Chuyện tình lặng lẽ mà ấm áp của nhà báo chuyên chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khánh Linh |

“Chuyện tình của tôi với bà ấy ấn tượng nhất là đám cưới giản dị giữa thời chiến, cô dâu vẫn mặc áo trắng, quần sa tanh đi dạy học hàng ngày, chú rể diện bộ quân phục cũ. Chỉ có bó hoa giơn trắng dành cho cô dâu cùng những lời chúc phúc của bạn bè và đồng nghiệp là khác mọi ngày”, Đại tá, nhà báo Trần Hồng nhớ lại.

Đạp xe đến các trường sư phạm để tìm hình bóng người mới gặp lần đầu

Căn phòng nhỏ mà bạn bè của ông vẫn đùa là "văn phòng của Đại tá Trần Hồng" ở phố Đường Thành, Hà Nội, vừa được bà Ngô Thị Ý - vợ ông - lau dọn giúp sạch sẽ, ngăn nắp. Nơi đây chứa đựng gần như tâm huyết, niềm đam mê cả đời của nhà báo ảnh khoác áo lính.

Những bức ảnh đặc sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông Trần Hồng là tác giả được đóng khung treo trân trọng xung quanh tường nhà. Trong các ngăn tủ cũ chứa những xấp ảnh đã in màu và đen trắng, ông dành cả đời chụp và lưu giữ về chân dung những người mẹ Việt Nam Anh hùng, những người phụ nữ đời thường… mà ông bất chợt gặp trong các chuyến đi.

Nổi bật trong số những khung ảnh được ông phóng to, treo trên tường là tấm hình đen trắng của cô gái thôn quê có gương mặt dịu dàng và nụ cười toả nắng. "Bà ấy nhà tôi hồi còn trẻ đó, tôi cũng không nhớ vì sao mình chớp được khoảnh khắc để đời của bà ấy như thế. Chỉ biết là tôi ấn tượng với đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn, dịu dàng của bà ấy ngay lần đầu gặp gỡ", ông Trần Hồng giới thiệu về người bạn đời của mình tự hào xen lẫn yêu thương.

Chuyện tình lặng lẽ mà ấm áp của nhà báo chuyên chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 1.

Tấm ảnh chụp thời trẻ của vợ chồng ông Trần Hồng - bà Ngô Thị Ý

Ngắm lại tấm hình để đời của vợ, Đại tá Trần Hồng kể: "Tôi quê gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh nhưng sau đó theo cha mẹ định cư ở huyện Hương Khê. Bà Ý quê gốc ở Bắc Ninh nhưng quê ngoại ở huyện Đức Thọ. Năm 1971, khi tôi vừa ở chiến trường thuộc đơn vị 559 về thăm quê, gặp cô ấy trên chuyến tàu cũ về thăm quê ngoại. Tôi ấn tượng với cô gái này nên chủ động hỏi chuyện làm quen và biết cô ấy đang học lớp 9. Câu chuyện xã giao ban đầu cũng không nói được nhiều, đến lúc chia tay, tôi cũng chỉ nhớ được 1 chi tiết, cô ấy nói sau này em sẽ thi vào ngành sư phạm".

Hơn 3 năm sau (năm 1974), ông Trần Hồng được biên chế về làm phóng viên ảnh ở báo Quân đội nhân dân. Trong một chiều lang thang trên phố cổ, ông bất chợt nhớ đến nụ cười trong sáng của cô gái tên Ý đã gặp ngày nọ. Vậy là ngày cuối tuần, ông mượn xe đạp của người bạn đến trường Đại học sư phạm ở Hà Nội để tìm cô gái mang tên Ngô Thị Ý. Nhưng lúc đi hào hứng bao nhiêu, ông trở về với bấy nhiêu thất vọng. Tìm mãi mà không có ai mang cái tên ông cần tìm. Nỗi buồn, hụt hẫng và cả tuyệt vọng. "Cứ như cô ấy đã biến mất khỏi cuộc đời tôi vậy", giọng ông như nhỏ lại.

Một thời gian sau, trong lần đi tác nghiệp, ông tình cờ gặp người em gái của Ngô Thị Ý. Lúc này, ông mới biết chính xác cô Ý không học Đại học Sư phạm, mà đang học Cao đẳng sư phạm 10+3 ở huyện Tân Yên (Hà Bắc) nay là tỉnh Bắc Giang.

Ngày cuối tuần, ông lại mượn xe đạp của bạn lên Bắc Giang tìm cô bạn gái ấn tượng trong lần về thăm quê ấy. Biết rõ địa chỉ, ông tìm thấy ngay cô gái mình cần gặp. Ngô Thị Ý cũng bất ngờ và e ngại khi biết ông đã tìm mình bao lâu nay. Nhìn chàng trai mặc quân phục nhà binh dạn dày nắng gió khiến cô có những rung cảm mạnh mẽ. Ngô Thị Ý bằng lòng kết nối liên lạc với Trần Hồng để đôi bên hiểu nhau hơn.

Những ngày rảnh rỗi, không thể đạp xe lên thăm bạn gái, ông dành thời gian viết thư cho cô. Những lá thư cứ thế đi - về một thời gian dài, thấu hiểu nhau. Nhưng hoàn cảnh gia đình của cả 2 đều khó khăn chính là bước cản. "Gia cảnh nhà tôi đã nghèo, vậy mà nhà cô ấy còn nghèo hơn. Đó là lý do khi biết 2 đứa hẹn hò, gia đình 2 bên đều ra sức ngắn cản, cấm đoán đủ kiểu. Nhưng có lẽ tình yêu của chúng tôi mạnh hơn tất cả, chúng tôi vẫn quyết tâm giữ chặt tay nhau. Khi cô ấy ra trường lúc 21 tuổi, một đám cưới giản dị nhưng vui nhất của chúng tôi đã chính thức buộc chặt cuộc đời 2 đứa lại với nhau", ông Trần Hồng di dỏm kể.

Dần thu hẹp khoảng cách địa lý giữa vợ chồng

Cưới xong được 3 ngày, 2 vợ chồng lại chia xa. Chú rể về nhà tập thể của Báo Quân đội để đi làm như mọi ngày, cô dâu về trường cấp 2 Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, dạy học. "Cuối tuần nào rảnh, tôi lại đạp xe lên trường thăm vợ. Vì vợ chồng xa cách, nên 2 năm sau ngày cưới, chúng tôi mới có đứa con đầu tiên", ông Trần Hồng nhớ lại.

"Nghĩ đến vợ bụng mang dạ chửa một mình ở trường, mỗi lần gặp vợ chồng tôi đều ước ao nếu được sum họp 1 nơi rồi mới sinh con là tốt nhất. May thay, vợ tôi được chuyển trường về huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Khoảng cách vợ chồng đã gần nhau hơn. Khi ấy là năm 1977, vợ tôi sinh con gái đầu lòng".

Chuyện tình lặng lẽ mà ấm áp của nhà báo chuyên chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh 2.

Ông Trần Hồng - bà Ngô Thị Ý cùng con cháu trong ngày sum họp

Dạy học ở Tiên Du một thời gian, vợ ông lại chuyển trường về huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) để thu hẹp dần khoảng cách vợ chồng. 5 năm sau, vợ chồng ông sinh con gái thứ 2.

Bà Ngô Thị Ý quyết định nghỉ dạy học để theo học trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Học xong 2 năm, bà Ngô Thị Ý được nhận về công tác tại Hội LHPN Hà Nội, làm cán bộ văn phòng. Bà chính thức rời nghiệp dạy học từ đó để làm cán bộ Hội cho đến khi nghỉ hưu.

Vợ chồng ông Hồng - bà Ý chính thức hợp nhất về một nhà để chung tay nuôi dạy 2 cô con gái nên người. Ông cho biết: "Con gái đầu của chúng tôi thi đỗ 3 trường đại học đều đạt điểm rất cao. Sau đó cháu học Đại học Kinh tế Quốc dân, khi học xong thì được trường giữ lại làm giảng viên. Con gái tôi cũng là PGS trẻ của trường, giữ được đam mê nghề giáo đến tận bây giờ".

Con gái thứ 2 của ông bà tên là Trần Ý Dịu, cái tên ngược hẳn với tính cách quyết đoán, cá tính mạnh mẽ của cô. Ban đầu, Dịu không đỗ vào trường báo chí, cô thi vào Cao đẳng Sư phạm, rồi học liên thông đại học. Vì yêu nghề báo của bố, ra trường cô thi đỗ vào Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó ở đó gần 20 năm nay.

"Nhìn lại cả chặng đường đời đã qua, vợ chồng tôi cứ chia xa, lần nào gặp cũng vội, cũng quyến luyến, nên chưa kịp nghĩ đến giận hờn bao giờ. Tôi cho rằng, bí quyết để vợ chồng bên nhau bền lâu, chính là biết tôn trọng nhau, trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau. Mất đi điều này, dù cuộc sống có dư giả đến mấy cũng chẳng thể đầm ấm, đồng cảm trái tim vợ chồng được", ông Trần Hồng chiêm nghiệm từ đời mình.

Ông lại cười rổn rảng, nửa đùa nửa thật như để tri ân người bạn đời: "Tôi vốn có sẵn bản lĩnh người lính, nhưng lại có cả máu nghệ sĩ ngấm sâu trong người, để cả đời giữ được chất chân phương như bây giờ, là dựa vào sự nhu hoà, đảm đang của người vợ gốc Quan họ như bà Ý. Bà ấy không to tiếng bao giờ, cũng chẳng phản bác những việc chồng làm, cho dù tốt hay không, mà chỉ âm thầm chăm chồng, nuôi con, vun vén mái ấm gia đình để tìm thấy bình an, ấm áp của đời mình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại