Bà Sâm cầm máy đo ắc-quy sửa cho xe cho khách.
Bà lão hơn 50 năm "bắt bệnh" cho ô tô
Gần 3 giờ sáng, bà lão Nguyễn Thị Hồng Sâm (73 tuổi, ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) đang ngon giấc thì giật mình nghe thấy tiếng chuông điện thoại vang lên.
Từ đầu dây bên kia anh Hùng ở phố Gia Quất (Ngọc Thuỵ, Long Biên) làm nghề cho thuê loa đài, làm nhạc… thông báo xe đang đi trên đường cách nhà bà Sâm không xa thì bị chết máy. Giọng khổ chủ e dè vì sợ làm phiền bà Sâm trong đêm tối.
Nghe sơ qua những "triệu chứng" của xe, bà Sâm vội từ trên giường bật dậy phóng xe máy ra tận nơi. Với vài thao tác đơn giản của bà, chiếc xe nổ máy giòn giã và lăn bánh. Trong tình huống cấp thiết như vậy được bà Sâm trợ giúp anh thêm kính trọng, nể phục và là khách ruột của bà trong nhiều năm qua.
Với nhiều người, công việc sửa chữa ô tô chỉ dành cho phái mạnh bởi nặng nhọc, hằng ngày tiếp xúc dầu nhớt… thế nhưng công việc này lại gắn liền với bà Sâm đến nay đã hơn 50 năm. Người dân ở phố Ngọc Lâm từ lâu đã quá quen thuộc với hình ảnh bà tay cầm cờ lê, đầu đeo đèn pin, nằm gầm ô tô để sửa chữa máy móc.
Mặc dù, tuổi cao nhưng đôi chân bà Sâm vẫn nhanh nhẹn, bàn tay vặn ốc cứ thoăn thoắt chẳng khác gì đấng mày râu. Bất cứ chiếc xe nào khách đưa tới, bà Sâm chỉ cần nghe tiếng máy nổ hay nhìn bằng mắt là có thể bắt được "bệnh" cho xe đó ngay.
Bà Sâm gắn bó với công việc sửa xe đến nay đã hơn 50 năm.
Hơn 50 năm trước, khi đang là học sinh, bà Sâm được cử đi học ngành điện ô tô 4 năm với hy vọng sớm kiếm được tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Tốt nghiệp, Hồng Sâm khi đó là cô gái trẻ được phân công về Thái Bình, làm đội trưởng đội xe 10 người.
Trong đội lúc này chỉ có hai nữ chuyên sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe ôtô thuộc xí nghiệp vận tải, xe khách Thái Bình. Hồi đó, đồng nghiệp hay thắc mắc một cô gái Hà Nội sao lại xuống tỉnh làm công việc suốt ngày dầu mỡ này, Sâm chỉ bảo: "Nhà nước phân công công việc ở đâu, tôi làm đấy".
Năm năm sau, bà Sâm được điều chuyển về Hà Nội. Lúc trẻ bà nặng 45kg nhưng thường chui dưới gầm xe, hai chân chống lên để đỡ cái đề-ma-rơ (bộ phận khởi động động cơ) nặng khoảng 30kg, tay thoăn thoắt sửa máy.
"Việc này đến nam giới còn oải nhưng không hiểu sao khi đó tôi rất khỏe. Mỗi lần chỉ cần chống chân vào, ghì chặt đề-ma-rơ rồi đưa tay tháo ra sửa", bà nhớ lại.
Công việc này khiến bàn tay bà cũng nào cũng dính dầu mỡ.
Không lâu sau, bà Sâm được điều động làm việc khác. Vốn quen với dầu mỡ, động cơ, bà không chịu được cảnh chân tay nhàn hạ nên xin nghỉ hưu sớm. Về nhà, người phụ nữ mua phụ tùng, tiếp tục công việc từng học và làm suốt thời trẻ.
Tấm biển "Sửa chữa đồ điện vặt" được dựng lên trước cửa nhà khi bà đã có ba con, chồng làm công việc nghiên cứu, viết sách.
Hàng xóm xung quanh thấy bà mở tiệm ai cũng bật cười. Không ít người đặt thẳng vấn đề với bà: "Phụ nữ sao không kiếm công việc gì phù hợp. Sửa ba thứ này vừa lem nhem dầu mỡ, vừa mệt nhọc….", nghe xong bà Sâm cười. Bà bảo "Bao năm mất công học nghề giờ bỏ thì uổng sức". Chính vì thế, bà vẫn kiên quyết mở cửa.
Hàng ngày, bà búi cao tóc, mặc áo tối màu hí hoáy sửa xe máy, ô tô, đồ điện gia dụng cho dân quanh vùng. Xe tải, xe khách, xe cần cẩu... xe nào bà cũng có thể nhảy lên lái được. Nhiều lúc trên mặt đen xì, dính đầy bụi bẩn sau một hồi chui gầm ô tô sửa chữa.
Cả đời chưa từng tô son, đánh phấn
Là phụ nữ nhưng đôi tay bà Sâm cầm cờ lê, dầu mỡ còn nhiều hơn cầm phấn son. Cả đời bà lấy chồng, sinh 3 người con đến nay công việc đã ổn định nhưng chưa từng thoa son, đánh phấn, hay khoác lên người bộ váy đẹp.
Bà cười bảo: "Nghề của tôi 24/24 mặc đồ bảo hộ, thời gian đâu mà chải chuốt, kẻ vẽ. Nhỡ khách họ đến sửa chữa mình lại vướng vận".
Bao năm qua bà Sâm chưa hề tô son, đánh phấn bởi đặc thù công việc.
Bất kể ngày hay đêm, nếu khách gặp sự cố hay muốn sửa gấp, bà đều sẵn lòng. Không ít người là khách của bà đến nay đã gần 30 năm. Mấy năm nay, bà chủ yếu sửa phần máy trên (khu vực cabo) và ắc-quy, không chui gầm xe sửa nữa.
Trường hợp xe nào hỏng, cần chui gầm xe kiểm tra, bà tư vấn giúp khách, rồi hướng dẫn đưa ra gara ô tô lớn để sửa.
Tất cả các khách hàng đến tiệm sửa xe, dù là thay dầu, chỉnh điện hay thay ắc quy, bà Sâm đều xin số điện thoại của họ để chăm sóc khách hàng.
"Tôi đề số điện thoại lên cửa cũng nhằm mục đích cứu hộ cho mọi người. Tôi giúp người ta, người ta đi giúp người khác, lòng tốt nhờ vậy được nhân lên", bà Sâm bộc bạch.
Bà lão mong muốn sau này có người kế nghiệp bà duy trì công việc tại cửa hàng.
Cách đây 1 năm, chồng bà qua đời, khách hàng từ các tỉnh nghe tin, dù không về được, họ cũng tìm cách gửi vòng hoa kính viếng.
Tuổi bà Sâm giờ cũng đã già yếu hơn xưa, các con đều khuyên mẹ dừng công việc này lại để an dưỡng tuổi già nhưng bà vẫn đau đáu trong lòng vì chưa tìm được người chịu khó, thật thà, chất phác để truyền lại nghề.
Tiệm sửa xe không chỉ là nơi bà tìm niềm vui mà còn là tâm huyết cả một đời, bà muốn dạy nghề cho ai đó, để đến khi bà mất đi cũng được an yên.
"Tôi muốn có người để truyền nghề sửa chữa ô tô nhưng 3 đứa con chẳng đứa nào chịu theo. Tôi cũng buồn khi sau này không ai theo, cửa hàng đóng cửa thì cũng xót lắm", bà Sâm nói thêm.