Trước khi tiến vào hang, nhóm khoa học gia cẩn thận mặc trang bị phòng độc, bịt khẩu trang, tay đeo găng dày cộm - đại khái là che gần như kín toàn thân.
Chuẩn bị kỹ như vậy là bởi nơi họ định vào là một hang dơi. Mà việc tiếp xúc với dịch thể hoặc nước tiểu của dơi có thể khiến họ nhiễm phải những virus chết chóc bậc nhất mà chưa từng được biết tới.
Với đầy đủ trang thiết bị, các chuyên gia giăng lưới ngay lối vào của một hang động tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Họ kiên nhẫn chờ đợi tới khi Mặt trời lặn xuống, hàng ngàn con dơi ùa ra kiếm ăn, lao thẳng vào tấm lưới ấy. Họ tiến hành thu hoạch, cẩn thận gây mê cho chúng trước khi rút một ít máu dưới cánh. "Chúng tôi còn thu thập mẫu nước bọt, phân và nước tiểu nữa," - trích Peter Daszak, người đứng đầu EcoHealth Alliance - tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đi tìm virus mới để ngăn chặn đại dịch xảy ra.
Nói cách khác, Daszak có thể xem là một "thợ săn virus". 10 năm qua, ông đã đi qua 20 quốc gia, cố gắng ngăn đại dịch bùng phát bằng cách tìm kiếm mầm bệnh trong các hang dơi. Trong đó, mầm bệnh đáng chú ý nhất phải kể đến chủng virus corona.
"Chúng tôi đã thu thập hơn 15.000 mẫu nghiên cứu của dơi, từ đó xác định được hơn 500 chủng virus corona mới," - Daszak cho biết. Thành quả của ông và các đồng nghiệp có thể giúp dự đoán xem đâu sẽ là chủng virus dễ lây cho con người nhất, nhằm cảnh báo cho thế giới về những đại dịch giống như Covid-19.
Và đáng chú ý, thứ virus họ tìm ra vào năm 2013 tại một hang động của Trung Quốc hoàn toàn có thể là "tổ tiên" của Covid-19 hiện nay
Virus corona - chủng bệnh đáng sợ
Trước đại dịch SARS năm 2003, các nghiên cứu về virus corona vốn không được xem trọng. "Đó không phải là lĩnh vực hấp dẫn trong nghiên cứu y khoa," - trích lời Wang Linfa, chuyên gia virus học từ ĐH Duke-NUS Singapore. Trước lúc đó, chỉ có 2 bệnh nhân nhiễm virus corona được xác nhận, và đều từ thập niên 1960.
Năm 2009, tổ chức Predic được thành lập dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), với mục tiêu là tìm kiếm và xác định các chủng bệnh mới - bao gồm cả virus corona - trước khi chúng có khả năng lây lan cho con người. Trong vòng 10 năm hoạt động, tổ chức tìm ra 5 chủng virus corona ở người - bao gồm cả Covid-19.
Một hang dơi tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Theo Daszak nhận định, loài dơi là nguồn cơn của hơn 15.000 chủng virus corona, nhưng chỉ vài trăm là được biết tới. Hiện tại, tổ chức EcoHealth Daszak đang tập trung vào phía tây nam của Trung Quốc, tới những hang động đá vôi của tỉnh Vân Nam - nơi có quần thể dơi cực kỳ lớn.
"Chúng tôi nhắm đến Trung Quốc là bởi đó cũng là nơi bắt nguồn của SARS," - ông giải thích. "Thế rồi chúng tôi nhận ra có tới hàng trăm virus corona ở đó, nên mục tiêu chuyển thành xác định chúng."
Còn Predict, hiện tại đã hoạt động tại 31 quốc gia. Một đội săn virus khác do Viện Smithsonian hoạt động thì nhắm tới Myanmar và Kenya. Đó đều là những nơi có hệ sinh thái đa dạng, đồng thời các cộng đồng loài người sống dựa vào thiên nhiên nhiều hơn nên rất dễ để virus lây lan giữa các loài - theo nhận định của Dawn Zimmerman, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Smithsonian.
Một hang dơi (Ảnh minh họa)
Tại sao dơi lại là ổ virus?
Đông Nam Á và Trung Quốc là những nơi con người thường xuyên tiếp xúc với động vật hoang dã, thông qua buôn bán, trao đổi, giết thịt... Sau khi xét nghiệm máu của một số người sống gần hang dơi tại tỉnh Vân Nam vào năm 2015, Daszak nhận thấy 3% có các kháng thể với virus vốn chỉ xuất hiện ở dơi. Có nghĩa, họ đã tiếp xúc và đã miễn dịch thành công.
Wang Linfa cho biết, virus corona muốn lây sang người sẽ cần phải có khả năng liên kết với thụ thể tế bào, mà điều này thì cần một vật chủ trung gian. Đó có thể là cầy hương, lạc đà, tê tê... hay bất kỳ loài vật nào có thể gần với người.
Bản chất của dơi khiến chúng trở thành ổ chứa virus với số lượng cực lớn
Tuy nhiên, hầu hết các mầm bệnh nguy hiểm lại có bắt nguồn từ dơi, với một tỉ lệ lớn virus lây được sang người - như Ebola và SARS. "Nguyên nhân là bởi dơi dù biết bay những vẫn là thú. Cơ thể chúng phải phải chịu nhiều áp lực, và điều này thường khiến hệ miễn dịch bị quá tải," - Daszak giải thích.
"Để giải quyết, chúng phải tự kìm hãm hệ miễn dịch của bản thân, để rồi tự biến mình thành ổ chứa virus với liều lượng lớn." Cộng thêm tập tính sống thành bầy lớn, trong một đàn dơi hầu như con nào cũng sẽ có virus mà thôi.
Thế nào là một virus mới?
Daszak cho biết, mỗi mẫu vật thu được sẽ được gửi đến các phòng thí nghiệm đối tác trên toàn thế giới để phân tích mẫu di truyền, nhằm tìm xem liệu đó có phải virus mới. Tuy nhiên, đáp án không phải lúc nào cũng có.
"Một virus sẽ được xem là mới nếu có hơn 20% ADN khác so với các virus đang có," - Supaporn Watcharaprueksadee, chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh tại ĐH Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan) cho biết.
Nó khá phức tạp, bởi vậy mà đôi khi các chuyên gia ngỡ rằng mình đã tìm thấy virus mới, nhưng thực ra nó đã lan truyền trong cộng đồng được vài năm. Theo nhận định của Patrick Woo - chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh từ ĐH Hong Kong thì phân nửa số virus gây viêm phổi vẫn chưa được xác định. Đa số các trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh, và chẳng ai nghiên cứu sâu hơn làm gì.
Năm 2005, Woo cũng tìm ra một chủng virus mới tại 2 bệnh nhân ở Hong Kong (Trung Quốc). Ông đặt tên cho nó là HKU1. Nhưng rốt cục, hóa ra nó chính là virus trước đó đã lây lan cho một số bệnh nhân ở Mỹ, Úc và Pháp.
Một ví dụ khác về virus lây lan mạnh trước khi có ai đó nhận ra, đó là Nipah - dịch bệnh bùng phát tại Malaysia năm 1998 khiến 105 người tử vong. Nhưng theo Daszak, virus này có lẽ đã lây từ dơi sang người từ trước đó rất lâu, tại các vùng quê của Bangladesh.
'Tổ tiên' của Covid-19
Khi Covid-19 xuất hiện, Shi Zhengli - một chuyên gia tại Viện virus Vũ Hán ngay lập tức so sánh nó với dữ liệu hơn 500 chủng virus corona của EcoHealth. Kết quả: "Virus chủng mới khá tương đồng với mẫu tìm thấy trong loài dơi lá mũi tại Vân Nam vào năm 2013," - Daszak chia sẻ.
"Sự tương đồng lên tới 96,2%." Điều này có nghĩa, virus trong hang dơi ngày đó có thể là tổ tiên của Covid-19 ngày nay, hoặc là "họ hàng" rất gần. Việc biết virus mới tới từ đâu và lây lan sang người bằng cách nào là một manh mối rất quan trọng. Nó cho phép chúng ta sớm xác định được dịch bệnh, kịp thời đưa ra giải pháp ngăn chặn sự lây lan.
Theo Daszak, đối với trường hợp của Covid-19, thông tin này sẽ giúp các chuyên gia tìm hiểu xem khả năng tiến hóa virus như thế nào để có thể lây từ người sang người. Mục đích ư? Là để ngăn chặn các dịch bệnh tương tự trong tương lai. Bằng việc biết được đâu là virus có khả năng gây nguy hiểm cho con người, họ có thể thiết lập kế hoạch và giảm thiểu khả năng lây lan.
Như SARS và MERS - 2 loại virus đặc biệt nguy hiểm với khả năng lan truyền trực tiếp từ người sang người. "Chúng tôi tìm ra 50 mầm bệnh liên quan đến SARS chỉ trong 1 lần thực địa," - Daszak cho biết. Thậm chí, họ có thể tái tạo lại SARS nhờ những gì tìm được khi đó.
Và dựa vào các hiểu biết này, vaccine có thể được tạo ra, cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả.
Trước thời điểm đại dịch Covid-19 nổ ra, tương lai của tổ chức Predict trở nên thiếu ổn định. Các quỹ đầu tư đã hết hạn vào cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, đại dịch đã cho thấy vai trò của họ lớn đến mức nào, và nhờ vậy nhận được thêm 6 tháng trợ cấp kinh phí từ ĐH California, Davis.
Dù chưa thể tiếp tục nghiên cứu lâu dài, các chuyên gia của Predict vẫn có hỗ trợ xét nghiệm các ca Covid-19 tại châu Phi, châu Á và Trung Đông, nhằm giảm tải gánh nặng đại dịch tại các quốc gia ở đó.
"Chúng tôi chỉ mong sẽ sớm trở lại làm việc, để tìm hiểu chính xác Covid-19 đến từ đâu."