Chỉ sau 1 năm, T&T đã mở rộng mạng lưới với 500 đại lý trên khắp các tỉnh phía Bắc từ Hà Nội tỏa đi Việt Trì, Sơn La, Vinh... Với vai trò là doanh nghiệp phân phối độc quyền của Matsushita, danh mục hàng hóa bao gồm hơn 10.000 sản phẩm, T&T đã mang tới người tiêu dùng từ viên pin tiểu tới chiếc tủ lạnh của thương hiệu hàng đầu Nhật Bản.
Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, có thể tự hào khẳng định, khi đó T&T đã đạt tới vị thế số 1 toàn miền Bắc về điện tử điện lạnh.
Tuy nhiên, đến cuối 1995, T&T lâm vào thời kỳ khủng hoảng vì nạn nhập lậu sản phẩm điện tử. Hàng hoá bị tồn kho do hàng trốn thuế của đối thủ cạnh tranh trong Sài Gòn bán với giá rẻ.
Phía đối tác Nhật đã gợi ý T&T nhập lại hàng từ đối thủ cạnh tranh để giảm áp lực thuế nhập khẩu hàng điện tử điện lạnh khi đó là 60%. Nhưng sau 1 đêm suy nghĩ, nghĩ về xuất thân của mình trong 1 gia đình có truyền thống, nền nếp và gia phong nên ông Hiển đã quyết định từ chối lời đề nghị.
Ông Hiển kể lại "Lúc ấy nợ nần, áp lực kinh khủng. Đã có lần bên báo Đầu Tư lên bài về tôi và gọi tôi là "Chúa Chổm" với gánh nặng nợ thuế lên đến 7 tỷ đồng khi đó."
Ông cho biết thêm "Cũng có những người anh em bạn bè chủ động tìm tới để cho vay tiền trả nợ thuế. Nhưng bản thân tôi đã có suy nghĩ "bây giờ mình chỉ nợ có duy nhất cơ quan thuế nhà nước thôi chứ không nợ bất cứ ai. Không được phép lấy cái sai này để chữa cái sai khác" bởi vậy mà đã từ chối thành ý của mọi người."
Giai đoạn khó khăn này, đã có lúc ông Hiển gọi nhân viên tới và bảo sẽ tạo điều kiện cho họ nghỉ việc để đi tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở những công ty khác. Nhân viên T&T khi đó đi xin việc ở các nơi khác đều được nhận và được trả mức lương rất cao.
Sau đó, ông Hiển từ từ gỡ từng nút thắt và tới năm 1998 ông đã hoàn thành xong nghĩa vụ thuế với nhà nước.