Chuyến thăm "từ trái tim đến trái tim" của ông Tập cho thấy điều gì về quan hệ của TQ với người hàng xóm khó bắt nạt?

Đại sứ Tôn Sinh Thành - Xử lý đồ họa: Đỗ Linh |

Trong bối cảnh đối mặt với thương chiến và các vấn đề đối nội phức tạp, Trung Quốc không muốn bị vướng vào thêm những rắc rối, nhất là với quốc gia có tiềm lực lớn.

Trong, ngoài không yên, lãnh đạo TQ cất công đi thăm "địch thủ"

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ từ 11 - 12/10/2019 để tham dự Cuộc gặp Cấp cao Không chính thức lần thứ 2 với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cơ chế cấp cao này ra đời từ đầu năm 2018, sau vụ đối đầu giữa hai nước ở Doklam làm cho căng thẳng trên biên giới lên cao trong suốt cả năm 2017. 

Hai bên đã tiến hành Cuộc gặp Cấp cao không chính thức lần 1 tại Vũ Hán tháng 4/2018, tập trung vào các biện pháp duy trì hòa bình và yên tĩnh trên biên giới. Hai bên cũng đã quyết định tổ chức các cuộc gặp cấp cao không chính thức thường niên và luân phiên giữa hai nước.

Đây là lần thứ 2 trong kể từ năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ, nhưng chuyến thăm Ấn Độ lần này diễn trong bối cảnh tình hình bên trong và bên ngoài Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp.

Chuyến thăm từ trái tim đến trái tim của ông Tập cho thấy điều gì về quan hệ của TQ với người hàng xóm khó bắt nạt? - Ảnh 2.

Về mặt kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra nhiều thách thức, làm cho nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá sinh hoạt leo thang, nhiều xí nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng, có thể làm chậm kế hoạch thực hiện Giấc mơ Trung Hoa vào năm 2021 và Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025. (Made in China 2025).

Do vậy, Ấn Độ với một thị trường khồng lồ và cơ hội đầu tư lớn là một thay thế không nhỏ đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều vấn đề trong nước nhất là việc sinh viên và giới trí thức công khai chỉ trích ông Tập Cận Bình, cựu chiến binh cũng biểu tình, chiến dịch chống tham nhũng gây ra sự bất bình trong nhiều giới.

Việc xử lý vấn đề Hong Kong cũng cho thấy những rạn nứt trong nội bộ Trung Quốc cũng như sự suy yếu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang phải đối phó với các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương và Biển Đông. Do vậy, Trung Quốc sẽ không muốn bị vướng vào thêm những rắc rối với những nước khác, nhất là với Ấn Độ là một quốc gia có tiềm lực lớn và không ngại Trung Quốc như các nước nhỏ khác.

Mặt khác, Trung Quốc đang rất lo ngại Ấn Độ gần đây tăng cường quan hệ với Mỹ cả về mặt quốc phòng, tham gia Bộ tứ an ninh với Mỹ, Nhật, Úc và triển khai Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nên không muốn đẩy Ấn Độ đi xa hơn nữa với Mỹ, gây bất lợi cho Trung Quốc về tương quan lực lượng.

Lịch trình đan xen hé lộ chiến lược lâu dài của Trung Quốc

Ngay trước khi bay sang Ấn Độ gặp Thủ tướng Modi, Tập Cận Bình đã đón Thủ tướng Pakistan và ngay sau cuộc gặp Tập Cận Bình đã tới thăm Nepal, lần đầu tiên sau 24 năm. Những diễn biến này cho thấy hòa hoãn với Ấn Độ chỉ là sách lược, còn chiến lược lâu dài của Trung Quốc vẫn là tập hợp lực lượng để cạnh tranh với Ấn Độ.

Trung Quốc vẫn rất cứng rắn trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Sau 21 vòng đàm phán biên giới, hai bên mới chỉ đạt được cái gọi là các tiêu chí chung và những nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết khu vực lãnh thổ tranh chấp với tổng diện tích lên tới 120.000 m2. Ngay cả việc trao đổi thống nhất bản đồ cũng chưa thực hiện được, khiến người ta có lý do nghi ngờ ý đồ của Trung Quốc là kéo dài tình trạng tranh chấp treo lơ lửng trên đầu Ấn Độ nhằm gây áp lực chiến lược và tạo lợi thế mặc cả trong quan hệ với Ấn Độ.

Đồng thời, Trung Quốc ra sức gia tăng ảnh hưởng tại khu vực sân sau của Ấn Độ - Nam Á và Ấn Độ Dương. Kế hoạch Chuỗi Ngọc Trai trước đây hay Kế hoạch Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc hiện nay luôn bị Ấn Độ coi là một chiến lược nhằm bao vây, kiểm chế Ấn Độ.

Chuyến thăm từ trái tim đến trái tim của ông Tập cho thấy điều gì về quan hệ của TQ với người hàng xóm khó bắt nạt? - Ảnh 4.

Trung Quốc đặc biệt coi trọng con bài Pakistan, tìm mọi cách khoét sâu mâu thuẫn và căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ, khiến cho Ấn Độ bị hao tốn nguồn lực và suy yếu. Do vậy, việc Tập Cận Bình trước khi lên đường đi Ấn Độ đã nồng nhiệt đón tiếp Thủ tướng Pakistan và cam kết ủng hộ Pakistan trong vấn đề Kashmir là điều không có gì lạ. Hơn nữa, Pakistan đã trở thành đồng minh chính của Trung Quốc trong việc triển khai BRI. Hành lang kinh tế CPEC (China-Pakistan Economic Corridor) giữa Trung Quốc và Pakistan được coi là kiểu mẫu và trục chính trong Kế hoạch Vành đai - Con đường, cho dù hành lang này xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thâm nhập sâu vào các nước láng giềng khác của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka, Maldives. Trung Quốc đang khai thác những bất ổn nội bộ tại các nước này để thay thế ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ tại đây.

Do vậy, cũng không có gì lạ khi vừa chân ướt chân ráo rời Ấn Độ, ông Tập Cận Bình đã tới ngay Nepal cam kết viện trợ 3,5 tỷ Nhân dân tệ trong 5 năm để "nâng cao đời sống" cho nhân dân Nepal và khẳng định sớm hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Himalaya do Trung Quốc xây dựng nối Kathmandu với Kerung, Tây Tạng và chứng kiến lễ ký 18 thỏa thuận hợp tác khác với Nepal.

Chưa hết, Trung Quốc còn ra sức chèn ép không cho Ấn Độ mở rộng vị thế trên thế giới, thể hiện rõ nhất là việc ngăn cản Ấn Độ tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nhóm cung cấp hạt nhân NSG.

Do vậy, cho dù sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc ở cấp cao, Ấn Độ vẫn coi Trung Quốc là thách thức đối ngoại lớn nhất của mình.

Chuyến thăm "trái tim đến trái tim" nhưng kết quả không có gì nhiều

Tập nói ông và Thủ tướng Modi có cuộc thảo luận "từ trái tim đến trái tim" mặc dù hai bên đã không có Tuyên bố chung.

Đây là tiền lệ của cuộc gặp lần thứ nhất, nhưng thông cáo báo chí riêng của mỗi nước cho thấy kết quả của cuộc gặp lần này không có gì nhiều.

Đáng kể nhất là việc hai bên nhất trí sẽ thành lập cơ chế Đối thoại cấp bộ trưởng về kinh tế và thương mại nhằm tăng cường thương mại, nhất là nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Vấn đề mất cân bằng thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã kéo dài 15 năm.

Năm 2018, Ấn Độ vẫn còn nhập siêu tới 53 tỷ USD trong tổng thương mại hai chiều 95 tỷ USD. Cơ chế đối thoại nói trên cũng nhằm thúc đẩy đầu tư trong một số lĩnh vực thông qua việc phát triển đối tác chế tạo giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2014, Tập Cận Bình hứa đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ, nhưng cho đến nay tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ vẫn dừng lại ở mức chỉ hơn 2 tỷ USD một chút.

Chuyến thăm từ trái tim đến trái tim của ông Tập cho thấy điều gì về quan hệ của TQ với người hàng xóm khó bắt nạt? - Ảnh 6.

Về thương mại đa phương, Trung Quốc kêu gọi sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), nhưng phía Ấn Độ vẫn nhấn mạnh cần phải cân bằng giữa tự do hóa thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.

Về vấn đề biên giới, hai bên nhất trí cần phải có thêm những biện pháp xây dựng lòng tin để duy trì hòa bình và yên tĩnh trên biên giới. Trung Quốc đề nghị hai bên tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự và an ninh giữa hai nước và mời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thăm Trung Quốc.

Chuyến thăm từ trái tim đến trái tim của ông Tập cho thấy điều gì về quan hệ của TQ với người hàng xóm khó bắt nạt? - Ảnh 7.

Bài viết cùng tác giả

Hai bên cũng yêu cầu Đại diện đặc biệt mỗi bên tiếp tục cố gắng tìm ra một khuôn khổ cho một giải pháp công bằng, hợp lý và cùng chấp nhận được, trên cơ sở các Tiêu chí chính trị và nguyên tắc chỉ đạo đạt được giữa hai nước năm 2005.

Hai bên cũng đã trao đổi về vấn đề chống khủng bố và nhấn mạnh cần củng cố một khuôn khổ để ngăn chặn việc huấn luyện, tài trợ và bao che cho các nhóm khủng bố trên toàn thế giới trên cơ sở không phân biệt.

Về vấn đề khu vực hai bên đã đề cập tới vấn đề Afghanistan. Hai bên cũng nhất trí tăng cường giao lưu nhân dân và thống nhất Kế hoạch tổ chức 70 sự kiện lớn nhằm kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm tới. Bang Tamil Nadu và tỉnh Phúc Kiến sẽ thiết lập quan hệ kết nghĩa.

Hầu hết những vấn đề trên đây không có gì mới, đều đã được nêu ra trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên trước đây và không có mấy tiến triển như vấn đề mất cân bằng thương mại hay vấn đề biên giới. 

Tuy nhiên, quyết định thành lập cơ chế đối thoại kinh tế - thương mại cấp bộ trưởng cũng như các quan tâm trao đổi quốc phòng, chống khủng bố và kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao cho thấy hai bên ít nhiều cũng có chung nhu cầu giảm nghi kỵ, không để quan hệ xấu đi, không có lợi cho cả hai bên trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, Trung Quốc trong hoàn cảnh "giữa muôn trùng vây", không thể gây thù chuốc oán thêm với Ấn Độ. Còn về phần mình, Ấn Độ cũng cần một mối quan hệ hòa bình, ổn định với Trung Quốc để có môi trường thuận lợi cho tập trung phát triển kinh tế.

Cũng chính vì lẽ đó, trong cuộc gặp lần này hai bên hết sức tránh những vấn đề nhạy cảm của nhau. Trung Quốc mặc dù đã thông báo kết quả chuyến thăm vừa mới diễn ra của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, nhưng đã tránh không nêu vấn đề Kashmir trong thảo luận với Thủ tướng Modi. Trước cuộc gặp, Ấn Độ đã đánh tiếng nếu Trung Quốc không tôn trọng các vấn đề nhạy cảm của Ấn Độ thì Ấn Độ cũng sẽ không tôn trọng các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc.

Thủ tướng Modi và Chủ tịch Trung Quốc đã nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành cuộc gặp Cấp cao Không chính thức lần thứ 3 tại Trung Quốc vào năm tới, nhưng điều này cũng khó có thể làm cho tính chất hợp tác nổi trội hơn bản chất cạnh tranh trong quan hệ giứa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong thời gian tới, hai bên sẽ vẫn phải chủ yếu tập trung vào việc quản lý và kiểm soát các vấn đề bất đồng còn tồn tại rất lớn giữa hai bên, không để trở thành tranh chấp và xung đột.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại