LTS: Hôm qua (23/9), câu chuyện về hành trình 15 năm cùng con chiến đấu với căn bệnh hiếm gặp của nghệ sĩ Quốc Tuấn trong chương trình "Điều ước thứ 7" đã làm xúc động trái tim hàng triệu trái tim khán giả.
Trong suốt chương trình, dù phải liên tục kìm nén sự xúc động của mình để ngăn nước mắt không tiếp tục rơi ra, nhưng người cha vĩ đại đó vẫn cố kể lại câu chuyện một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh nhất.
Điều đặc biệt, anh không một lời kể công, cũng không một lần kêu than. Có lẽ với Quốc Tuấn, "mọi thứ qua rồi nhỉ, vậy thôi", một cách an nhiên và tràn đầy lạc quan như thế.
Thế nhưng, để nói ra được những lời đó một cách nhẹ nhàng đến vậy, Quốc Tuấn đã phải chịu đựng tận cùng của sự vất vả suốt 15 năm qua.
Và một phần của nỗi cơ cực đó đã được Nhà báo Dũ Cát - một người từng gặp, từng viết rất nhiều về anh, kể lại trong bài viết dưới đây:
Những chuyến "xuất ngoại" chữa bệnh buồn đến rồ người
Gặp anh cách đây hơn 1 năm, khi Bôm mà nói đúng hơn là cả hai cha con anh vừa trải qua ca phẫu thuật thứ 10 để kéo hàm cho Bôm.
Ngôi nhà anh nằm ở tầng 12 một khu chung cư, quan trọng đó là ngôi nhà mà cha con anh có được sau thời gian dài đi thuê.
Trước đó, gia đình anh thuê một căn nhà ở khu nội đô, nhưng có dạo mẹ anh bị đột quỵ, tưởng không qua khỏi, anh quyết phải mua được một chỗ làm nhà để nhỡ may, mẹ có ra đi thì có nơi hương khói. Cũng may, mẹ anh qua được vận hạn đó.
Khi gặp anh, Bôm vừa phẫu thuật xong, phải đeo cả bộ khung với những con vít nhọn cắm thẳng vào hộp sọ. Thực sự nhìn Bôm, không hiểu sức mạnh kỳ diệu nào đã giúp em có thể chịu đựng những cơn đau mà chỉ cần hình dung thôi đã thấy rất khủng khiếp rồi.
Anh thì loanh quanh không dám đi đâu ra khỏi nhà, chỉ trông chừng và nhắc nhở Bôm đi lại cẩn thận, vì chỉ cần một chút sơ ý, cái khung sắt đang cắm trên đầu Bôm mà va nhẹ vào đâu thì vỡ xương, rất nguy hiểm.
Anh bảo ở nhà vài hôm mà bí bách quá thì phóng xe ra phố một lúc cho thoáng rồi về. Bôm thì loanh quanh bên cây đàn, thỉnh thoảng lại gọi trêu "anh Tuấn ơi" rồi hỏi xem có thể cho "em" cái này, cái kia không. Anh thì ngượng nghịu cười: "Láo ghê".
Ca phẫu thuật của Bôm khi đó là phẫu thuật kéo hàm. Trước đó 2 năm, anh từng đưa Bôm sang Hàn Quốc thực hiện ca phẫu thuật này nhưng thất bại. Lần này, Viện Nhi Trung ương phối hợp với các giáo sư chuyên ngành nước ngoài thực hiện theo công nghệ của Mỹ.
Bôm có thể nói là bệnh nhi đầu tiên thực hiện phẫu thuật kéo hàm theo công nghệ này tại Việt Nam.
Dù chỉ phải đóng tiền viện phí nhưng anh vẫn thấp thỏm lo vì ở nước ngoài, môi trường tốt hơn nên khả năng nhiễm trùng thấp.
Có điều, để đi đến quyết định cho Bôm thực hiện ca phẫu thuật này, anh đã phải đấu tranh với vợ, vì mẹ Bôm sợ rủi ro khi ca phẫu thuật tương tự trước đó của Bôm đã từng một lần thất bại.
Anh là người chịu áp lực lớn nhất từ ca phẫu thuật này vì nêu không thành công, vừa thương con lại vừa bị mọi người trách. Lạy giời, mọi thứ suôn sẻ.
Có lúc Bôm phải đeo trên đầu một cái khung sắt to, cồng kềnh. Vừa đau đớn, vừa vướng víu.
Anh không nói gì về cuộc sống riêng. Từ lúc có Bôm, anh chỉ tâm niệm một điều, con cái thì không bao giờ bỏ được, phàm đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm. Và vì anh nghĩ, với con cái mà không tử tế thì không thể nào tử tế với ai.
Với anh thì việc quanh quẩn ở nhà vài tháng vẫn còn là sướng chán. Bởi những lần trước đưa Bôm ra nước ngoài chữa trị còn khổ hơn. Như lần anh đưa Bôm sang Hàn suốt 6 tháng để phẫu thuật, hai bố con chỉ quanh quẩn trong phòng, bật tivi thì toàn tiếng Hàn, xem không hiểu nên buồn đến rồ người.
Chán quá, hai bố con lại gọi taxi hay đi tàu điện ngầm ra siêu thị xem, đến mức nhân viên siêu thị còn nhẵn mặt.
Rồi lần anh đưa Bôm sang Úc cũng để phẫu thuật, anh ăn mấy món KFC triền miên, vừa rẻ, vừa nhanh lại vừa no lâu. Nhưng ăn riết, anh phát sợ, có lần đành thử gọi hộp cơm chiên ăn, đắt hơn một tý mà chỉ vài tiếng sau đã đói vàng mặt.
Bôm không nhai được cơm mà chỉ ăn được cháo, nói đúng ra là cơm trộn với thức ăn rồi xay nhuyễn. Ngày ba bữa, ba bát cơm xay nhuyễn cất trong tủ lạnh, mỗi bữa một khẩu phần ăn khác nhau, tựu chung là phải đảm bảo đầy đủ chất cho Bôm.
Trước mỗi khi ăn, anh hoặc cô cháu giúp việc lại lấy từ trong tủ lạnh ra quay lò vi sóng. Vừa hay đến bữa ăn, anh gọi Bôm ra bàn ngồi, Bôm thấy người lạ thì ngại không dám đến gần, nhưng vẫn nhìn len lén. Anh bảo: "Cô là bạn bố, không phải xấu hổ nhé".
Khách thì vừa cười vừa trêu vừa vuốt nhẹ tay Bôm: "Bạn anh Tuấn cũng là bạn Bôm nhé, chúng mình là bạn, không phải ngại nhé Bôm". Lúc này, Bôm mới bẽn lẽn ngồi vào bàn xúc ăn.
Bôm không cầm được thìa dễ dàng như những đứa trẻ bình thường, nhưng xúc ăn rất khéo và gọn. Anh thì chăm chú nhìn Bôm ăn, chốc chốc lại lấy giấy lau mồm cho Bôm.
Nhờ sự cố chấp mà dắt tay con qua hàng chục cuộc phẫu thuật
Quốc Tuấn bảo, anh không bao giờ quên cảm giác mỗi khi phải đứng trước cửa phòng phẫu thuật. Rất kinh khủng dù với Bôm, đó chỉ là ca phẫu thuật nhỏ như cái móng tay. Anh bảo, xưa anh là người lì lợm, rất ít khóc nhưng từ ngày có Bôm, anh hay tủi thân và rất dễ xúc động.
Thật ra sau khi chào đời, tên ở nhà của Bôm là Tôm, nhưng vì Bôm không nói được vần này, nên toàn bảo "Bôm, Bôm..". Anh bảo mọi người gọi luôn là Bôm vì đấy là tên con tự chọn cho mình. Còn tên thật của Bôm là Nguyễn Anh Tuấn.
Anh đặt tên con trùng với tên mình mà chẳng ngại ngần hay kiêng kị gì. Đơn giản vì anh nghĩ, về mặt tâm linh, đặt thế để có bao nhiêu đen đủi, thậm chí là bệnh tật và bất hạnh, anh "đỡ" cho con.
Vậy nhưng anh vẫn buồn vì nhiều cái không đỡ được cho Bôm, ví như những đau đớn mà Bôm phải trải qua khi phẫu thuật. Khi ấy, anh chỉ biết rơi nước mắt nhìn con.
Chưa hết, anh đặt thế vì đi học bạn bè hay có trò lôi tên bố mẹ nhau ra trêu, nên sau này nếu có bị ai lôi tên anh ra trêu thì Bôm không phải cáu, vì đấy cũng là tên của Bôm.
Bôm đánh đàn chất và nghệ lắm. Mỗi ngày Bôm có thể chơi đàn liên tục vài tiếng đồng hồ nếu như anh không nhắc nghỉ. Mà không chỉ chơi đàn nghệ sĩ, Bôm còn có khả năng thuộc và chế nhạc rất cừ.
Anh kể, có lần hai bố con ra chợ, gặp một ông bị tâm thần cứ nghêu ngao hát linh tinh. Ấy thế mà về đến nhà, Bôm chơi một bản nhạc. Anh nghe thấy quen quen, sau thì nhận ra đó là giai điệu của bài hát linh tinh kia.
Quốc Tuấn thừa nhận, có nhiều việc anh bướng bỉnh đến mức cố chấp. Nhưng có lẽ nhờ sự cố chấp đó mà anh đã nắm tay con đi qua hơn chục ca phẫu thuật.
Còn một vài ca nữa trước mắt nhưng anh sẽ đi cùng Bôm đến cùng, để Bôm thực sự được là một người bình thường.
Giọt nước mắt xúc động của Quốc Tuấn khi nhìn thấy con trai đang biểu diễn trên sân khấu, thực hiện ước mơ của mình
Anh vẫn nhớ khi sinh Bôm ra, y tá bế Bôm ra khỏi phòng, anh đã có linh tính gì không ổn. Rồi khi bác sĩ nói Bôm bị như thế này thì "nuôi báo cô" cả đời, anh đã nổi khùng và mời vị bác sĩ đó ra khỏi phòng. Anh nói trong tức tưởi: "Con tôi chẳng làm sao cả, tôi sẽ giúp con tôi sống bình thường".
Giờ anh và Bôm đã đi thêm được một chặng đường nữa. Bôm đã thi đỗ và là học sinh của Nhạc viện Hà Nội. Tôi tin, Bôm đã thi đỗ bằng chính tài năng và nghị lực của cậu bé.
Bôm từng ao ước một ngày nào đó được đứng trên sân khấu, mặc áo vest có cài nơ, chơi đàn và được mọi người vỗ tay, tặng hoa. Ao ước đó của Bôm vừa được thực hiện trong chương trình "Điều ước thứ Bảy".
Bôm tự tin bước ra sân khấu, mặc áo vest cài nơ, dõng dạc gọi bố: "Anh Tuấn ơi…Anh thấy em mặc bộ này có đẹp không?...Em đùa tý thôi…Anh Tuấn đừng căng thẳng quá nhé…Em sẽ chơi nhạc thật phiêu để anh Tuấn thích luôn…Và em sẽ tặng bản nhạc mà anh Tuấn yêu thích…Em rất cảm ơn anh vì được lên sân khấu…Em rất cảm ơn anh vì anh đã động viên….".
Anh ngồi dưới lấy tay lau nước mắt rồi ra hiệu để Bôm ngồi vào đàn. Cậu bé vẫn như mọi lần, ngoan ngoãn nghe theo. Tôi bật khóc. Và tôi tin, nhiều người cũng khóc.
Cảm ơn anh, cảm ơn tấm lòng vĩ đại của một người cha!