Từ việc được phát hiện tình cờ trên một hòn đảo của Hy Lạp vào năm 1820 với các bộ phận bị mất, đến việc phải bí mật di tản khỏi Bảo tàng Louvre trong Thế chiến II, bức tượng Venus de Milo (Vệ Nữ thành Milo) đã có một lịch sử đầy kịch tính và không kém phần thú vị.
Thần Vệ nữ trên cánh đồng
Mặc dù chưa hoàn thiện, nhưng Venus de Milo là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tác phẩm điêu khắc không tay này được cho là có niên đại từ thời kỳ Hellenistic của Hy Lạp cổ đại, cách nay khoảng 2.200 năm, trên đảo Milos.
Năm 1820, sĩ quan Hải quân Pháp, Olivier Voutier, đã đi thuyền đến Milos, một hòn đảo ở Biển Aegean, lúc đó nằm dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman. Là một nhà khảo cổ nghiệp dư, Voutier đến đây để tìm kiếm đồ cổ và ông không ngờ đã nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời hàng ngàn năm tuổi.
Vào buổi sáng sớm ngày 8/4/1820, một nông dân tên là Yorgos Kentrotas đang đào xới trên cánh đồng của mình ở đảo Milos để tìm vật liệu trong lòng đất. Trên đảo này có nhiều tàn tích cổ bị chôn vùi, ông thường đào lấy những khối đá để xây nhà và làm tường rào.
Ở cánh đồng kế bên, Olivier Voutier và các cộng sự cũng đang tìm kiếm các đồ tạo tác cổ. Khi Kentrotas kéo lên một phần của bức tượng cẩm thạch lớn, chứ không phải khối đá xây dựng như đã nghĩ, ông kêu lên ngạc nhiên, khiến những người Pháp vội bỏ dở công việc của mình chạy đến xem. Tất cả đều sững sờ khi toàn bộ bức tượng, trừ hai cánh tay, lộ ra. Sau đó, tượng gồm nhiều mảnh to được mang lên và đặt trong chuồng nuôi cừu của Kentrotas.
Voutier, người có kiến thức về khảo cổ học, đã liên lạc với Bá tước de Marcellus, thư ký của Đại sứ Pháp tại Ottoman đề nghị nên mua lại bức tượng. Sau đó, họ trả 250 francs cho các quan chức địa phương và 750 francs khác cho Kentrotas để sở hữu tác phẩm này.
Tượng Venus de Milo cao 203cm được chế tác từ đá cẩm thạch có thể đã được sơn màu rực rỡ nhưng đã phai theo thời gian. Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy nó từng được trang trí nhiều đồ trang sức, bao gồm một chiếc vòng tay, hoa tai và băng đô.
Sự thiếu sót duy nhất của bức tượng độc đáo này là không có hai cánh tay. Có thể là do tượng bị chôn vùi qua nhiều thế kỷ, khi được khai quật thì tay đã bị vỡ vụn và không thể phục hồi.
Báu vật của Bảo tàng Louvre
Vào tháng 2/1821, Venus de Milo về đến Paris và được dâng lên vua Louis XVIII như một món quà. Ngay sau đó, nhà vua đã tặng bức tượng cho Bảo tàng Louvre.
Giám đốc bảo tàng, Bá tước de Forbin, vô cùng vui mừng về báu vật này. Ban đầu, ông tin rằng tác phẩm điêu khắc trên có niên đại từ thời kỳ Cổ điển của Hy Lạp (khoảng năm 510 đến 323 trước Công nguyên). Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Các nhà nghiên cứu sớm xác định một cái bệ đặt tượng được tìm thấy cùng với Venus de Milo có khắc dòng chữ “Alexandros, con trai của Menides, công dân của Antioch thuộc Maeander đã tạo ra bức tượng”.
Người ta biết rất ít về Alexandros, người tạo ra tác phẩm điêu khắc. Tuy nhiên, Antioch không được thành lập cho đến khoảng năm 280 TCN, nghĩa là bức tượng có thể có niên đại từ thời kỳ Hellenistic.
Thất vọng vì tượng thần Vệ Nữ không thuộc về thời kỳ Cổ điển để được trân trọng hơn, Bảo tàng Louvre đã trả tiền cho các học giả để họ viết các bài khẳng định tác phẩm điêu khắc này thuộc trường phái nghệ thuật Cổ điển Praxiteles - một sự giả dối mà bảo tàng đã duy trì trong hơn 130 năm. Trong những năm sau đó, phần bệ có khắc chữ đã mất tích càng làm tăng thêm bí ẩn xung quanh bức tượng này.
Cho đến ngày nay, các chuyên gia vẫn không chắc chắn bức tượng có ý định mô tả ai. Nhiều học giả tin rằng nó là hình tượng của Aphrodite, nữ thần tình yêu và sinh sản của Hy Lạp. Tuy nhiên, do người dân Milos cổ đại đặc biệt tôn kính nữ thần biển Amphitrite, vợ của Poseidon, nên có thể bức tượng làm ra để tôn vinh bà.
Di tản trong chiến tranh
Trong nhiều thập niên, bức tượng Venus de Milo đã yên vị tại Bảo tàng Louvre làm say đắm nhiều thế hệ khách tham quan và dần trở thành một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Nhưng vào năm 1939, mối đe dọa của Thế chiến II nhanh chóng lan đến Paris. Để bảo tồn bộ sưu tập phong phú của Bảo tàng Louvre, những người quản lý đã nghĩ ra một kế hoạch giấu bức tượng thần Vệ Nữ và các tác phẩm nghệ thuật có giá trị khác khỏi Đức Quốc xã.
Vào ngày 25/8/1939, các viên chức đã đóng cửa bảo tàng để “cải tạo”, trong khi các công nhân bí mật sắp xếp hàng nghìn tác phẩm quý giá vào các thùng gỗ và chất lên xe tải. Đoàn xe gồm khoảng 200 chiếc đã vận chuyển báu vật đến nhiều địa điểm an toàn khác nhau trên khắp nước Pháp.
Tượng Venus de Milo được chuyển đến Lâu đài de Valençay ở miền Trung nước Pháp. Bảo tàng thậm chí còn thay thế tượng bằng một bản sao thạch cao, chào đón Đức Quốc xã khi chúng đến đây vào năm 1940.
Nhờ những nỗ lực này, tượng Venus de Milo đã tồn tại để chứng kiến một ngày khác, ngày Paris được giải phóng vào năm 1944. Sau khi chiến tranh kết thúc, thần Vệ Nữ đã được trả về Louvre.
Ngày nay, bức tượng vẫn là một trong những hiện vật được trân trọng nhất của Bảo tàng Louvre, thậm chí còn được yêu thích hơn vì những khiếm khuyết của nó.
Do nhiều nhà sử học nghệ thuật bất đồng về việc cánh tay ban đầu của Venus de Milo nằm ở vị trí nào, nên bảo tàng quyết định sẽ giữ nguyên và trưng bày nó như tác phẩm còn dang dở. Hiện nay, Venus de Milo trở thành một trong những tài sản có giá trị nhất của Bảo tàng Louvre ở Paris, cùng với bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci.