Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim "Người vợ cuối cùng": Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng!

Minh Dương |

Trong những ngày bộ phim 'Người vợ cuối cùng' công chiếu, chiếc nón cổ - món phụ kiện gắn liền với các nhân vật nữ trong phim trở thành đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ.

Chiếc nón lá tựa như một biểu tượng chứa đựng đầy sức sống của người dân Việt Nam từ thuở xa xưa. Trong rất nhiều tài liệu cho thấy chiếc nón lá đã xuất hiện ở đất Việt cổ từ rất lâu, nhưng từ thời gian nào thì câu trả lời vẫn là một ẩn số. Người ta chỉ biết rằng trong rất nhiều phiên bản nón lá qua nhiều thời đại ấy, khi nhắc đến chiếc nón ba tầm, suy nghĩ vô thức của ai nấy đều trôi tận về những ngày xưa cũ.

Nón ba tầm trong "Người vợ cuối cùng"

Ngay từ khi trailer về bộ phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ ra mắt, một bộ phận lớn khán giả xuýt xoa và bất ngờ trước những thước phim nhuốm màu xưa cũ lấy bối cảnh miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Những bộ cổ phục Việt dường như vắng bóng rất lâu trên diễn đàn phim ảnh, và khi xuất hiện những bộ áo dài, những chiếc khăn che, hay chiếc nón ba tầm, người ta luôn cảm nhận được sự gần gũi khó nói lên lời.

Tưởng như chiếc nón ba tầm đã lặn sâu vào dĩ vãng, thế nhưng bộ phim "Người vợ cuối cùng" của đạo diễn Victor Vũ khiến nhiều người yêu mến văn hóa Việt xúc động.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 1.

Nhân vật Linh khi còn là thiếu nữ nhà nghèo với chiếc nón lòng chảo.

Chúng ta sẽ không bàn về chất lượng hay mức độ chân thật của nội dung bộ phim, nhưng rõ ràng được nhìn thấy hình ảnh những chiếc nón ba tầm, nón lòng chảo, nón thúng được tái hiện trong bộ phim lấy bối cảnh đời sống nhà quan thế kỷ XIX ở miền Bắc khiến người ta cảm thấy dòng chảy xưa cũ vẫn tràn trong huyết mạch của mỗi người dân Việt.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 2.

Sự khác biệt khi nhân vật Linh trở thành vợ lẽ của quan tri huyện được đội nón ba tầm có quai thao bằng vải lụa (bên phải ảnh) trái ngược với hình ảnh người dân thường nghèo đội nón lòng chảo (bên trái ảnh).

Nhân vật Linh (do Kaity Nguyễn thủ vai) từ một thiếu nữ nhà nghèo về làm vợ lẽ cho quan tri huyện trong "Người vợ cuối cùng" khi sử dụng chiếc nón cũng có sự thay đổi. Mặc dù vợ lẽ xuất thân thấp kém nhưng khi đội lên chiếc mũ ba tầm có quai thao đẹp đẽ cũng đã thể hiện được địa vị của cô thay đổi nhiều so với thời đội nón thúng, nón lòng chảo.

Những điều ít người biết về chiếc nón cổ của người Việt

Nhắc đến nón của người Việt, một hai lời không thể kể hết. Để mà nói trong trang phục của người Việt, vừa gắn với đời sống văn hóa, vừa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, đâu chỉ có một hai loại nón. Nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, từ xa xưa đã nắng lắm mưa nhiều, nơi đất lành tre nứa mọc tua tủa, nghề trồng lúa cũng xuất hiện từ buổi đầu của nền văn minh, nên dường như chiếc nón gắn bó với người Việt ta đã từ rất lâu.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 3.

người Việt xưa thường đội những chiếc nón rộng vành.

Kể tên một số loại nón của người Việt ta có chẳng hạn như nón ngựa (nón Gò Găng) ở Bình Định được làm bằng lá lụi thường đội đầu khi cưỡi ngựa. Nón bài thơ xứ Huế là thứ nón lá trắng và mỏng có lộng, thêu hình hoặc một vài câu thơ. Nón dấu có chóp nhọn của lính thời phong kiến. Nón rơm được làm từ cọng rợm ép cứng lại. Nón chảo có mo tròn trên đầu như cái chảo úp hay nón lá sen,...

Thời hiện tại, hình ảnh chiếc nón chóp sánh đôi với chiếc áo dài là một trong những biểu tượng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt. Nhưng ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lịch sử của những chiếc nón lá, lại có nhiều thứ để kể hơn là chiếc nón chóp của hiện tại. Bởi chẳng ai có thể quên được hình ảnh chiếc nón cổ của người Việt ta - nón ba tầm.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 4.

Hình ảnh phụ nữ Bắc Bộ đội nón ba tầm trên bưu thiếp những năm 1900.

Nhiều người nghĩ ba tầm có thể là một địa danh, nơi xuất xứ làm ra chiếc nón, chẳng hạn như nón Chuông của hiện tại. Cũng có thể là tên của người sáng tạo ra loại nón này. Tuy nhiên, sự thật về tên gọi nón ba tầm lại khác.

Trong Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên có viết: "Người Việt đội nón rộng kết bằng lá cọ hoặc bằng tre vót rất mảnh, hoặc bằng lông chim để che nắng che mưa. Kiểu nón này tròn và phẳng, che được cả người. Nón của các quý cô quý bà xứ Bắc Kỳ lại có một cái quai buộc vào hai mảnh bạc chạm, hai đầu quai là hai chùm sợi tơ thõng xuống đến ngang vai.

Nón được đặt vững lên đầu bởi một cái vành gối tròn lại còn có nón chóp nhọn, thường là của đàn ông; nhất là ở miền Trung Kỳ, thứ nón đàn ông này rất được trau chuốt. Nón người sang trên đỉnh bịt một cái chóp bằng bạc hoặc vàng chạm trổ, và một quai nón bằng tơ trắng, hai đầu quai nón có thắt nút rất to".

Đến Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng không quên nhắc về thường phục của người Việt khi xưa. Ngoài việc nói đến loại quần áo, màu sắc phân chia theo địa vị cao thấp trong xã hội thì cũng nhắc đến phần nón. Đàn ông "Nón đội thì là nón dứa, nón sơn, nóng lông, ít nay thì che ô nhiều".

Còn đàn bà ngoài việc nói đến vấn khăn quấn tóc thì cũng nhắc đến nón. "Nón thì đội nón nghệ quai thao là quý nhất, còn thường thì đội nón bẻ, nón lòng chảo, cũng nhiều người đã che ô".

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 5.

Các loại nón của người Việt.

Sau đó, Phan Kế Bính cũng có nhận xét thêm rằng: "Còn như nón đội, giày dép đi, tưởng cũng nên đổi dần kiểu cách khác thì mới tiện, chứ đội nón bẻ, nón nghệ, lù lù như cái nong trên đầu coi khí ngộ quá".

Từ hai tài liệu quý trên cho thấy, dù là nón đội đầu, từ xưa người Việt cũng đã có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, theo đó là cách sử dụng. Nón của đàn ông thì có chóp nhọn, nón đàn bà mang thì rộng và tròn.

Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, vào thời Lý người Việt hay đội nón như hình vỏ ốc gọi la loa lạp. Vào thời Lê sơ, dùng nón thủy ma, nón màu trắng ngà, nón sơn,... là dạng nón quân trang. Trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của tác giả Henri Oger cũng nói đến nhiều loại nón như nón sơn bên trong làm bằng lá, bên ngoài dùng lá tre tết lại rồi sức bằng sơn. Nón này dành cho nhiều nho sĩ và thương nhân. Nón ba tầm cho đàn bà, nón hôn lễ dùng khi đón dâu, nón đinh phu thường dành cho đàn ông nhà nghèo đội để che nắng mưa,...

Tại sao lại gọi là nón ba tầm?

Quanh đi quẩn lại, dù biến tấu bao nhiêu và tên gọi mỹ miều thế nào thì người Việt ta cũng quen thuộc với hai dạng nón, nón hình chóp được gọi là nón lá và nón hình thúng ít sâu lòng thường được gọi là nón ba tầm.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 6.

Nón ba tầm là vật dụng quen thuộc gắn liền với phụ nữ Bắc Bộ xưa.

Nói nôm na, nón ba tầm là vật dụng thời trang hoặc che nắng mưa của phụ nữ miền Bắc Việt Nam thời xưa. Nón ba tầm được lợp bằng lá cọ hoặc lá gồi, có hình dạng nhu cái lọng hoặc tai nấm, đỉnh phẳng, đường kính nón khoảng 70-80cm, vành cao 10-12cm hoặc hơn.

Ở lòng nón được đính một cái vành hình phễu gọi là khua để gia cố nón khi đội. Dây đeo được làm bằng vải mềm hoặc nhung, lụa giữ trên cổ. Hai bên quai nón có những quả thao được bằng tơ màu hồng.

Ba tầm ở đây cũng có thể hiểu đại khái là khoảng cách, độ dài áng chừng của chiếc nón. Phải chăng nhiều người xưa hiểu nón rộng khoảng tầm 3 gang tay hoặc từ đỉnh nón ra khoảng 3 gang tay để áng chừng chiều rộng của khung nón. Chẳng hạn như 4 tấc, 6 tấc,.. Ngoài ra, chiều rộng này cũng phụ thuộc vào kích cỡ của nguyên liệu, dùng lá gì để lợp.

Trong cuốn Technique du peuple Annamite (1909), phần chú thích bằng chữ Hán ghi là : "Nón phụ nữ, tục ngôn ba tầm". Chữ "tầm" ở đây là để chỉ kích cỡ đo lường như trong "tầm cỡ, tầm thước, tầm vóc ...".

Nón ba tầm có phải nón quai thao không?

Nhiều người hiểu rằng nón ba tầm chính là nón quai thao - chính là loại nón các liền chị đi hội hay dùng. Người ta cũng cho rằng nón quai thao này đặc trưng của vùng quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên, hai loại nón này có sự khác biệt nhất định. Đồng thời, nón quai thao không phải loại nón riêng của các cô gái hát quan họ mà là nón chung của phụ nữ Bắc Bộ xưa.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 7.

Nón ba tầm thường dùng để che nắng mưa, phần quai thao ở nón chất liệu và màu sắc sẽ thể hiện gia cảnh và địa vị của người đội.

Nón quai thao chủ yếu để làm duyên khi hát. Khi điệu quan họ cất lên, chiếc nón quai thao còn được dùng để đựng trầu mời khách. Nón quai thao chủ yếu mang tính thẩm mỹ và thời trang, không được tiện dụng như nón ba tầm xưa. Thêm nữa người ta thường kết vào vành nón đôi chùm chỉ thao sặc sỡ để làm duyên.

Một phần vì nón quai thao có đường kính to hơn nón ba tầm, chủ yếu treo lên che cố định, nên khi gặp trời gió lớn sẽ bất tiện. Còn nón ba tầm, có vành lớn, độ dốc vừa phải, lá lợp cũng dày hơn để tiện che nắng mưa. Nón ba tầm của người Việt khi dùng với chiếc quai thao đã trở thành chiếc nón được dùng trong lễ hội, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp nền nã, thanh lịch của phụ nữ Kinh Bắc.

Nón quai thao và nón ba tầm sử dụng cho hai đối tượng khác nhau nên cấu tạo nón cũng có ít nhiều khác biệt. Thời tiết vùng miền thay đổi nên đi dần về phía miền Trung nhiều nắng gió hơn nên nón có xu hướng nhỏ gọn và cũng dày hơn.

Ngoài ra, nón ba tầm còn nhiều công năng hơn nữa. Chủ yếu che mưa, che nắng, đôi khi làm quạt lúc trời nóng, khi lại dùng múc nước rửa mặt, làm khay đựng đồ,... Quai thao là một loại quai nón bằng lụa đặc biệt do thợ ở làng Đơ Thao, Triều Khúc (Hà Nội) dệt nên. Chiếc quai thao này được tết và nhuộm rất cầu kỳ, phức tạo nên đôi khi giá thành chiếc quai thao còn đắt hơn cả chiếc nón. Phần quai thao này có thể kết hợp với nhiều loại nón khác nhau, trong đó có nón quai thao, phổ biến nhất vẫn là nón ba tầm.

Người ta đặt ra vấn đề tại sao nón hình chóp và nón ba tầm là hại loại nón phổ biến nhiều nhất và để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa của người Việt.

Có ý kiến cho rằng, từ chỉ nón trong tiếng Việt gần với từ "non" - chỉ đồi núi trong tiếng cổ. Phải chăng, chiếc nón hình chóp đầu tiên ra đời mô phỏng hình của núi - dạng nhà đầu tiên mà con người chọn để trú mưa nắng?

Nón ba tầm làm có khó không?

Lá dùng làm nón phải tìm loại tốt, to bản, không bị sâu mọt hay rách, không quá già cũng không quá non. Lá thường được dùng là bánh tẻ thiên già, lá ôm với nhau. Nón ba tầm có kíc thước nhỏ hơn nón quai thao và độ dốc lớn hơn, nên còn được gọi là nón bẻ.

Chuyện về chiếc nón cổ của người Việt xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng: Cầu kỳ, công phu hơn chúng ta tưởng! - Ảnh 8.

Nón thường được dùng nhiều loại lá như lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá dứa, lá dừa,... Ngày nay, nón được sử dụng thêm cả lá bàng, xương lá bàng, nón cỏ bàng, nón trúc chỉ,... đến từ xứ Huế. Phần quai nón ban đầu làm bằng lạt tre, sau này mới thay thế bằng vải, lụa, nhung mềm mại và sang trọng hơn.

Khung nón được chuốt từ nhiều thanh tre mảnh, nhỏ và dẻo rồi uống vòng tròn có các đường kính to nhỏ khác nhau thành vành nón.

Lá được lấy về nào có dùng luôn được, phải đem phơi khô cho trắng và đương nhiên bí quyết này do mỗi thợ thời ấy nắm giữ. Phần lá được xếp chồng lên nhau bảo quản sao cho không bị mốc. Khi mang ra làm nón, thợ sẽ lấy lá làm cho phẳng rồi xếp, cắt, khâu thành các lớp và đặt lên khuôn nón.

Với thời tiết mưa nắng nhiều, chiếc nón ba tầm cũng cần thích ứng để dùng được lâu dài. Người xưa nghĩ ra việc tận dụng bẹ tre, nứa khô để làm lớp đệm vừa giúp nón cứng lại bền.

Đây chỉ là sơ sơ một vài bước chứ thực tình, để làm ra chiếc nón ba tầm không hề dễ, phải cần đên sự khéo léo, tỉ mẩn và tâm huyết. Các lớp lá sau khi được khâu sẽ quét lớp dầu bóng để tăng độ thẩm mỹ và độ bền. Thông thường, nón ba tầm có ba lớp nên nhiều người hiểu tên nón được đặt theo cách này cũng không có gì khó hiểu.

Theo Vũ trung tùy bút, nón ba tầm vốn được cách tân từ nón ngoan xác đã thất truyền hồi cuối thế kỷ XVIII, là sự kết hợp kiểu dáng của nón dâu, viên cơ và ngoan xác.

Những chiếc nón ba tầm có lòng sâu, thành cao thường được các bà, các cô sử dụng trong dịp quan trọng. Chiếc nón ba tầm có thành thấp hơn thường được dùng hàng ngày như đi chợ, đi đồng. Cho đến những năm 1940, khi nón chóp ở xứ Trung Kỳ trở nên phổ biến, nón ba tầm dần lui vào dĩ vãng và không mấy người sử dụng.

Hình ảnh về nón ba tầm xưa

Như vậy, giữa thời hiện đại của thế kỷ XXI, được chiêm ngưỡng hình ảnh chiếc nón ba tầm - một loại nón cổ của người Việt cho thấy nét văn hóa xưa chưa bao giờ mất đi trong tâm thức của người dân. Dù thời gian trôi đi, mọi thứ có bị mài mòn, thì những gì xưa cũ của ông cha một thời vẫn được gìn giữ, bằng cách này hay cách khác.

Mời quý bạn đọc chiêm ngưỡng những hình ảnh về chiếc nón xưa được tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu, trong đó có nhiếp ảnh gia Émile Gsell chụp vào khoảng thời gian giữa thập niên 1870.

@chuyenxua.net

@chuyenxua.net

@pinterest


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại