Chuyện về bát bún, người đàn ông kì lạ và những lòng tốt khó ngờ

Bảo Nam |

Trong một xã hội đầy rẫy những lời chỉ trích, đôi khi chúng ta quên mất việc phải sống chậm lại, tinh tế hơn để thấy rằng, ai cũng có lòng trắc ẩn và người tốt thì vẫn ở quanh chúng ta.

Chuyện 1: Ông chú vô danh vác tù và hàng tổng

Vì chút trục trặc về động cơ, chuyến đi từ Sài Gòn tới khu vực Mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) vào chiều mùng 2 Tết của gia đình tôi phải xuất phát muộn tới 3 giờ đồng hồ.

Do đã hứa với gia đình sẽ chạy đường ven biển để ngắm cảnh nên đến khi xe tới thị trấn La Gi thì trời đã tối mịt.

Đường khá vắng vẻ, bỗng dưng qua gương chiếu hậu tôi nhìn thấy một ánh đèn le lói. Đó chắc chắn là đèn pha của một chiếc xe máy đang chạy với tốc độ khá cao. Tôi nhìn gương cũng chỉ để cảnh giác chứ không chú ý gì nhiều.

Đột nhiên chiếc xe máy đó chạy sát xe tôi, liên tục ra dấu hiệu gì đó. Thú thật, giữa đồng không mông quạnh bỗng dưng gặp cảnh này, tôi không thể nghĩ gì khác ngoài những suy đoán tiêu cực.

Chuyện về bát bún, người đàn ông kì lạ và những lòng tốt khó ngờ - Ảnh 1.

Tôi tăng ga cố gắng bỏ chiếc xe máy lạ đó lại, nhưng nó không buông tha tôi và rốt cuộc màn rượt đuổi kết thúc khi chiếc xe máy vượt qua rồi chặn đầu tôi lại.

Tôi chốt cửa, mở kính. Người chạy xe máy tầm tuổi trung niên, tiến sát xe tôi nói: "Phía trước đường hư hết rồi, con nhớ chạy chậm coi chừng xe lao vào mấy cái hố. Sáng giờ mấy chiếc lao xuống rồi".

Tôi ngỡ ngàng hỏi lại: "Hóa ra chú chạy theo xe con để báo đường xấu phía trước ạ". "Chứ còn sao nữa, tưởng tui muốn làm gì". Nói xong chú quay lưng đi thẳng mà không cho tôi cơ hội nói lời cảm ơn.

Chuyện 2: Bát bún cuối ngày

Đợt trước Tết, nhận lời mời của đứa bạn trên Buôn Ma Thuột, gia đình tôi bay vào Tây Nguyên khám khá phố núi. Nhưng thay vì hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, chúng tôi quyết định xuống Pleiku trước để uống café và khám phá cả vệt Tây Nguyên.

Thuê được chiếc xe, chúng tôi chạy lên nhà thờ Kon Tum, thủy điện Ia Ly, biển Hồ Pleiku… Mãi tới chiều muộn mới xuất phát từ Pleiku chạy lên Buôn Ma Thuột. Chặng đường khá dài và do vừa đi vừa dò đường nên gần 11h khuya chúng tôi vẫn chưa tới Buôn Ma Thuột.

Cả nhà đều mệt nên ghé tạm vào một quán café ven đường nghỉ ngơi. Lũ trẻ kêu đói, tôi thì chỉ biết an ủi là tìm được quán sẽ cho chúng ăn.

Chuyện về bát bún, người đàn ông kì lạ và những lòng tốt khó ngờ - Ảnh 2.

Bỗng dưng bà chủ quán bê ra 3 tô bún, đặt lên bàn chúng tôi và nói: "Giờ khuya rồi, bà chắc chắn là khu này không còn quán nào mở cửa kinh doanh đâu, các con ăn tạm".

Hỏi ra mới biết, nhà bà là quán bán bún, nhưng đã đóng cửa từ 8h tối. 3 tô bún này bà để lại để các cháu đi chơi về ăn. Dù rất ngại, nhưng ánh mắt bà chân thành, tôi không nỡ từ chối. Tôi đề nghị được trả tiền cho 3 bát bún, nhưng bà từ chối.

"Never Accept Pay For Kindness" (Không bao giờ chấp nhận trả tiền cho lòng tốt), câu nói kinh điển của bác sỹ Howard Kelly trong câu chuyện "Một cốc sữa" vang lên trong tôi ngay lúc đó.

Tôi rối rít cảm ơn bà. Nhìn lũ trẻ con ăn ngon lành tô bún có lẽ đã là sự trả ơn lớn nhất đối với bà rồi.

Trong một xã hội mà chúng ta nghĩ rằng chẳng ai cho nhau bữa ăn miễn phí, thực tế là vẫn còn rất nhiều bữa ăn miễn phí ở xung quanh chúng ta nếu con người đối đãi với nhau bằng tấm chân tình, thay vì đặt ra các tiêu chuẩn vật chất.

Bát bún hôm đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều và hy vọng nó cũng đóng vai trò như một tiếng gọi đánh thức những góc trắc ẩn trong mỗi chúng ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại