Chuyện những ông vua chạm mặt trộm, cướp

Nguyễn Thanh Điệp |

Trong lịch sử phong kiến nước Việt, một số vị vua từng gặp trộm, cướp vào ban đêm và được chính sử ghi chép, để lại những câu chuyện 'dở khóc, dở cười'.

Vua bị trộm mất ấn tín

Trần Dụ Tông (1336 - 1369) là con thứ 10 của Trần Minh Tông, vua thứ 7 của triều Trần, có tên húy là Trần Hạo, trị vì 28 năm. Khi mới 5 tuổi, Trần Hạo được lập lên kế vị, 6 tuổi làm vua.

Trong giai đoạn đầu làm vua, nhờ có Thượng hoàng Trần Minh Tông kèm cặp, Trần Dụ Tông tỏ ra là ông vua tài giỏi, thông tuệ, làm được nhiều việc có ích cho đất nước nhưng sau càng lười nhác chính sự, chỉ thích ăn chơi hưởng lạc, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đây.

Thói ăn chơi của vua Trần Dụ Tông đã được tất cả các bộ chính sử ghi chép lại. Như chuyện vua suýt chết đuối, chuyện vua cho đào hồ trong kinh thành rồi bắt dân chở nước từ biển đổ vào nuôi cá… Bi hài nhất là chuyện vua đi chơi đêm bị cướp mất ấn tín, gươm báu.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép “vào một đêm mùa Hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1366), vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở, đến canh ba mới về. Khi về đến sông Chữ Gia (khúc sông ở bãi Chử Xá, Khoái Châu, Hưng Yên), bị trộm mất ấn tín và gươm báu. Vua tự biết không thể sống lâu, càng chơi bời quá độ”.

Chính sử thời Nguyễn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng chép câu chuyện tương tự “nhà vua đi chiếc thuyền nhỏ, đêm đến chơi nhà riêng của Thiếu úy Trần Ngô Lang, nửa đêm đi về, khi đến bãi Chử Gia, bị kẻ trộm lấy mất cả ấn báu và gươm báu. Tự biết là điềm chẳng lành, nhà vua lại càng buông thả ăn chơi dâm dật”.

Theo các nhà sử học, chuyện một ông vua đi chơi bị trộm mất ấn tín, gươm báu là chuyện hi hữu, độc nhất vô nhị trong lịch sử. Về sau, sử cũ chép việc vua Trần Dụ Tông bị trộm thực chất là tránh đi chuyện vua đi chơi gặp phải cướp chặn đường, lấy mất cả ấn lẫn gươm.

Vậy nên, khi viết về sự kiện này, sách “Việt sử địa dư” của Phan Đình Phùng đã chép thẳng sự thật “Trần Dụ Tông niên hiệu Đại Trị năm thứ 9 (1366), vua đi chơi hương Mễ Sở, khi trở về đến bãi Chử Gia bị cướp, mất cả ấn báu và gươm báu”.

Vua bị đá ném vỡ đầu

Trần Anh Tông (1276 - 1320) được biết đến là một trong những ông vua anh minh của triều Trần, được sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, ca ngợi là “vua khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ, đáng khen”.

Tuy vậy, khi còn trẻ, mới lên ngôi, vua cũng thích ăn chơi, ham uống rượu, có lần suýt bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông phế ngôi, may có Đoàn Nhữ Hài thay vua làm biểu tạ tội mới được tha cho. Bàn về việc này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép:

“Bấy giờ, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về kinh sư, quan trong triều không ai biết cả. Vua uống rượu xương bồ say quá. Thượng hoàng đi thong thả xem khắp các cung điện, từ giờ Thìn tới giờ Tỵ.

Người trong cung dâng cơm, Thượng hoàng không thấy vua, ngạc nhiên hỏi: Quan gia (tức nhà vua) đâu? Cung nhân vào cung nội đánh thức nhưng vua không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, trở về Thiên Trường ngay, xuống chiếu cho các quan ngày mai đều phải đến họp ở phủ Thiên Trường để điểm mục, ai trái thì xử tội”.

Đến giờ Mùi vua mới tỉnh, cung nhân đem chuyện ấy lên tâu. Vua sợ quá, đi rảo bước ra ngoài sân… qua chùa Tư Phúc gặp Đoàn Nhữ Hài đang ngồi học ở đây, mới đêm chuyện này kể với Nhữ Hài và bảo “ngươi nên thảo cho trẫm bài biểu”.

Cuối cùng, nhờ bài biểu của Đoàn Nhữ Hài, Thượng hoàng đọc thấy lời lẽ khẩn thiết, chân thành hối lỗi, mới răn dạy rồi tha cho vua. Bèn xuống chiếu cho Quan gia trở lại làm vua, các quan về triều như cũ.

Về phần Đoàn Nhữ Hài, sau khi giúp vua “thoát nạn”, ông được tin dùng, được phong làm Ngự sử trung tán - một chức quan lớn khi còn rất trẻ.

Ngoài chuyện suýt bị phế ngôi, vua Trần Anh Tông còn có chuyện ông đi vi hành ban đêm bị cướp ném đá trúng đầu. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép “vua thích lẻn đi chơi, cứ đến đêm, đi kiệu cùng với hơn mười người thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, đến gà gáy mới về cung. Có lần, đêm đi đến quân phường, bọn vô lại ném gạch trúng vào đầu vua. Người theo hầu hét rằng: “Kiệu vua đấy”.

Bọn ấy biết là vua, mới chạy. Một hôm, Thượng hoàng (Trần Nhân Tông), thấy đầu vua có vết thương, hỏi, vua cứ thực trả lời. Thượng hoàng giận nói hồi lâu”.

Ngoài câu chuyện về 2 vua nhà Trần gặp phải trộm cướp được chính sử ghi chép cẩn thận, còn có chuyện vua Lê Thánh Tông của nhà Hậu Lê từng đối đầu với một tên trộm khét tiếng có biệt danh là Quận Gió, chuyên lấy của người giàu bất chính chia cho dân nghèo.

Cuối cùng, bằng trí tuệ của mình, vua Lê Thánh Tông đã nhờ Quận Gió giúp ông phá được vụ án trộm cắp ngân khố, còn Quận Gió được vua mời vào cung phong “quân tử đạo chích”. Tuy nhiên, đây chỉ là một giai thoại, khi tra trong chính sử không thấy nhắc đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại