Giữa dòng sông Diêm Điền, xã Tịnh Hoà, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), ngôi nhà hình trái tim ẩn ẩn hiện hiện cùng với đàn trâu, đàn vịt lượn quanh. Tất cả là tài sản, là tình yêu của cặp vợ chồng U60 thuần nông chất phác, được nhiếp ảnh gia Alex Cao gói gọn trong một bức hình mang tên "The Buffalo Man" (Người đàn ông chăn trâu). Tác phẩm đã đạt giải Highly Commended trong cuộc thi Drone thế giới - là một trong những cảnh đẹp được các hãng thông tấn lớn đăng tải.
Ẩn sau bức tranh thơ mộng, yên bình đó là cả một câu chuyện tình đẹp khiến nhiều người mơ ước và xúc động
Nhân vật tạo nên bức tranh đó là ông Phạm Đức Quang (tên thường gọi là Đa, 58 tuổi) và vợ ông là bà Phùng Thị Thuỷ. Cả hai vợ chồng đã cùng nhau dựng nên ngôi nhà này từ 30 năm trước, kết quả của chuyện tình chàng trai chăm chỉ "trồng cây si" và cô gái xinh đẹp, lém lỉnh nhất vùng.
Ông Đa tâm sự, ngày xưa nhà nghèo, vợ ông bỏ học sớm đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. "Ngày xưa bà ấy xinh lắm, trải nghiệm sớm nên thông minh, lém lỉnh. Thế là tôi trúng tiếng sét ái tình", ông Đa lén nhìn sang vợ rồi cười ngượng.
Bức ảnh thơ mộng được tác giả chụp được trong một lần đi "săn" khoảnh khắc. Ảnh: Alex Cao
Câu chuyện đẹp trong bức ảnh đẹp
Ông Đa trong một lần đi ăn cưới bạn, vô tình ngồi cùng bàn bà Thủy. Bà Thủy bạo bạo mời rượu, trêu ghẹo ông khi thấy ông có phần rụt rè dù ông quần là áo lượt, trông bảnh bao nhất nhì hội trai trong đám. Bà còn nghĩ, ông chắc ăn chơi lắm, cũng thuộc dạng đào hoa của vùng chăng?
Thấy Thủy lém lỉnh, mạnh bạo, ông thầm "cảm nắng", rồi vượt sông hẹn hò hàng đêm. "Ngày xưa làm gì có điện thoại, nên tôi hay rủ bạn chèo thuyền sang nhà cô ấy, cách nhà tôi 2 km để ngắm rồi về. Cắm cây si vài tháng lận, nhưng cô ấy chẳng hề đoái hoài, cũng tủi tủi nhưng không bỏ cuộc", ông kể.
Về phần bà Thủy, thấy người con trai rụt rè hôm đám cưới bỗng tấn công dồn dập, gia đình bà cũng sốt ruột. Rồi cũng thấy "tốn nước chè" tiếp đón xong cũng không được kết quả gì nên bà cũng không vui.
Bà cũng lấy làm lạ khi lần sao gặp cũng thấy anh ta mặc áo dài, tay áo còn cho vào túi quần. Sau được cô bạn báo tin: "Anh Đa bị cụt tay đó, đừng nên xiêu lòng", bà mới vỡ lẽ.
Sau vài mối tình, bà Thủy mới bắt đầu để ý lại ông Đa. Bà thầm nghĩ nhận lời cho yên phận nên quyết định để nhà anh sang dạm ngõ.
Đã là ông trời sắp xếp nên duyên vợ chồng thì khó thoát. Bà Thủy kể, trên đường nhà trai sang thưa chuyện với gia đình bà thì gặp một người đàn ông. Họ nhà trai hỏi nhà bà Thủy. Ông này nói sẽ dẫn đến nơi. Đến nhà rồi, ông mới ôn tồn: "Tôi chính là cha con Thủy đây, anh đến có chuyện gì không?". Thế là hai người cha ngồi vào bàn chuyện cho hai con.
Chuyện tình của đôi vợ chồng là chủ nhân ngôi nhà đặc biệt. Ảnh: Trà Giang
Đám hỏi rồi, tưởng mọi chuyện cứ thế suôn sẻ nhưng bà Thủy lại lưỡng lự, chần chừ vì lời qua tiếng lại của hàng xóm về chiếc tay cụt của Đa. Thấy con gái khó nghĩ, người cha khuyên nhủ "Nhận lời cũng do con chứ cha mẹ không ép. Nhưng giờ trả trầu cau cũng chả sao nếu con không muốn lấy thằng Đa. Cha nghĩ, cụt tay như nó thì cuốc cày khó đấy. Nó như vậy rồi làm sao giặt giũ khi con sinh nở, làm ăn nuôi con".
Dù đã là chồng tương lai nhưng Thủy vẫn "né" Đa mỗi khi anh về… làm rể. 3 năm cù cưa như thế, sau bao lần cha mẹ Đa đề nghị cưới nhưng Thủy thì tìm cách "hoãn binh".
3 năm sau đám hỏi, cha bà Thủy đột ngột qua đời. Nhà trai đến chung tay lo hậu sự. Ông Đa thì ở lại nhiều ngày sau đám tang để động viên vợ chưa cưới. Bà Thủy biết mình đã chọn đúng người nên đám tang xong, bà dọn về nhà chồng.
Hóa ra, bà lo lắng hơi thừa, vì ông Đa có tật nhưng cũng có tài. Bà Thuỷ mang thai, đến khi bụng lớn thì ông lo cơm nước, giặt giũ "êm ru", thậm chí còn "ngon lành" hơn những người lành lặn. Ông chèo đò, đánh trâu đi cày, cuốn, chất rạ nhanh thoăn thoắt; chỉ có cắt lúa và đi cấy là ông không làm được.
Cơ nghiệp của hai vợ chồng gây dựng nên khiến nhiều người ngưỡng mộ: Gần 1ha ruộng bên kia sông, một đàn trâu chục con, một đàn vịt trời được thuần hóa và một khoảnh đất 400 m2 giữa dòng sông. "Cứ mùa hè về, ảnh chèo thuyền qua bên kia sông, một tay đào đất bỏ lên khoang rồi chèo về, đắp lên thành mảnh vườn này. Kiên trì suốt 25 năm như thế để có một "trái tim ở giữa dòng sông". Đó là một kỳ tích. Người lành lặn, để đắp một hòn đảo giữa sông như thế đã khó, huống chi là người chỉ còn một cánh tay như anh Đa.
Chăn trâu, nuôi vịt giữa lòng sông giúp đôi vợ chồng có một cơ đồ. Ảnh: Alex Cao
"Có bà ấy mới khiến tôi có động lực làm việc như vậy, thật sự không uổng công tôi trồng cây si bây nhiêu năm về trước", ông Đa cười xòa.