Vịn văn mà đứng dậy
Tự dưng cái câu “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” của thi sĩ Phùng Quán thoắt trở lại…
Không gian Hội trường gác 3 mới tân trang khá bắt mắt của Trụ sở Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du chật ních các văn nhân. Nơi diễn ra buổi ra mắt sách NHỮNG KHOẢNH KHẮC SỐNG – của Lê Kiên Thành , sự kiện được coi là điểm nhấn trong mặt bằng đọc đầu năm nay.
Con trai cố TBT Lê Duẩn, TS Toán Lý Lê Kiên Thành từng có 11 năm phục vụ trong Binh chủng Phòng không- Không quân và là một doanh nhân khá thành đạt. Cuốn sách in màu, thiết kế ấn tượng, bắt mắt gồm 188 trang in. Sách gồm 2 phần TRUYỆN & TỰ SỰ. Giá không hề mềm (399.000 đồng), vậy mà khách mua tơi tới. Tác giả Lê Kiên Thành (LKT) ký tặng mỏi tay.
Cuốn sách của Lê Kiên Thành như cái duyên ông Giời xe, cái que ông Giời buộc thì Lê Kiên Thành mới gặp mới lọt vô mắt xanh. Mà mắt xanh của ai vậy? Có lẽ chưa có tác phẩm nào của một văn nhân mà được xôm tụ nhiều tranh của Thành Chương như thế? Cũng chẳng rõ phù thủy (Chữ & Tranh) Nguyễn Quang Thiều thâm giao với Lê Kiên Thành như nào mà lại nhoằng cái, lây được với Thành Chương? Thành Chương, một danh cọ chắc khừ, bỗng dưng lại đâm đắm đuối với cuốn sách của Lê Kiên Thành?
Hóa ra, Thành Chương chưa hề gặp Lê Kiên Thành. Khi Nguyễn Quang Thiều ngỏ ý nhờ Thành Chương minh họa cho cuốn sách, Thành Chương với thói quen cố hữu lơ đễnh hỏi LKT là ai? Khi biết được đó là con trai của Tổng Bí thơ Lê Duẩn, Thành Chương lắc ngay! Thành Chương vuột ra ngay với Nguyễn Quang Thiều đại để rất dị ứng với các vị COCC (con ông cháu cha) nên không có cái hứng mần minh họa!
Phù thủy làng Chùa, Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều vớt vát “Thì anh cứ thử đọc bản thảo xem sao…”
Và như Thành Chương bộc bạch.
“Tôi đã đọc với một chút sự tò mò gây ra từ ánh nhìn là lạ chiếu vào tôi từ Nguyễn Quang Thiều. Tôi chả biết họ quen biết nhau từ khi nào? Và mới đọc một phần ba cuốn sách thì đã giật thột cảm giác rằng mình sẽ vẽ. Thú thực rất lâu rồi, tôi mới lặp lại được cảm giác… đọc. Có lẽ sự chân thành của tác giả đã cuốn hút và thuyết phục được tôi”.
Tác giả LKT chỉ thiếu nước đứng hình khi Thành Chương với chất giọng rủ rỉ chỉ vào trong số 15 bức tranh minh họa kiêm phụ bản trong cuốn sách “Đây là Lệ và con của Thái (truyện Làng ven sông ). Còn đây là những người lính bị tử hình khi bắn bò dân này. À, vẽ Tiểu đội trưởng của em mới khó, vừa phải là bộ đội nhưng phải là phi công cơ!”. Lê Kiên Thành thốt lên “Trời ơi, anh Thành Chương thuộc từng nhân vật còn hơn cả tôi, thật kỳ lạ!”.
Tôi không rõ cái tên sách Khoảnh khắc … do LKT hay người/Nhà biên tập đặt nhưng hơi bị được! Khoảnh khắc … chính là chất lượng sống chứ chẳng phải đời sống dằng dặc lê thê mà người đời vẫn chỉ sự hằng sống. Nói như lời giới thiệu sách của Nguyễn Quang Thiều chính là sự tử tế đã giúp LKT tìm thấy nhựa đời tươi rói trong những trạng huống nhàm chán lê thê. Mà sự tử tế là cái bí quyết giúp LTK ngộ ra, nhận ra thứ chất lượng sống ấy!
Trở lại cái câu thơ “ngã lòng…” của Phùng Quán. Là con một Cụ Cốp, LKT lạ thế, ít khi suôn sẻ hanh thông mà nếm trải chả ít những bầm giập. Những săm soi tọc mạch cùng cách nhìn nghiệt ngã của đám bạn bè và cả thủ trưởng khi tiếp xúc với con ông Cốp đã tạo nên một áp lực vô hình khủng khiếp. Nỗi đau mất mát người thân bạn bè cùng những bi kịch hoàn cảnh mà người ngoài khó có dịp chứng kiến… LKT không hoang mang la lối hoảng loạn. Cuộc sống cùng bản lĩnh đã giúp LKT vượt thoát và đứng vững.
Hình như LKT chưa làm thơ. Nhưng cái cách “vịn” cách mượn những trạng huống văn chương để giải tỏa để cân bằng của LTK không theo cái kiểu cái cách “vồ” mà “ vịn” hơi bị tinh khéo được người đọc chấp nhận đồng tình. Và người “tố giác quảng bá” sự tinh khéo đầu tiên ấy là Nguyễn Quang Thiều và Thành Chương!
Một chuyện bên lề
Người viết bài này từng may mắn quen biết Lê Kiên Thành.
Được Lê Kiên Thành tận tình giúp, năm 2006, tôi đã được nhiều lần hầu chuyện thân mẫu của Lê Kiên Thành là bà quả phụ Bảy Vân, phu nhân TBT Lê Duẩn.
Do hoàn cảnh hoạt động đặc biệt khi đó ở Nam Bộ, ông Lê Đức Thọ và nhiều đồng chí khác đã mai mối Bảy Vân - một phụ nữ đẹp người đẹp nết làm vợ hai của ông Lê Duẩn trong khi ngoài Bắc ông Lê Duẩn đã có vợ cả. Năm 1954, đồng chí Lê Duẩn, yếu nhân của Cách mạng miền Nam được Bác Hồ đồng ý đã bí mật ở lại tiếp tục hoạt động không tập kết. Bà Bảy Vân, bụng mang dạ chửa Lê Kiên Thành bồng cô con gái đầu lòng Vũ Anh xuống tàu tập kết ra Bắc.
Bao nhiêu là khó khăn ngáng trở trùng trùng giăng mắc. Bà vợ cả ông Lê Duẩn không chấp nhận bà vợ hai Bảy Vân gây bao sóng gió mâu thuẫn. Khi ông Lê Duẩn trở ra Bắc, nhiều ý kiến đề nghị ông ly dị với bà Bảy Vân. Nhưng Lê Duẩn kiên quyết không đồng ý và quyết bảo vệ tình yêu của mình đến cùng. Ông chủ động tạo điều kiện cho bà Bảy Vân tiếp tục công tác (đi học nước ngoài, làm Báo Phụ nữ Việt Nam, Phó TBT báo Hải Phòng…). Về phần bà đã khắc phục chịu đựng bao khó khăn gian nan nuôi dạy 3 con nhỏ và tham gia công tác chu toàn. Bản thân TBT Lê Duẩn cũng dành nhiều thời gian tìm nhiều cách để hàn gắn giữ gìn hạnh phúc của hai gia đình bé nhỏ ấy. Nhưng sau nhiều lần cố gắng tình hình cũng chả cải thiện được bao nhiêu. Bà Bảy Vân để lại 3 đứa con nhỏ, bí mật lên một con tàu không số trở vào Nam hoạt động.
Gần hai tuần đi về tiếp cận chuyện trò với nhân vật đặc biệt này, tôi biết mình đã quá tải. Phải là một tay viết như nào mới đủ sức gánh một nhân một đề tài “khủng” như này!
Vậy nên Báo Tiền Phong Chủ Nhật năm 2007 chỉ đăng mười mấy kỳ với cái tên “ Chuyện người vợ miền Nam của cố TBT Lê Duẩn ”.
Được bà Bảy Vân cho phép, tôi đã lần lượt tiếp cận được với những tư liệu cần thiết. Trong đó có những trang nhật ký thật gan ruột.
Trích nhật ký.
… Có đêm chúng tôi đang nằm bên nhau đùa giỡn với bé Thành thì có người về đập cửa rầm rầm khóc la ầm ĩ... Anh khuyên tôi "Thôi em tạm lánh đi cho yên''. Không biết đi đâu, tôi đến nhà chị Bảy Huệ ở đường Nguyễn Biểu (lúc đó anh Mười Cúc đang ở miền Nam). Thấy tôi ngồi ủ rũ đến nửa đêm, chị Bảy hỏi han rồi động lòng, chị dắt tôi trở lại số 6 Hoàng Diệu. Người đến đập cửa đã đi. Anh Ba thấy chị Bảy Huệ đưa tôi về, anh mừng mắt sáng rỡ...
Ngày 25-12-1960
Anh thương em, thương em nhiều lắm. Em đừng thấy một vài biểu hiện bên ngoài hoặc một vài điều gì không may, không hay xảy ra mà sinh những ý nghĩ có thể hiểu lầm anh. Vì một lần hiểu lầm như vậy có thể tổn thương một ít tình yêu của anh với em. Mà tình yêu cũng giống như mọi của cải quý giá khác của con người cần phải bồi dưỡng và xúc tích luôn luôn. Chúng ta phải tìm đủ mọi cách để xây đắp ngày càng lớn càng sâu tình yêu của chúng ta. Hạnh phúc là tình yêu là tấm lòng thiết tha thương nhau, chết sống không bao giờ và không thể bỏ nhau. Đến một lúc thì tình yêu không phải là hạnh phúc vật chất và vật chất cũng không phải là cơ sở nữa mà chính là tấm lòng yêu nhau quý nhau, hiểu biết chân tình ý nghĩ đầy đủ của nhau.
Anh muốn anh với em sẽ hưởng đầy đủ về hạnh phúc trong cuộc đời tình cảm và tinh thần. Tình cảm yêu thương đằm thắm sâu xa với em, giữa chúng ta và các con, giữa chúng ta trong sự nghiệp cách mạng cùng nhau sống chết và để lại những kỷ niệm với đời là các con và sự nghiệp chúng ta dính chặt làm một!
Em ạ, tình thương giải quyết tất cả. Em thương anh thì em có thể giải quyết tất cả những khó khăn trở ngại. Em không bao giờ trách các con, không phải vì nó dại mà là vì em thương chúng nó nhiều. Em cũng phải thương anh như thương các con. Lòng thương có thể xóa tất cả. Nó rất dũng cảm. Lòng thương phải không đáy vì bao nhiêu chứa vẫn không vừa. Lòng thương là duy nhất trong sáng như tấm gương và không có gì êm ái nhẹ nhàng ấm áp bằng tình thương của mẹ thương con, của vợ thương chồng.
Người đàn bà là một linh hồn để xoa dịu những nỗi khổ đau của con người.
Em phải là người đàn bà ấy.
Người đàn bà là bài thơ là bản nhạc hay. Một bông hoa đẹp thơm tho, một luồng gió mát. Người đàn bà là người có hằng hà sa số tình thương, là người bạn tốt nhất đẹp nhất của người chồng. Em phải là người đàn bà ấy. Em tin ở anh. Anh tin ở em. Chúng ta yêu nhau nên tin nhau. Em cố gắng lên. Anh rất vui sướng thấy em hiểu anh nhiều, thương anh nhiều.
…
Năm 1964.
... Tôi nghĩ đã chín. Một lần gặp, tôi nói với anh:
- Hay là để em trở vào miền Nam chiến đấu. Tuy xa nhau nhưng chúng ta vẫn chung một sự nghiệp, coi như chúng ta vẫn gần nhau.
Anh suy nghĩ giờ lâu và đồng ý.
Tôi nói "Thôi cuộc đời chúng mình đã như vậy rồi. Chúng mình lấy lý tưởng sự nghiệp làm chính, như vậy chúng ta vẫn gần nhau''.
Anh nằm nước mắt chảy dài. Anh nói: "Anh mong em phấn đấu trở thành anh hùng''. Thành và Trung còn nhỏ. Tôi chuẩn bị đi không cho chúng nó biết. Hai anh em nó dắt tay nhau đến nhà tôi đang ở là Bà Huyện Thanh Quan thay nhau dòm qua cái lỗ khóa nói với nhau: "Thử coi mẹ mình còn ở đây không?'' Ai cản cũng không được. Tôi đứng khuất một mé bên trong biết thằng út đang sốt 39 độ, tôi thương con đứt ruột mà không dám mở cửa. Nếu cửa mở òa ra khó bề mà tôi đi nổi!
... Khi xe đến đón, tôi cúi xuống hôn anh và Vũ Anh. Hai tay con gái run bần bật trong tay tôi. Trời ơi chắc nó có biết bao điều cần nói với mẹ nhưng không kịp. Thấy anh nằm nhắm mắt tự kiềm chế nhưng nước mắt cứ giàn ra. Tôi dặn anh Khai: "Khi nào anh Ba về thì anh hãy về. Đừng để anh ấy một mình...''. Anh Khai ôm tôi hôn và anh cũng khóc. Bỏ 3 đứa con lại ra đi, tôi như cầm dao cắt rời 3 khúc ruột của mình.
Vượt thoát sự kiện
Dịp ấy báo Tiền Phong có mời nhà phê bình Vương Trí Nhàn làm giám khảo cuộc thi Phóng sự. Thời gian làm việc với nhau cũng lâu nhưng có một lúc ông đã giải mã về sức hút của thể loại hồi ký tự truyện đại loại như này:
Ở các nước trên thế giới hiện nay chung quanh các nhân vật quan trọng – các VIP - bao gồm từ các chính khách các nghệ sĩ lớn, các cầu thủ bóng đá, luôn luôn có những người đi kèm để viết tiểu sử của họ.
Nếu cắt riêng các đoạn viết về từng người, rồi gộp lại, và bổ sung như thế nào đó làm nên một chỉnh thể hợp lý, ta sẽ có một cuốn sách riêng, với giá trị riêng.
Nhưng ở ta, tình hình có khác? Các VIP càng ngày càng sống trong bí mật không muốn ai biết về cuộc sống riêng của mình?
Mà cánh nhà báo nhà văn (nếu có) được phân công đưa tin về các vị ấy thì không hiểu sao toàn chỉ sản xuất ra những bài báo, tầm thường vô cảm.
…Đã nhiều lắm những đồn thổi những chuyện bên lề những tò mò thóc mách về hoàn cảnh riêng khá đặc biệt và cũng éo le của TBT Lê Duẩn.
Tôi đang nghĩ đến một cơ may hy hữu là con trai của TBT Lê Duẩn. Anh từng ra đụng vào chạm, từng chứng kiến cuộc sống gia đình có một người cha làm lớn. Hơn thế, Lê Kiên Thành từng tiềm ẩn một năng khiếu gần như viết lách. Nhưng trong Những khoảnh khắc sống Lê Kiên Thành chỉ lược, chỉ điểm ra hai hoàn cảnh, hai trạng huống về hai người vợ của TBT. Người vợ cả và người vợ hai - mẹ đẻ của mình. Có lẽ là những dòng những trang khó viết nhất trong phần Tự sự ngoài phần Truyện của Lê Kiên Thành. Anh đã điểm, đã lược nói tóm lại đã viết rất khéo hai trường hợp điển hình độc đáo và khá đạt ( Hai người mẹ - trang 146) với chức phận tử tế một người con trai, người đàn ông nước Việt!
Lê Kiên Thành đã vượt thoát những phút ngã lòng như trên từng đề cập. Và chỉ có sự tử tế thành thực mới cấu thành nên những con chữ, những trang viết rất khó nói, khó viết ấy? Lê Kiên Thành không chiều mỵ những tò mò vô lối. Không lạc bước sa đà vào trận đồ bát quái của lòng người thói đời. Cũng không học thói phù thủy những giấu giếm che đậy.