Hai người đã kết hôn và sống với nhau 37 năm trước khi bà Klavdia ly hôn ông Yasaburo như một sự hy sinh vĩ đại để ông có thể quay về với người vợ ở quê nhà, người mà ông nghĩ là đã qua đời từ lâu nhưng thực ra vẫn trung thành chờ đợi ông trong suốt 51 năm.
Khi Klavdia Novikova qua đời năm 2014 ở ngôi làng Progress tại vùng Amur, sự ra đi của bà hầu như không được chú ý ở Nga nhưng với người Nhật Bản, đây là một sự kiện quan trọng.
Người phụ nữ Nga này được người Nhật coi là biểu tượng cuối cùng của tình yêu và sự hy sinh khi bà Klavdia Novikova một mực cho rằng, ông Yasaburo phải trở về với người vợ đầu tiên, người đã chờ đợi ông trong suốt thời gian dài, trở về với con gái của ông cũng như nhận lại "phẩm giá" mà ông xứng đáng có được khi sống ở quê hương mình.
"Vợ anh ấy cần được ôm anh ấy một lần nữa trước khi họ qua đời. Tôi cảm thấy trái tim mình như xé làm đôi khi để anh ấy ra đi. Nhưng đây không phải là lỗi của ai cả. Đó là số phận. Điều quan trọng là anh ấy sẽ sống tốt hơn ở đó. Anh ấy đã phải chịu đựng rất nhiều và có lẽ sẽ không sống sót được ở đây", bà Klavidia cho biết trước khi bà qua đời.
Tình yêu nảy nở
Câu chuyện tình yêu đáng chú ý của hai người bắt đầu từ trước Thế chiến II, khi Yasaburo - con trai một gia đình giàu có, cùng với người vợ ở Nhật Bản là Hisako chuyển tới định cư ở Hàn Quốc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại đây, hai người đã có một người con trai và một người con gái.
Ông Yasaburo và người vợ ở Nhật Bản, bà Hisako. Ảnh: RT en español
Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào năm 1945, nhiều người Nhật đã bị vây bắt và bị cáo buộc là gián điệp. Ông Yasaburo đã bị đưa tới trại GULAG ở Magadan, vùng cực đông Siberia với mức án 10 năm tù.
Trong khi đó, bà Klavdia - người từng kết hôn và có 1 con trai, cũng bị giam giữ trong 1 thập kỷ ở vùng này, sau khi bị buộc tội "trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa". Người phụ nữ kiên cường này chia sẻ: "Tôi đã trải qua nhiều điều ở nơi giống như địa ngục này nhưng điều đó không khiến tôi gục ngã và thậm chí tôi không thốt ra bất kỳ từ ngữ tục tĩu nào. Khu trại này đã làm hỏng nhiều phụ nữ, thật đáng sợ khi nhớ về điều đó. Với tôi, điều quan trọng nhất là phải giữ được tâm hồn mình".
Khi được thả ra, bà Klavdia phát hiện ra rằng chồng bà đã bỏ rơi bà và lập gia đình mới. Khi những tù nhân Nhật Bản được thả khỏi các khu trại trên, các quan chức đã quên điền tên của ông Yasaburo vào danh sách các tù nhân được trở về nhà. Vào thời điểm đó, ông Yasaburo đinh ninh rằng vợ và các con ông đã chết, cũng như lo sợ những điều phải đối mặt ở quê nhà sau nhiều năm sống ở Liên Xô. Vì thế, ông đã trở thành một công dân Liên Xô và lấy tên là Yakov (Yasha) Ivanovich.
"Chúng tôi gặp nhau ở vùng Bryansk, nơi mà chúng tôi đều đang ở một trại tái định cư. Tôi nhìn thấy Yasha - với một khuôn mặt không phải là người Nga. Anh ấy bị áp bức, gầy gò và trong đôi mắt ấy chứa đựng sự tổn thương mà khi nhìn vào, trái tim tôi cảm thấy nhói đau", bà Klavdia kể lại.
Họ không bắt đầu một mối quan hệ ngay lập tức bởi bà Klavdia lo ngại sẽ đau khổ khi ở cùng một người đàn ông từng bị bỏ tù - dù bất công - vì tội gián điệp chống Liên Xô.
"Vào đầu những năm 1960, bạn tôi đã giục chuyển đến vùng Viễn Đông Nga, tới làng Progress và tôi đã làm vậy. Yasha viết cho tôi một bức thư và nói rằng anh ấy muốn ở bên tôi nhưng tôi đã từ chối bởi vì tôi sợ. Tôi chỉ nói với một người bạn thân rằng tôi đang trao đổi thư từ với một cựu tù binh", bà Klavdia nhớ lại.
Không nản lòng, ông Yasaburo đã vượt qua khoảng cách 6 mùi giờ của Nga để đến bên bà. Klavdia đã động lòng và họ cưới nhau, bắt đầu một cuộc hôn nhân hạnh phúc và dài lâu. Ông Yasaburo trở thành một thợ cắt tóc rồi làm nhiếp ảnh gia và hành nghề châm cứu. Họ trồng cà chua và dưa chuột, nuôi thêm một con dê và một đàn ong. Hai người sống bình dị nhưng ngập tràn hạnh phúc dù họ không có con.
"Không có người đàn ông nào giống Yasha của tôi. Những người phụ nữ trong vùng đều cảm thấy ghen tị với tôi vì anh ấy không uống rượu và hút thuốc" bà Klavdia tự hào kể lại. Hai người gắn bó với nhau đến nỗi đã cùng nhau thề rằng họ sẽ chết cùng một ngày bởi họ không thể sống thiếu nhau. Ông Yasaburo thậm chí đã mua 2 cỗ quan tài và để chúng trong nhà kho.
Bước ngoặt
Sau khi Liên Xô sụp đổ, một người đàn ông trong vùng đã kể với các đối tác làm ăn ở Nhật Bản về một người đồng hương mất tích đã lâu đang sống ở phía đông Siberia. Điều này đã dẫn đến việc anh trai của ông Yasaburo được tìm thấy và sau đó, đáng kinh ngạc hơn là việc phát hiện ra rằng vợ và con gái ông Yasaburo vẫn còn sống. Họ đã sống sót qua cuộc Chiến tranh Triều Tiên và quay lại Nhật Bản. Tuy nhiên, con trai ông Yasaburo đã qua đời ở Hàn Quốc.
Hóa ra từ trước đến nay, bà Hisako - người vợ đầu của ông Yasaburo vẫn trung thành chờ đợi ông suốt 51 năm. Quay trở về Nhật Bản từ Hàn Quốc cùng với con gái Kumiko, bà làm y tá và tiết kiệm đủ tiền để xây một căn nhà dành tặng người chồng Yasaburo mất tích của mình.
Cuộc sống của ông Yasaburo đã đảo lộn khi con gái ông và anh trai ông đến làng Progress để đoàn tụ và thuyết phục ông quay trở về Nhật Bản với người vợ vẫn chờ đợi ông bấy lâu.
Ông Yasaburo đã từ chối, đồng thời nói với bà Klavdia: "Anh không thể rời bỏ em. Em là cả thế giới của anh". Nhưng bà Klavdia đã hy sinh hạnh phúc của mình và thuyết phục ông quay về vòng tay của người vợ đã chờ đợi ông trong suốt thời gian qua. Bà cũng nói rằng, với tình trạng sức khỏe kém, ông Yasaburo sẽ được điều trị tốt hơn nếu ở Nhật Bản.
Bất chấp sự phản đối của ông Yasaburo, bà Klavdia đã sắp xếp cho ông hộ chiếu quốc tế, đổi khoản tiền tiết kiệm của họ sang USD và ly hôn với ông. Bà Klavdia cho biết, nếu bà không làm vậy, ở Nhật Bản, ông Yasaburo sẽ không đủ điều kiện để nhận lương hưu, quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế.
Bà Klavdia hôn tạm biệt người chồng yêu quý của mình. Ảnh: Vesti.ru
Vào tháng 3/1997, bà hôn tạm biệt người chồng yêu quý của mình, tưởng tượng rằng bà sẽ không bao giờ gặp ông nữa, nhưng vẫn cảm thấy đây là điều đúng đắn cần phải làm sau khi lịch sử vô tình đặt bà vào một tam giác tình yêu đầy trớ trêu.
“Cảm ơn em về mọi thứ”
Ông Yasaburo thường xuyên gửi cho bà Klavdia những món quà nhỏ từ Nhật Bản. Cứ vào thứ Bảy, ông sẽ gọi cho bà và nài nỉ bà tới thăm ông. Câu chuyện về cặp đôi này trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản. Một nhà văn đã chắp bút cho cuốn sách về bà Klavdia và câu chuyện này sau đó đã được chuyển thể thành phim. Bà Klavdia được ngưỡng mộ về hành động hy sinh dành cho người đàn ông Nhật Bản mà bà yêu thương. Những người dân ở quận Tattori, ngoại ô Tokyo đã gây quỹ cho cuộc hành trình đưa bà Klavdia tới Nhật Bản. Sau đó, khi đã hơn 80 tuổi, bà Klavdia quyết định thực hiện chuyến đi này.
Ông Yasaburo Hachiya gặp lại người vợ ở Nhật Bản của mình là bà Hisako sau 51 năm. Ảnh: Vesti.ru
Cuối cùng, hai người vợ của ông Yasaburo đã gặp nhau. Họ ôm nhau và khóc. Không cần bất kỳ phiên dịch viên nào nhưng cả hai đều hiểu những cảm xúc sâu kín trong lòng đối phương. Bà Klavdia cũng quay lại Nhật Bản trong một chuyến thăm khác, và sau khi bà Hisako qua đời, ông Yasaburo đã cầu xin bà Klavdia chuyển tới Nhật Bản. Ông thậm chí đã tính tới việc quay lại Progress cùng bà.
Tuy nhiên, bà Klavdia từ chối và nói rằng bà muốn ông hãy "sống với phẩm giá" trong những năm cuối đời ở Nhật Bản, nơi mà ông sẽ được chăm sóc y tế tốt. Bà cũng nói rằng các nhu cầu của bà rất khiêm tốn và bà nên quay về quê hương ở Nga.
Cứ vào thứ Bảy, ông sẽ gọi cho bà Klavdia và nài nỉ bà tới thăm ông. Ảnh: RT en español
Bà Klavdia qua đời vào tháng 9/2014. Không lâu sau đó, một bức thư cảm động đã được gửi tới Progress từ ông Yasuburo, nhắn gửi người vợ yêu quý của ông như thể bà vẫn còn sống.
"Klavdia, khi biết được em đã qua đời, nỗi buồn đau đã xâm chiếm trái tim anh. Anh đã cố gọi cho em ngày 20/8, ngày sinh nhật thứ 96 của anh nhưng anh đã không gọi được. 40 năm chung sống với em ở Nga, em luôn bên cạnh anh và ủng hộ anh. Cảm ơn em về mọi thứ".