Chuyện tình ly kỳ của vị trạng nguyên "giỏi toán nhất" trong sử Việt

S.T |

Cô gái nhà ở Hàng Đào vừa xinh đẹp, vừa có học thức. Song trước khi thi Hội, đã xảy ra 1 chuyện khiến Lương Thế Vinh thẳng thừng từ chối mối lương duyên này.

Xuất xứ danh hiệu "Trạng Lường"

Lương Thế Vinh (1441-1495) tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, quê ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định).

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng, rất giỏi tính toán, không sách nào không đọc, am tường nhiều việc.

Năm Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi tuyển nhân tài, Lương Thế Vinh trẩy kinh ứng thí.

Với văn phong dồi dào, ý tứ sâu sắc, kiến thức rộng rãi nên bài thi của ông được chấm cao nhất, các quan phụ trách đọc quyển thi đã đánh giá bài thi của ông là "có học thức, xứng đáng đậu đầu".

Còn vua Lê Thánh Tông khi xem bài thi của ông, phê dòng chữ khen ngợi: "Quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách, văn càng đọc càng cảm thấy thích thú", thế là Lương Thế Vinh đoạt danh hiệu Trạng nguyên, năm đó ông mới 22 tuổi.

Lương Thế Vinh làm quan đến chức Hàn lâm viện Trực học sĩ, Chưởng viện sự, Nhập thị kinh điển.

Ông có tài trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là toán học, là người đã sáng chế ra bàn tính gẩy, ban đầu làm bằng những viên bi đất có lỗ được xâu lại, sau cải tiến dần thành những đốt trúc ngắn có sẵn lỗ ở trong, cuối cùng là những viên gỗ tròn sơn màu khác nhau, vừa dễ tính toán, vừa dễ nhớ.

Chuyện tình ly kỳ của vị trạng nguyên giỏi toán nhất trong sử Việt - Ảnh 1.

Hình minh họa

Lương Thế Vinh chính là tác giả cuốn "Đại thành toán pháp" hướng dẫn cách đo đạc, tính toán chi tiết nhưng dễ hiểu bằng các câu thơ nôm, ví như cách tính diện tích hình thang là:

Tam giác cụt đầu

Diện tích tính là sao

Cạnh trên, cạnh dưới cộng vào

Đem nhân với nửa bề cao khắc thành

Có nhiều giai thoại lưu truyền về tài tính toán của ông như chuyện đo ruộng, cân voi… nên dân gian thán phục gọi ông là Trạng Lường (Trạng đo Lường).

Chuyện tình không thành với cô gái phố Hàng Đào

Tương truyền sau khi đỗ thi Hương, Lương Thế Vinh về kinh đô Thăng Long ôn luyện thêm kinh sách, chờ ngày vào thi Hội.

Nhiều cử nhân Nho học cũng tập trung rất đông, trong số những nho sinh, văn sĩ mới quen biết, có một người nhà ở Hàng Đào rất khâm phục danh tiếng của chàng thanh niên từng được mệnh danh là thần đồng làng Hương, anh tài đất Nam Sơn nên một mực mời về nhà mình.

Nhà người bạn mới này gia cảnh khá giả, anh ta có một người em gái là Thị Liệu nhan sắc xinh đẹp, được học hành chu đáo, biết làm thơ, vẽ tranh nên có ý muốn gán ghép cho bạn.

Qua đôi lần đi lại, gia đình cô gái rất ưng ý nhắm làm con rể, Thị Liệu cũng tỏ ý yêu thương thuận lòng, còn Lương Thế Vinh cũng có cảm tình với người đẹp.

Trước khi dự thi Hội, Lương Thế Vinh đến từ biệt Thị Liệu để về quê lấy thêm tiền, gạo và cũng để thưa chuyện với cha mẹ tính chuyện mai mối đám này. Khi chia tay, cô gái không nói lời khích lệ mà đưa cho chàng một bài thơ không đề viết bằng chữ Hán:

Thủ huề lợi phủ hưởng sơn lâm,

Nhất nhất tiều phu nhật nhập thâm.

Yên hạ hoành đao từ bộ chí,

Phương môn môn nội hữu tình nhân.

Nghĩa là:

Tay cầm búa sắc vượt rừng sâu,

Một gã tiều phu chẳng đợi lâu.

Lưng giắt ngang đao thong thả bước,

Cửa vuông, trong cửa đón yêu nhau.

"Cửa vuông" là cửa trường thi Hội, nói một cách hình ảnh thì vượt qua cửa này một nho sinh sẽ đỗ Tiến sĩ, trở thành "ông Nghè".

Đọc xong bài thơ, Lương Thế Vinh rất buồn, chàng hiểu ngay ý của cô gái, nàng tỏ vẻ kiêu kỳ, hóa ra tình cảm có động cơ khác, chỉ say mê mình vì danh vọng, cô muốn nếu thi đỗ thì mới có chuyện tình duyên, chứ còn không thì đừng nghĩ đến nữa…

Tình yêu toan tính đó thật khó mà bền lâu được, suy nghĩ chốc lát, Lương Thế Vinh viết một bài thơ tứ tuyệt họa lại gửi nàng:

Hà lao tâm lực nhập sơn lâm

Thế vấn xuân quang sắc thiểu thâm.

Bất dụng yên đao nguyên nhật chỉ,

Kinh sư bất thiểu hữu tình nhân.

Nghĩa là:

Cần chi vất vả tới rừng sâu,

Thử hỏi ngày xuân được bấy lâu?

Giữa hội chẳng cần đao dẫu quý

Kinh kỳ nào thiếu kẻ yêu nhau.

Qua bài thơ của mình, Lương Thế Vinh đã nói rõ quan điểm, với ông hôn nhân và tình yêu phải ở tình cảm chân thành, nếu yêu vì danh lợi thì không thể có hạnh phúc và ông đã chủ động khước từ chuyện lương duyên này.

Thế là từ đó Lương Thế Vinh không bao giờ qua lại nhà cô gái ấy nữa và rồi quên hẳn mối duyên tình đó để lo cho chuyện thi cử, chuyện quan trường và gia đình.

Nguồn sưu tầm: Cuốn "Truyện hay trong lịch sử Việt Nam", trang 108-112, NXB Hồng Đức.

Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại