Ai đến thôn Đa Tốn (Khoan Tế, Gia Lâm, Hà Nội) mà hỏi thăm về ông Nguyễn Đăng Hành (SN 1950) thì chắc chắn, sẽ được người dân trong vùng hỏi lại một câu quen thuộc: "Anh/ Chị là con hay vợ của ổng"? Có lẽ, chuyện người nơi khác tới tìm gặp, nhận làm gia quyến với ông Hành đã là điều quá quen thuộc.
Thế nên dù một mực phủ nhận nhưng nhiều người vẫn tò mò, phải hỏi cặn kẽ thêm để chắc chắn rằng, hàng xóm của mình - ông Hành - không có thêm người vợ/ con mới nào tới tìm.
Lấy 16 vợ, sinh 24 con và không thể nhớ nổi số lượng cháu chắt... chuyện tưởng không thể nhưng lại hoàn toàn có thật, xảy ra ở ngay giữa Hà Nội và chính trong thời đại mà pháp luật chỉ cho phép tồn tại chế độ 1 vợ, 1 chồng.
Nửa đời phong lưu, 1 năm 2 lần lấy vợ
Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông Hành vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Chuyện lấy 16 bà vợ, từ lúc ngỏ lời cho đến lúc chia tay thế nào, ông đều nhớ rõ và kể ra vanh vách.
Hành bảo, trời phú cho ông biệt tài làm thơ từ năm lên 9 tuổi, nhiều người đọc thơ, yêu thơ và rồi yêu cả tác giả. Lúc còn trẻ, ông yêu rất nhiều người nhưng không lấy ai.
Sau này, 16 người vợ ông tổ chức đám cưới và có con với họ đều nên duyên từ đôi lần gặp gỡ và chẳng hề có tình yêu.
Ông Hành - người đàn ông có nhiều vợ nhất vùng Gia Lâm, Hà Nội.
Câu chuyện có vẻ đầy mâu thuẫn ấy được ông Hành lý giải rất đơn giản: "Bởi vì tôi là người đàn ông bất tài, thích tha thẩn làm thơ chứ không đủ sức lo cho gia đình. Vì thế, càng yêu người phụ nữ nào, tôi càng phải cố gắng cách xa họ".
Không lấy người mình yêu nhưng ông lại lấy rất nhiều người mến thương mình. 16 người vợ, theo lời ông Hành... đều tự nguyện tìm đến với ông.
Họ làm đám cưới rồi ở lại với ông Hành một thời gian sau đó thì ra đi, tự mình nuôi con và rất hiếm khi, giữ liên lạc với ông.
Ông Hành bảo, 16 bà vợ, ông đều cưới hỏi đàng hoàng. Có năm, cách 6 tháng ông lại cưới vợ một lần. Họ hàng phát chán, có lúc còn không buồn tới dự đám cưới khiến ông Hành phải nhờ bạn bè, những người vợ cũ tới nhà vợ mới để hỏi cưới.
Tuy nhiên, dù đã làm hôn lễ nhưng không một người phụ nữ nào có giấy đăng ký kết hôn với ông. 24 người con, tất cả đều được khai sinh ngoài giá thú.
"Tôi đến với 16 người phụ nữ ấy không phải để hại đời họ mà chính là vì muốn giúp họ có con, có chỗ nương tựa về sau". Ông Hành bảo, 16 người phụ nữ đến với ông đều gặp trắc trở đường tình duyên mà quyết định làm single mom.
Mang danh vợ chồng nhưng quãng thời gian ông Hành ở bên các bà vợ đều ngắn ngủi. Họ gặp nhau, tìm hiểu và đi đến hôn nhân một cách chớp nhoáng. 16 bà vợ mỗi người một quê, ai gần nhất cũng cách nơi ở của ông Hành chừng 4-5km.
Ông Hành bảo, trước khi tổ chức đám cưới, cả 2 đều thống nhất, ai giúp đỡ được gì cho nhau thì giúp chứ không ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau.
Bản thân ông Hành tuy là chồng, là cha của con họ nhưng không được phép đòi hỏi hay yêu cầu nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng từ những người vợ, người con ông đã có. 16 cuộc hôn nhân, tất cả chỉ là những đám cưới vội vã mang tính hình thức chứ không thật sự là một biến cố lớn, ý nghĩa như chúng ta vẫn thường thấy.
Cuối đời ở một mình nhưng vẫn ung dung vì tin mình đã giúp nhiều người hạnh phúc
Năm 2003, khi lấy đến người vợ thứ 16, ông Hành tổ chức một bữa tiệc, mời đầy đủ vợ con, bạn bè, họ hàng và tuyên bố sẽ dừng chuyện lấy vợ.
Sau nửa đời "chinh chiến": yêu đương, lấy vợ, sinh con... ông Hành quyết định sẽ sống độc thân đến hết phần đời còn lại.
Giờ đây, ông Hành sớm tối lủi thủi một mình trong "túp lều tranh" rách nát. Căn nhà của ông bé xíu, ngổn ngang đồ đạc: bừa bộn, nhếch nhác như một chuồng cọp.
Ông bảo xác định sẽ sống một thân một mình nên đã lo trước chuyện hậu sự. Từ nơi chôn cất đến quan tài, ảnh thờ đều đã sẵn sàng.
Hàng ngày, ông Hành làm bảo vệ cho một siêu thị gần nhà. Ông làm việc từ sáng tới tối mới về, ít quan tâm chuyện bên ngoài và cũng không bận tâm đến vợ cùng các con.
"Các bà ấy đều có nhà cửa, con cháu đề huề, sống hạnh phúc, nhiều người giàu có, con cái giỏi giang nên tôi không phải lo lắng gì".
Ông Hành nói cuộc sống cô đơn nhưng tự do làm ông thấy thoải mái.
Nơi làm việc từ sáng tới tối của ông Hành.
Nhiều người hỏi ông sống cô đơn thế có buồn không, ông Hành chỉ cười. Ông bảo, cuộc sống tự do tự tại bây giờ đối với ông rất thoải mái. Ông sống không trách nhiệm, không ràng buộc, không cần lo lắng cho ai.
"Tôi biết tôi bất tài, nghèo rớt mùng tơi nên không dám lấy vợ, có con, nuôi dạy con cái như những người bình thường. Vì thế, tôi chọn cách sống như thế này.
Tôi cũng không phiền lụy hay gây ảnh hưởng gì tới vợ và các con. Tôi đã làm đúng theo lời đã hứa lúc lấy các bà vợ nên chẳng thấy có gì phải xấu hổ với lương tâm", ông Hành tự tin phân trần.
Bàn thờ dán sẵn ảnh của ông Hành.
Ở thôn Đa Tốn, nhiều người cười chê ông Hành. Hễ nhắc đến ông, họ lại che miệng cười. Có người mắng nhiếc ông sống buông thả, vô trách nhiệm... Nhiều người nói sau lưng, có người mắng thẳng trước mặt nhưng ông Hành mặc kệ.
Ông bảo hàng chục năm qua, ông đã quen với điều đó nên không cảm thấy có vấn đề gì khi đối diện với điều tiếng dư luận.
Lúc tôi ra về, ông Hành đang ăn bữa cơm trưa nhưng chỉ có độc một bát canh rau. Cuộc sống tạm bợ, khó khăn, không còn ai nương tựa, cô đơn trước mắt nhưng hình như với người đàn ông bất cần này, những việc ấy lại chẳng khiến ông bận tâm...