Chuyện một phóng viên “trinh thám”: Gian nan những nẻo đường “phá án”

Ghi chép của Nguyễn Minh |

Với nhiệt huyết và những thông tin quý giá, Hoài Nam nhiều lần được Ban Nội chính Trung ương mời cộng tác phá các vụ án tham nhũng, trong đó có hai vụ án tham nhũng trọng điểm ở ngành đường sắt và lĩnh vực nạo vét.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về công tác phòng chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương khi đó đã phát biểu: "Lần này đi nước ngoài tôi sẽ bỏ tiền cá nhân mua tặng đồng chí phóng viên này chiếc đồng hồ, vì việc nước, đồng chí đã không ngại gian khổ...".

Triệt phá đường dây hối lộ

“Đầu năm 2012, đường dây nóng của Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của bạn đọc, tại hai quán cà phê trên đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1), cứ vào khoảng giữa tháng có những người đàn ông rủ nhau đến uống cà phê chớp nhoáng với một người đàn ông.

Trước khi ra về, họ đưa cho nhau tờ báo cuộn tròn. Họ cho rằng người đàn ông nhận là Thanh tra giao thông. Tòa soạn giao cho tôi xác minh” – Hoài Nam kể lại.

Quán cà phê rất đông khách, nhưng để có chứng cứ rõ trong một thời gian dài, ngày nào mình cũng ghé uống cà phê.

Cái khó là không biết người đàn ông kia nhận tờ báo cũ của mấy người lạ vào giờ nào, chả lẽ ngồi suốt ngày chỉ với ly cà phê? Hơn nữa đây sát nhau có hai quán, lúc thì họ ngồi quán này, lúc thì ngồi quán bên.

Có hôm đang ngồi quán này thấy người đàn ông tới vào quán bên, biết chắc vài phút sau mấy người đàn ông lạ mặt sẽ tới, mình trả tiền rồi sang quán bên ngồi gọi cà phê tiếp để bí mật đặt máy ghi hình.

Gặp nhau, họ tay bắt mặt mừng, ngồi vào bàn hỏi thăm nhau rất thân mật, tuyệt nhiên không nói đến tiền bạc.

Cảnh đưa báo cũ gấp nhỏ cũng rất tinh vi, lần thì ném vào bọc, lần thì trao tay trong nháy mắt, lần thì để trên bàn, lần thì chuyền tay nhau đưa qua gầm bàn cho người đàn ông. Có được hình ảnh rõ, nhưng vì họ không nói chuyện tiền bạc gì và cũng không biết bên trong tờ báo kia là cái gì.

Trong quá trình bí mật điều tra, Nam ghi được 24 xe honda 1 xe ô tô của nhóm người lại đến đưa báo, và 1 xe honda của người đàn ông nhận tờ báo cũ. Xác minh những chiếc xe trên, Nam phát hiện 1 xe của một cán bộ Thanh tra Công an đứng tên. Trong số còn lại đó có 3 xe đứng tên của 3 Cảnh sát giao thông. Công phu điều tra, Hoài Nam phát hiện người nhận tờ báo cũ gấp nhỏ là Tổ phó Tổ Kiểm tra đặc biệt (được quyền giải quyết nhanh những tin báo của nhân dân về sai phạm của cán bộ chiến sỹ Công an).

“Có hình ảnh rõ, tên rõ nhưng tờ báo cũ cuộn tròn chứa gì thì không biết đươc. Làm gì để “phá án?”. Tôi báo cáo rõ với lãnh đạo Ban Chính trị Xã hội. Ý tưởng cướp tờ báo cũ được lãnh đạo đưa ra, nhưng tôi gạt ngay bởi nếu trong tờ báo cũ đó có tiền thì chắc chắn sẽ bị khép vào tội cướp giật tài sản. Không còn cách nào khác, tôi quyết định báo cáo vụ việc đến Bộ Công an” – Hoài Nam kể hành trình phá án.

Một tổ công tác đã phối hợp với anh điều tra, tuy kết quả chưa như mong muốn nhưng sau đó đường dây hối lộ đã bị bóc gỡ. Bộ Công an đã yêu cầu Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Thanh tra Công an TP tổ chức họp kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác kiểm tra theo đúng quy định, cán bộ vi phạm bị xử lý, chyển công tác.

Công văn gửi nhà báo Hoài Nam của Bộ Công an viết: “Trân trọng cám ơn ông đã phản ánh những thông tin trên và ông tiếp tục công tác, giúp lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an TP Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng trong sạch vững mạnh”.

“Thuyết phục được Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công an vào cuộc không phải là dễ. Vì thẩm quyền xử lý sai phạm của cán bộ chiến sỹ thuộc Công an địa phương là của Công an địa phương.

Tuy nhiên, tôi đã gặp một Thứ trưởng Bộ Công an trình bày rõ vụ việc và được ông tin tưởng, chỉ đạo lực lượng Thanh tra Bộ Công an vào cuộc” – anh tâm sự.

Vào hang bắt cọp

Quỹ thời gian làm báo chưa nhiều, nhưng Hoài Nam đã dấn thân và có nhiều kinh nghiệm được anh đúc kết trong “sổ tay”. Để thuyết phục cơ quan chức năng, anh quyết tâm “vào hang cọp bắt cọp”.

Năm 2013, từ nguồn tin phản ánh của bạn đọc, Hoài Nam phát hiện một lĩnh vực tiêu cực nhức nhối khác: Nạo vét sông, biển.

Theo tài liệu điều tra, mỗi năm nhà nước bỏ kinh khí khoảng 500 tỉ đồng để nạo vét duy tu luồng trên một số con sông lớn, để tàu ra vào cảng không bị mắc cạn.

Trong đó kinh phí vận chuyển đi đổ bùn thải đúng nơi quy định chiếm 90%. Lợi dụng thi công hoàn toàn ở dưới nước, lại xa dân cư cả chục km, có công trình ở cửa biển, nhà thầu thả sức “mua” để làm ăn gian dối.

Ví dụ, có công trình kinh phí nạo vét chỉ 14 tỷ đồng, nhưng nhà thầu mua tới 1,2 tỷ đồng mới được cơ quan chức năng duyệt cho thi công.

Chuyện một phóng viên “trinh thám”: Gian nan những nẻo đường “phá án” - Ảnh 1.

Lội bùn lúc 23 giờ 40 khi đi tác nghiệp đề tài 'Nạo vét sông Thị Vải" năm 2013

Trong lúc thi công đã gian dối chiếm đoạt 10 tỷ đồng. Như vậy số tiền bỏ ra để thi công công trình chỉ khoảng 2 tỷ đồng, lời hơn buôn ma túy nên nhà thầu đã tìm đủ thủ đoạn để có được gói thầu thi công.

Để phá án, Hoài Nam đã ra Hà Nội, đến báo cáo Ban Nội Chính Trung ương. Anh cũng gửi thông tin đến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi đó.

Tiếp nhận thông tin, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo thanh tra 3 công trình nạo vét kinh phí 164 tỉ đồng.

Sau đó thanh tra Bộ GTVT kết luận, thu hồi cho nhà nước 1,7 tỉ đồng việc chuyển nhượng thầu trái phép và chỉ đạo xử lý kỷ luật hàng chục cán bộ sai phạm ở 3 công trình nạo vét trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra sau đó đã triệt phá một băng nhóm tội phạm ở công trình nạo vét 14 tỷ đồng, truy tố 8 bị can, trong đó có 4 bị can bị khởi tố, truy tố vì đưa nhận hối lộ hơn 1,2 tỷ đồng.

Loạt bài “Vén màn hậu trường ở hai Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải” do anh viết đăng trên báo Tiền phong cho thấy sự kiên trì, dũng cảm và bản lĩnh thép của Hoài Nam khi liên tục bị mua chuộc, đưa tiền hối lộ.

Điểm thành công lớn nhất của loạt bài là không chỉ giúp “phá án” tiêu cực mà còn giúp Bộ Giao thông Vận tải thay đổi chính sách quản lý.

Đồng chí Cục trưởng Cục Hàng hải sau này đã tâm sự với Hoài Nam: “Vừa rồi, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo Bộ GTVT về công sức của đồng chí, nhờ loạt phóng sự đó, Bộ GTVT không ban hành Thông tư 28 để quản lý nguồn vốn nạo vét duy tu luồng...”.

Cộng tác viên Ban Nội chính Trung ương

Cuối năm 2014, nhận thấy thị trường rau sạch ở TP Hồ Chí Minh vô cùng bát nháo, đặc biệt, có cả công ty thương hiệu lớn cũng nhập nhèm trộn rau ruộng kém chất lượng với rau VietGap để đánh lừa người tiêu dùng.

Hoài Nam lại một lần “nhập vai nông dân” để phá án.

“Để làm thành công, do tôi có nước da trắng nên phải đi nắng nửa tháng cho nước da đen lại, để râu tóc bù xù và “tậu” một chiếc xe cà tàng có đầy đủ dụng cụ chở rau, cứ thế bắt đầu nhập vai” – Hoài Nam kể.

Sau 3 tháng nhập vai, chứng cứ thu thập được khẳng định một số doanh nghiệp mua rau ruộng về sơ chế rồi dán mác VietGAP giao cho siêu thị mỗi ngày từ 3 đến 7 tấn rau bẩn đã phù phép thành rau VietGAP.

Loạt bài điều tra “Rau ruộng trộn VietGAP”, nhuận bút chỉ được 4 triệu đồng, không đủ chi phí cho 3 tháng nhập vai nông dân, sau đó còn bị cơ quan công an điều tra, truy vấn nhưng Hoài Nam chấp nhận và vẫn cho rằng, thành công nhất là thông tin cảnh báo đã đến được với bạn đọc.

Với nhiệt huyết và những thông tin quý giá, Hoài Nam nhiều lần được Ban Nội chính Trung ương mời cộng tác phá các vụ án tham nhũng, trong đó có hai vụ án tham nhũng trọng điểm ở ngành đường sắt và lĩnh vực nạo vét.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 về công tác phòng chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương khi đó đã phát biểu với toàn Hội nghị: "Lần này đi nước ngoài tôi sẽ bỏ tiền cá nhân mua tặng đồng chí phóng viên này chiếc đồng hồ, vì việc nước, đồng chí đã không ngại gian khổ..."

Không chỉ được Ban Nội Chính Trung ương trưng dụng điều tra, Hoài Nam còn được Cơ quan Điều tra Viện KSND tối cao trưng dụng điều tra một số vụ án liên quan đếm tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Là nhà báo điều tra máu lửa, gai góc, Hoài Nam đã giành được nhiều giải thưởng nghề nghiệp lớn, Giải nhất Cuộc thi Nhà báo với trẻ em Việt Nam với loạt bài “4 em bé bị hành hạ dã man” (năm 2006); Giải B về đề tài vệ sinh an toàn thực phẩm do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế, Bộ Thông tin truyền thông tổ chức (năm 2009); 4 Giải báo chí quốc gia gồm một giải B, hai Giải C, một giải Khuyến Khích và một tác phẩm lọt vào chung khao.

Năm 2014, anh được Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an có thư riêng khen ngợi, Tổng Cục cảnh sát tặng giấy khen vì có thành tích điều tra thu thập chứng cứ về tham nhũng xảy ra ở hai Tổng Công ty bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam.

Nói về anh, Trung tướng Nguyễn Việt Thành nhận xét: “Chú Nam vừa là nhà báo vừa có tố chất của một trinh sát”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại