Mấy ngày hôm nay, ngập tràn trên mặt báo và mạng xã hội là thông tin về kỳ thi vào lớp 10. Các cô cậu nhóc vị thành niên đang ráo riết chạy đua ở một trong những mốc quan trọng trong sự nghiệp đèn sách của mình (dẫu rằng ở thành phố, nhiều đứa trẻ có khi đã bước vào cuộc chiến từ những năm mẫu giáo chứ chẳng đùa).
Hình ảnh những cô bé, cậu bé dáo dác trước cổng trường thi, đứa tươi cười, đứa căng thẳng như nhắc tôi nhớ hình ảnh của mình nhiều năm trước đây, cũng điên cuồng học, điên cuồng ôn, vì chỉ sợ nếu không thi được vào trường tốt ở cấp 3, có lẽ cuộc đời sẽ xuống dốc không phanh, sẽ trở thành tội đồ của dòng họ. Và bùm, tương lai sẽ mờ mịt như những lời lúc dọa nạt, lúc nhẹ nhàng khuyên lơn của ba mẹ.
Nhưng thường, đôi mắt tôi hay dừng rất lâu ở các bức ảnh các ông bố, bà mẹ đứng chờ con trước cổng trường, bất chấp cái nắng nóng gay gắt của tháng 6. Chúng luôn khiến tôi dâng lên một niềm xúc động như thể chạm tay được về một miền ký ức xưa xa của những ngày cắp sách đến trường.
Gần 20 năm trước, khi tôi đi thi, phụ huynh cũng nườm nượp ngồi đợi trước cổng trường như vậy.
Vẫn là những ánh mắt, gương mặt đón chờ con, ngóng ngóng sau dáng con bước vào cổng, thi thoảng nhấp nhổm ngó nghiêng bên trong; vẫn là những chai nước, chiếc khăn chực chờ lau mồ hôi trên trán con, những câu hỏi về đề thi khó hay dễ, con làm được bao nhiêu %... khi lũ trẻ kết thúc bài thi; Vẫn là lời động viên "Tốt rồi, cố nốt môn sau", "Thôi khó là khó chung, chắc các bạn cũng không làm được", "Môn sau cố gắng làm tốt gỡ điểm con ạ"...
20 năm sau, những cảnh tượng tương tự vẫn lặp lại, dù xã hội đã thay đổi nhiều. Bọn trẻ con cũng chẳng còn "dại khờ" như lũ trẻ ở thế hệ chúng tôi. Dịch vụ đón đưa công nghệ cũng tiện và rẻ.
Xung quanh cổng trường bây giờ cũng đầy cửa hàng ăn uống, quán cafe. Thế nên việc phụ huynh vẫn "phải" đưa con đi thi, ngồi nắng nôi ngóng trước cổng, đi đi về về chen chúc cùng dòng người nườm nượp đã khiến nhiều người đặt câu hỏi:
Chẳng hiểu sao mấy chục năm rồi vẫn còn thế, tắc hết cả đường mà có giải quyết được cái gì đâu, vừa khổ mình vừa áp lực cho con. Thi xong mà nhỡ không làm bài được, ra cổng lại thấy bố mẹ mồ hôi mồ kê chạy nhào tới hỏi han, thật sự áp lực cho lũ trẻ.
Thi vào lớp 10, chúng 15, 16 tuổi, cũng kha khá lớn rồi, đi xe ôm hay tự đi cũng được, hoặc bố mẹ đưa đến rồi về, cùng lắm là tấp vào quán xá nào đó ngồi đợi, thế có phải đỡ khổ không? Trường hợp học sinh quên giấy tờ, bút thước hay gặp rắc rối với quần áo, phải về nhà thay cũng hiếm thôi mà.
Những câu hỏi trên hợp lý vô cùng. Nhưng có một thứ khác cũng hợp lý chẳng kém, đó là tình yêu của bố mẹ dành cho con.
Việc đưa đón con đi thi, ngồi đợi xem có biến gì xảy ra không (mà tốt nhất là không có gì), là người đầu tiên đón con khi ra khỏi trường thi ở một mốc quan trọng của cuộc đời có thể gây chút áp lực, nhưng đằng sau ấy là sự quan tâm chăm chút, là sự cố gắng có mặt nhiều nhất có thể trong cuộc đời con.
Thứ tình yêu trong trẻo vô ngần, không gợn chút toan tính ấy, người ta có thể tìm ở đâu ngoài chính bố mẹ mình chứ? Và chính những điều "vô lý", đôi khi "quá khích" trong sự thể hiện tình cảm của bố mẹ, tôi cam đoan với bạn, sẽ là thứ mà bạn nhớ nhất, thèm có lại nhất khi đã trưởng thành.
Như phần nhiều những đứa trẻ sinh ra từ vài chục năm về trước, tôi có bố mẹ là những người lao động bình thường, vất vả đổ mồ hôi, bán sức lao động để đổi lấy cơm ăn áo mặc, bút sách và những niềm vui cho con. Hồi tôi vào cấp 3, bố tôi là chủ xưởng hàn sắt một thành viên, vừa là phu khuân vác, vừa là thợ cả lành nghề, vừa là nhân viên marketing tiếp thị sản phẩm.
Trang phục quen thuộc nhất bố hay mặc là bộ đồ bảo hộ dày cộp, vải thô, vai sờn rách, thủng lỗ chỗ hàng chục nốt. Mắt bố, dù có kính bảo hộ vẫn đỏ kè, lúc nào cũng ầng ậng nước, và mặt thì lem nhem bụi sắt.
Tôi, cũng như nhiều đứa trẻ 15 tuổi hồi ấy, tự lo được chuyện đi học mà không mấy khi phải có bố mẹ đón đưa. Nhưng có một buổi xe đạp hỏng, tôi đành nhờ bố đưa đến lớp học thêm, vào thời điểm ôn thi chuẩn bị vào lớp 10. Bố chở tôi trên chiếc xe máy ông vẫn thường chở máy hàn đi công trình, có cái khung rất to phía sau đuôi.
Đôi phuộc nhún ọp ẹp kêu cót két qua từng cung đường, ì ạch lên dốc. Và đằng trước là bố tôi, bỏ dở công việc để đưa tôi đi học trong bộ đồ thủng lỗ chỗ vết hàn, nồng chua mùi mồ hôi.
Bây giờ nhớ lại, tôi nhận ra đó là bộ đồ đẹp nhất của bố, đẹp hơn cả bộ vest bố tôi mặc trong lễ đường ngày cưới con. Nhưng bạn có biết không, hôm ấy, đứa trẻ 15 tuổi là tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng.
Tôi đỏ lựng mặt ngồi tụt thật xa mà không ôm bố, không nói chuyện với bố câu nào. Đến cách nhà cô giáo 50m, tôi bảo bố dừng lại và chạy vụt đi thật nhanh, không quay đầu lại vì sợ ai đó nhìn thấy bố mình trong bộ dạng lem nhem thế kia.
Hôm tôi thi lên cấp 3, bố gọi tôi dậy thật sớm, trên người là áo sơ mi, quần âu đóng thùng. Bố đi mượn ở đâu đó cái xe máy Future còn khá mới, chở tôi gần 20km đi thi. Giữa đường, bố ghé vào hàng phở ngon nhất quận, gọi một bát tái chín đặc biệt, 2 cái trứng chần cho tôi, một bát bình thường cho bố.
Bố gắp thêm vài miếng thịt tái từ bát ông sang cho tôi, nhẹ nhàng bảo: "Con ăn đi, không thi đến trưa lại đói". Hôm ấy trời cũng nắng như hôm qua, bố tôi cũng ngồi ở cổng trường đợi tôi thi xong, với một chai nước suối ướp lạnh mà chắc ông mua ở quán cafe gần trường.
Bố tôi hôm ấy cũng nhễ nhại mồ hôi. Vẫn là cái mùi hoi nồng của vất vả, chỉ khác là trong bộ quần áo khác, chiếc xe khác, mùi mồ hôi đã gửi gắm tôi vào cuộc đời. Tôi thoảng ngửi thấy mùi tương tự từ những phụ huynh các thí sinh cùng thi với tôi.
Ai cũng mướt mải trong nắng trời tháng 6, cũng mang những vết hằn trên trán, những đường gân nổi gồ ghề trên tay, nhưng mắt ai cũng sáng lên khi thấy bóng con mình, cùng một niềm hy vọng rằng đời chúng sẽ khá hơn.
Tôi năm ấy đỗ vào hai trường xịn nhất thành phố, đều cách xa nhà 20 cây số. Ngày tôi nhập học, mẹ nói nhiều lắm, dặn dò đủ điều. Còn bố, ông chỉ nói nhõn một câu: "Thôi con cố mà học, lớn lên đi làm văn phòng cho nó nhàn hạ, không phải bán mồ hôi bán sức lấy tiền, không phải làm lao động vất vả như bố".
Thực ra, hồi ấy tôi không xấu hổ vì bố làm nghề lao động tay chân, mà tôi giận vì ông vốn là phi công quân đội, là kỹ sư cấp cao được tu nghiệp ở nước ngoài, còn được mời đi làm chuyên gia giàn khoan, mức lương 20 triệu/tháng vào những năm 90, nhưng ông không nhận, vì không muốn xa vợ con 21 ngày/tháng.
Tôi giận vì ông chọn việc trở thành chủ xưởng hàn tại gia, thu nhập cũng xoàng xĩnh mà lại đầu tắt mặt tối, chỉ để có nhiều thời gian ở bên tôi.
Bao năm trôi qua, cô nhóc 15 tuổi là tôi ngày ấy giờ đã có gia đình riêng, đã làm mẹ. Tôi, đúng như mong mỏi của bố, đã có một công việc văn phòng, sáng sáng đi làm thơm nức nước hoa, đi giày cao gót, ngồi phòng điều hòa.
Đến cuối ngày làm việc, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của mình còn chẳng rơi một giọt mồ hôi, thậm chí có người vẫn còn thoảng hương nước hoa đắt tiền, son đỏ mọng kiêu hãnh.
Chúng tôi, một thế hệ lớn lên bằng mùi mồ hôi chua nồng trên vai áo mẹ cha, được ăn học đàng hoàng với ước mơ lớn nhất là "đừng vất vả như bố mẹ". Những đứa trẻ ngày nào được bố mẹ đợi ngoài cổng trường thi tháng 6 của thế hệ chúng tôi, có người đã trở thành ông nọ bà kia, làm sếp cơ quan, có người làm nhân viên văn phòng, làm kinh doanh, nhân sự…
Chúng tôi bây giờ ít ai chọn, ít ai theo nghề lao động chân tay, có điều kiện để thoát khổ, thoát chân lấm tay bùn vì cầm cây bút ký hợp đồng, vì gõ bàn phím nhẹ nhàng hơn cầm cây cuốc, mỏ hàn, máy may…
Chúng tôi hiện đại hơn vì làm việc ở những tòa cao ốc, có khi từ sớm đến chiều muộn chẳng thấy ánh mặt trời vì đèn neon đã đủ sáng, có khi chẳng biết bên ngoài thời tiết ra sao vì điều hòa luôn ở mức tiêu chuẩn 28 độ, lại có cả bộ lọc không khí loại bỏ mùi khó chịu.
Chúng tôi, có thể nói là nhiều người đã sướng hơn thế hệ cha mẹ mình, đã vượt thoát khỏi cái nghèo, không phải trở thành một thế hệ vai áo sờn mồ hôi chua, không lặp lại lịch sử của "ngày xưa chúng tao nào có được sướng như bây giờ, ai cũng phải dậy sớm làm đồng, nếu không thì làm nhà máy, xoay xở kiếm tiền, miếng thịt bát cơm cũng phải dè sẻn, ăn hôm nay nghĩ ngày mai" như bố mẹ vẫn kể hoài trong những lần gặp gỡ.
Nhưng chúng tôi mệt mỏi theo kiểu khác, kiểu của nước hoa và máy lạnh điều hòa. Thế hệ chúng tôi ít nghĩ về cơm áo theo kiểu chạy ăn từng bữa, nhưng căng đầu vì deadline, KPI. Tay gõ phím cũng mỏi nhừ, mắt cũng nhòa đi với số liệu, phần trăm, với những tăng trưởng dự án…
Đổi lấy những vất vả bộn bề ấy, hầu hết những ông bố, bà mẹ ở thế hệ X chúng tôi cũng đều để dành quả ngọt cho con. Rất nhiều chúng tôi dùng cách đầu tư phần lớn quỹ lương của mình để cho con học trường quốc tế, nói tiếng Anh trôi chảy hơn tiếng mẹ đẻ, với ước mơ con mình sẽ trở thành công dân toàn cầu…
Dường như chúng tôi cũng đang đi lại con đường của cha mẹ mình, theo những cách hiện đại và tốn kém hơn.
Cũng như bố mẹ mình mong con được ăn học thành tài, thoát khỏi cái vất vả nắng mưa, chúng tôi cũng cố gắng mài chất xám của mình biến thành những tờ bạc nhiều màu trong ví, với khát vọng con mình sẽ được ăn đồ ngon nhất, đồ chơi xịn nhất, hưởng nền giáo dục tốt nhất trong khả năng chi trả của mình.
Tình yêu của bố mẹ dành cho con, thời nào cũng vậy, không bao giờ hoàn hảo, thậm chí đôi lúc còn hơi phiền hà một chút. Những đứa trẻ thế hệ của tôi có thể tự hào, cũng có thể xấu hổ (sự xấu hổ vừa ngây thơ vừa đáng trách) vì những vai áo nồng chua của bố mẹ, có thể thấy ngượng và phiền khi bố mẹ quan tâm hỏi han quá nhiều, có thể trách thầm rằng mình đã "bị bỏ rơi" để tự chơi, tự lớn với nhau vì bố mẹ mải miết mưu sinh
Cũng như các con chúng tôi có thể so bì sao bạn này có bộ Lego hàng chục triệu mà con thì không, có thể dỗi hờn vì nghỉ hè chẳng được chơi với bố mẹ mà lại phải đi trại hè, đi học kỹ năng sống, có thể bì tị sao có bạn cùng lớp được sang Mỹ, Canada du học mà con thì không, có thể trốn kết bạn Facebook với bố mẹ "cho khỏi phiền"...
Nhưng rồi đến một ngày, bọn trẻ con của thế hệ chúng ta, cũng sẽ như chúng ta, nhận ra rằng bố mẹ đã yêu thương mình đến nhường nào, đã cố gắng nhường nào để con được hưởng thụ điều tốt nhất có thể, trong quỹ tài chính và thời gian bố mẹ có.
Một mùa hè, mùa thi đã trôi qua. Rồi sẽ đến một ngày, lũ trẻ của tôi trở thành thiếu niên, có thể chúng sẽ ẩm ương, nổi loạn y như tôi hồi ấy, chúng sẽ thả vào tôi một vài câu nói sát thương, như những bước chân tôi chạy xa chiếc xe máy chở sắt và bộ đồ bảo hộ lỗ chỗ nốt hàn của bố.
Chúng sẽ chưa hiểu được ngay, việc bố mẹ đứng đợi ngoài trường thi nào phải để tạo áp lực gì, mà chỉ để đảm bảo con vẫn an toàn, để con thấy bố mẹ luôn ở bên.
Ông bố trèo lên xe máy để tìm con giữa đám đông. (Ảnh: Huy Hoang)
Tôi hình dung ra ngày mình cũng giống những phụ huynh đợi con thi vào cấp 3 ngày hôm qua, trong một cuộc chiến cân não và mệt mỏi của mẹ và con để bước vào ngưỡng cửa trưởng thành. Tôi thấy một mùa hoa phượng lại nở, tôi lọc cọc đôi guốc cao, dang nắng đứng ở cổng trường, trên tay là chai nước ướp lạnh như bố tôi đã làm ngày nào, đợi con thi xong bước ra.
Bởi tôi không muốn lỡ 1 phút giây nào quan trọng của cuộc đời con mình, thậm chí là giọt nước mắt con rơi nếu lỡ không làm được bài… Bởi chỉ có một lý do duy nhất: TÌNH YÊU.