Quốc đảo Singapore là một trong những thiên đường đáng sống nhất trên toàn thế giới, bởi nơi đây sở hữu một không gian xanh, sạch, đẹp.
Trong những năm gần đây, quốc gia này thực hiện nhiều dự án tiến bộ trong giao thông vận tải, điển hình là hình thức cho thuê xe đạp tự động, với mong muốn giúp việc đi xe đạp thành một lựa chọn dễ tiếp cận và khả thi hơn cho những người đi lại.
Đồng thời, họ muốn đạt được mục tiêu biến quốc đảo sư tử thành một không gian xanh, không xe hơi, không khói trong tương lai.
Tiềm năng cho ngành thuê xe đạp tại Singapore
Hướng tới những người đang tìm một phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, thuận tiện và dễ tiếp cận, những chiếc xe đạp được bố trí ở khắp nơi tại Singapore thông qua hệ thống chia sẻ xe đạp.
Sáng kiến này đã khắc phục được tình trạng người dân phải chờ đợi những chiếc xe buýt trong nhiều giờ, hoặc phải lựa chọn giải pháp cuốc bộ nếu thời gian đợi quá lâu. Phương án thay thế nhanh hơn, tiện lợi hơn chính là trèo lên một chiếc xe đạp và di chuyển một cách chủ động.
Những chiếc xe được áp dụng công nghệ thông minh để kiểm soát người thuê
Theo nhóm lãnh đạo của các công ty cho thuê xe đạp, hầu hết người đi xe đạp ở Singapore chủ yếu là để thư giãn. Tuy nhiên, hầu như chẳng ai có ý định mua xe, bởi họ không mong chờ quá nhiều công năng và tiện ích từ một chiếc xe đạp.
Đặc biệt, việc sử dụng xe đạp theo hình thức chia sẻ như vậy có thể chuyển Singapore thành một xã hội "hóa thạch xe hơi", thuận theo khuynh hướng của chính phủ và người dân nơi đây.
Yêu cầu tối thiểu để thuê một chiếc xe đạp là bạn phải có smartphone chạy iOS hoặc Android có tích hợp thẻ tín dụng. Quy trình thuê xe cũng hết sức đơn giản. Người dùng cài app của hãng xe để thuê xe, khi chạy app thì đặt cọc $49 Sing (hơn 800 ngàn đồng).
Sau đó chỉ việc quét mã QR trên xe là khóa tự mở, và tha hồ đạp đi bất cứ đâu bạn muốn.
Muốn ngưng thuê thì chỉ việc cài lại khóa và chuyến đi sẽ kết thúc, hệ thống ghi nhận và trừ tiền vào thẻ của người dùng chứ không trừ vào tiền đặt cọc.
Quy trình đơn giản, phí thuê thì tương đối rẻ chỉ khoảng 1 đô Sing (16 nghìn đồng Việt Nam) cho 1 giờ thuê và cực kỳ tiện lợi khi bạn có thể nhanh chóng tìm được một chiếc xe đạp quanh khu vực của mình.
Chính vì vậy, dù chỉ mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng dịch vụ này đang trở thành văn hóa của người dùng và được người dân cũng như khách du lịch tới Singapore vô cùng ủng hộ.
Một bài toán khó hơn bắt đầu xuất hiện
Văn hóa xe đạp được hình thành, nhưng đỗ xe sao cho có văn hóa lại là một câu chuyện khác. Để đảm bảo sự tiện lợi và điều kiện "cần là có" của người sử dụng, các công ty đã bố trí nhiều điểm để xe tập trung, thường thì gần các khu trung tâm, khu dân cư.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã gặp phải một vài bài toán cần giải quyết khi áp dụng vào thực tế, đó là câu chuyện về đỗ xe và bảo dưỡng, bảo trì chất lượng xe.
Theo quy định thì sẽ có những khu vực để xe đạp được đánh dấu chữ P trên đường, nhưng thực tế thì mỗi người sẽ có một lộ trình khác nhau.
Và lúc này, ưu điểm của ứng dụng cho phép khách hàng đỗ xe ở bất kỳ đâu lại trở thành "điểm chết" đối với các nhà dịch vụ.
Chuyện đỗ xe - vấn nạn cần giải quyết của Singapore
Theo thông tin từ tờ Today thì hình ảnh những chiếc xe cho thuê được để rải rác khắp nơi và hầu hết là không đúng điểm đỗ không còn xa lạ gì ở Singapore.
Có chiếc thì được treo lơ lửng trên cầu, chiếc bị quên ở xưởng tàu, chiếc lại được dựng ngược làm móc treo quần áo trước cửa một căn hộ.
Và đó chỉ là một trong số ít các nơi kỳ lạ mà ta có thể nhìn thấy chiếc xe đạp "được đỗ tạm" như vậy.
Sắp xếp, bảo dưỡng hay là phạt?
Các nhà cung cấp xe đạp phải thuê một nguồn nhân lực lớn khắp quốc đảo để định vị và sắp xếp lại những chiếc xe đạp đỗ bừa bãi. Đó là chưa tính đến việc sửa chữa các bộ phận bị hư hỏng và phân phối lại xe đạp cho các địa điểm có nhu cầu cao.
Công ty Ofo chuyên cung cấp dịch vụ này chia sẻ họ phải điều tới 200 nhân viên tới khắp các khu vực hoạt động mỗi ngày.
Các nhân viên phải sắp xếp hàng trăm chiếc xe mỗi ngày
Theo chân nhân viên trong suốt thời gian đó, đếm sơ sơ đã có tới 80 chiếc xe đạp được xếp lên xe buýt, chuyển từ lề đường, lối vào của các trung tâm mua sắm và ga tàu điện ngầm, tới các khu đỗ xe (thường được đánh dấu bằng các hộp màu vàng).
Một nhân viên 22 tuổi chia sẻ có ngày anh phải xếp lại tới 120 chiếc xe, và đôi khi còn phải sửa chữa những hỏng hóc như chỗ ngồi và tay phanh.
Anh cho biết có những chiếc xe không còn an toàn nữa do linh kiện bị hao mòn, không còn chất lượng nữa. Mà lý do lại là vì người dùng để chúng phơi gió phơi sương.
Việc của những nhân viên như anh là phải dán thông báo lên những chiếc xe đó và đem về bảo dưỡng, sửa chữa.
Một số chiếc xe hỏng hóc nghiêm trọng
SG Bike - một công ty cho thuê xe đạp chia sẻ khác cho biết, họ cũng phải sắp xếp lại và sửa chữa ít nhất 100 chiếc xe đạp đỗ bừa bãi mỗi ngày. Sean Tay - trưởng phòng điều hành của SG Bike cho biết:
"Tình trạng đỗ xe bừa bãi ngày càng lan rộng, và nó đã trở thành vấn đề khó khăn hơn cả việc sản xuất xe hay vận động mọi người dùng nó trước kia."
"Chúng tôi đã thử nghiệm công nghệ Geostation để nhắc nhở người sử dụng đỗ xe của họ gần các khu đỗ xe được chỉ định của mình."
Công nghệ này sử dụng nhận dạng tần số vô tuyến điện. Khi một chiếc xe đạp không đậu trong khoảng 5m của không gian được chỉ định, nó sẽ bắt đầu phát ra tiếng bíp.
Ứng dụng di động của người dùng cũng sẽ phát hành thông báo. Người dùng không đặt lại xe đạp đúng cách sẽ bị phạt 1 đô Sing (khoảng 16 nghìn đồng Việt Nam).
Tạm kết
Không thể phủ nhận được hướng thay đổi tích cực trong việc lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại tại quốc gia xanh bậc nhất toàn cầu này.
Tuy nhiên, để giải quyết hoàn hảo bài toán văn hóa đỗ xe thì quan trọng nhất chính là hành vi sử dụng của người đi xe đạp cần văn minh hơn.
Tham khảo: SCMP, Straits Times, Must share...