Ngồi một góc dưới gốc cây bồ đề chùa Pháp Hoa (quận 3, TP.HCM), ông Trần Hữu Lý nhìn chúng tôi với ánh mắt triều mến rồi nở nụ cười hiền hậu.
Rời quê hương Quảng Ngãi từ những năm 1960, ông Lý đã gắn bó với nghề đạp xích lô gần 40 năm nay. Để có tiền trang trải cuộc sống, mỗi ngày, ông đạp xích lô quanh các con đường Lê Văn Sĩ, Trường Sa, Hoàng Sa để nhận chở hàng. Đêm đến, ông ngủ tạm trên chính chiếc xích lô của mình dưới hiên Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM.
Chẳng có buồn phiền, âu lo, ở cái tuổi xế chiều ông Lý vẫn luôn tin vào những điều tốt đẹp ở cuộc sống, cố gắng bươn chải để chăm lo cho bản thân và người mẹ già ở quê nhà.
Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn ngày ngày miệt mài đạp xích lô để mưu sinh.
Ông vẫn hay ngồi ở gốc cây bồ đề chùa Pháp Hoa để chờ người ta gọi chở hàng
Nhiều người thắc mắc ở cái tuổi đáng ra phải được con cháu phụng dưỡng, an hưởng niềm vui tuổi già, thì ông lại lao động cực nhọc để kiếm sống như thế.
Ông Lý chỉ cười hiền hòa rồi nói: "Tại tui là người vô gia cư mà, nghèo khổ mà, phải làm mới có cái ăn. Tôi còn mẹ già 102 tuổi ở quê nữa. Cuộc sống đâu có bao giờ dễ dàng với ai đâu".
Nụ cười giòn tan của ông sau chuyến chở hàng vất vả.
Công việc của ông Lý thường không ổn định, có ngày chạy được 2, 3 cuốc xích lô, nhưng cũng có ngày "ế" không chạy được cuốc nào.
Gần đây, ông Lý bị xe đụng xe, chiếc xích lô bị méo cả niềng, ông phải nghỉ vài ngày để nhờ người xung quanh sửa giúp rồi mới dám chạy tiếp. Những ngày đó thì không tiền để ăn, ông Lý được các sư chùa gần đấy giúp đỡ bữa cơm chay.
Chỗ ngủ của ông dưới hiên trường Đại học Sư Phạm TP.HCM
Bác xe ôm giúp cụ sửa lại cái niềng bị gãy.
Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 3 triệu đồng, ông gửi về quê nuôi mẹ 2 triệu, số tiền còn lại dùng để trang trải cho cuộc sống qua ngày của mình.
Dù mưa hay nắng, người ta vẫn thấy vòng xích lô của ông đều đặn lăn bánh trên đường.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, ông nghẹn ngào nói: "Ông từng có vợ nhưng chia ly lâu rồi, cũng có 2 con trai, 2 con gái nhưng tụi nó cũng khó khăn. Bản thân ông phần vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cái, phần vì nghĩ mình cần phải làm tròn chữ hiếu với mẹ già nên ngày ngày vẫn cố gắng miệt mài làm việc đến khi nào không thể làm nữa thì thôi".
Khi nhắc về mẹ, ông Lý liền xúc động: "Tiền dùng hết rồi thì có thể kiếm lại được, chứ cha mẹ mất rồi thì khó kiếm, mẹ mình chỉ có một mà thôi". Tấm lòng hiếu thảo của người đàn ông khắc khổ khiến những người xung quanh cảm phục.
Chiếc xích lô bị hỏng, ông tranh thủ sửa lại để tiếp tục mưu sinh.
Biết được hoàn cảnh của ông Lý, những người xung quanh cũng hay thăm hỏi, động viên. "Tui bán hàng rong ở đây cũng được hơn mười năm nay rồi, ngày nào cũng thấy ổng chạy xe rồi đậu xe ở đây. Ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của ổng nên quý ổng lắm. Thấy ổng hiền lành, lại có hiếu nữa nên lâu lâu tui cũng hay giúp đỡ ổng", chị Cúc tâm sự.
Mọi người xung quanh quý vì tấm lòng nên vẫn thường giúp đỡ ông, lúc thì gói xôi lót dạ, lúc thì chai nước mát giữa cái nắng gắt của Sài Gòn.
Cụ Lý dừng chân lại uống nước vì mệt
Khi được hỏi về những khó khăn trong cuộc sống, ông Lý đưa cánh tay phải của mình ra rồi nói: "Tui chỉ có cái tay gãy này thôi, hậu quả của cuộc tai nạn hơn 20 năm trước đó. Mỗi khi trái gió trở trời thì nó nhức nhưng tui vẫn còn làm việc được. Mỗi lần chở giàn giáo hay vật liệu xây dựng thì cực hơn xíu thôi".
Những ngày chở đồ tuy có vất vả nhưng ông Lý vẫn luôn kiên trì.
Tuổi cao, sức yếu nhưng chưa một ngày ông được nghỉ ngơi...
"Thường thì người ta thương, họ cho tui thêm tiền sau mỗi chuyến đi, nhưng tui chỉ lấy đủ cho ly nước, còn lại thì xin từ chối.
Mình nghèo nhưng mình còn có lòng tự trọng, mình còn lao động được mà. Tui khổ quen rồi, đủ sống là được cần nhiều tiền để làm gì đâu", ông Lý vui vẻ tâm sự.
Những chuỗi ngày rong ruổi khắp Sài Gòn, ông Lý chỉ mong có được cơm ngày ba bữa, dành dụm chút tiền gửi về quê để nuôi mẹ già.
Dù biết những tháng ngày còn lại cũng chẳng còn được bao nhiêu sức khỏe, thế những ông vẫn lạc quan tin vào phía trước. "Duyên nợ với Sài Gòn được mấy năm nữa đến đâu thì hay đến đó, chỉ còn có sức khỏe thì tui sẽ làm đến cùng. Đến khi nào đau bệnh già yếu tui sẽ trở về quê hương với mẹ".
Phút ngậm ngùi khi ông Lý nghĩ về mẹ của mình.
Dù cuộc sống còn lắm những bộn bề khó khăn nhưng ông Lý vẫn luôn lạc quan và làm tròn chữ hiếu với mẹ già.
Ngày đêm rong ruổi trên mọi ngõ ngách đường phố Sài Gòn, chở người, chở đồ, chở luôn cả những khó khăn vất vả của tuổi xế chiều, nhưng ông Lý vẫn chưa một lần than vãn về cuộc sống của mình.
Chỉ mong sao ông luôn khỏe mạnh để có thể sống lâu hơn nữa với người mẹ già đang chờ đợi nơi quê hương. Và Sài Gòn vẫn còn đó những con người biết quan tâm, giúp đỡ nhau giữa bộn bề của cuộc sống.