hay dở, mình mà đóng tuồng dở là mình đói. 5 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định nhưng ông không ở với con vì ông muốn tự lập.

Với lại các con còn có gia đình và cuộc sống riêng của chúng nó. Con ông bảo ông nghỉ làm, mỗi người cho 500.000 đồng nhưng ông thấy chúng nó còn phải lo nhiều điều nữa, điện nước, con cái, học hành... Mà đi xin tiền chúng nó cũng cực lắm, mỗi đứa lại ở một nơi xa.

Nhà ông hẹp chục mét vuông, ngày ngày chỉ ở trong 4 bức tường thì rất chán, mà ông lại là con người ưa hoạt động. Nên ông vẫn duy trì việc làm đồ chơi dân gian để bán, kiếm đồng ra đồng vào".

Ông Hạnh vui vẻ nói rằng, ông sẽ bán đến khi nào không còn sức nữa. Bởi với ông, việc bán đồ chơi dân gian không còn đơn thuần là kiếm sống, mà đó còn là thứ để ông dành trọn tâm huyết của mình, giúp ông có niềm vui trong cuộc sống, và cũng là cách để ông giữ gìn đồ chơi dân gian đang dần biến mất.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 7.

Ông khẳng định sẽ bán đến khi không còn sức khỏe nữa

Món đồ chơi đơn giản, nhưng đó là cả tuổi thơ đẹp của những đứa trẻ Sài Gòn, bởi 27 năm qua, người ta luôn thấy một ông già ngồi đó, bên cạnh gánh hàng rực rỡ sắc màu, với những con chuột, con chim, con rắn... Dường như "Ông Chuột" đã trở thành người giữ gìn tuổi thơ cho những đứa trẻ thị thành.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 8.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 9.

Chuyện về Ông Chuột - người đàn ông đặc biệt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại