Lịch sử hào hùng
Từ TP Buôn Ma Thuột, dọc theo quốc lộ 26 khoảng 27km, Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đồn điền Ca Da (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) sừng sững như một chứng nhân lịch sử bất tử từ kháng chiến đến thời bình. Cách đó nửa cây số, miếu thờ Ca Da nổi bật giữa làng quê yên bình bởi màu ngói đỏ tươi, những bức tường vàng bao quanh. Trong sân miếu, người đàn ông mảnh khảnh đang quét lá cây rơi rụng. Ông là Trần Văn Nam (SN 1960) người trông coi chăm sóc miếu thờ này.
Mỗi ngày, công việc đầu tiên của ông Nam là ra khu miếu dọn dẹp, thắp hương. Hơn 10 năm gắn bó nơi này, ông như cuốn “từ điển sống” về những câu chuyện lịch sử xung quanh miếu, cùng sự thay đổi nhịp sống đô thị hóa qua từng thời gian.
“Bây giờ, thông tin về miếu thờ đã được số hóa, du khách tham quan có thể quét mã QR tìm hiểu về lịch sử của di tích. Số hóa này được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tạo dựng đầu năm 2023, để thuận lợi cho du khách, các bạn trẻ hiểu hơn những hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập, tự do cho dân tộc, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống cho thế hệ mai sau”, ông Nam nói.
Miếu nằm trong tổng thể khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đồn điền Ca Da, miếu thờ Ca Da đã cùng với công nhân, cán bộ chiến sĩ nơi đây góp phần viết nên trang sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Ca Da từ một đồn điền của thực dân Pháp đã trở thành nơi chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong toàn tỉnh Đắk Lắk, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám 1945.
Được viết tắt từ tên gọi Công ty Nông nghiệp Á Châu (Compagnie Agricole D’asie), đồn điền Ca Da do Pháp xây dựng vào năm 1922 để trồng cà phê, chè, mở đầu cho việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô. Quá trình khai thác mạnh nhất của thực dân Pháp tại đồn điền Ca Da thuộc giai đoạn từ năm 1925-1934. Ca Da là một trong những đồn điền ra đời sớm với quy mô rộng lớn. Được thành lập đúng thời điểm giai cấp công nhân Ca Da bắt đầu ra đời.
Miếu thờ Ca Da.
Công nhân và những cán bộ chiến sĩ hoạt động ở đồn điền Ca Da là người Việt từ các tỉnh miền Trung lên lao động và hoạt động cách mạng, họ đấu tranh đòi chủ đồn điền lập một miếu thờ nhỏ để thờ cúng thần hoàng làng nơi quê hương mới và thờ tự tổ tiên. Miếu cũng là nơi thờ cúng các công nhân, cán bộ, chiến sĩ đã đổ xương máu để đấu tranh, bảo vệ vùng đồn điền Ca Da. Ngoài mục đích sử dụng làm nơi thờ tự, tín ngưỡng, miếu thờ còn là nơi công nhân sử dụng để tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ dưới hình thức mang lễ vật đến cúng tại ngôi miếu.
Lễ kết nạp đoàn viên tại miếu thờ.
Theo lời của những người làm công nhân đồn điền trước đây, trong thời kháng chiến chống Pháp, chủ đồn điền chỉ cho dựng ngôi miếu thờ có vách bằng đất, mái lợp cỏ tranh và cửa cuốn lá mía. Một thời gian sau do mối mọt mưa nắng nên miếu thờ bị hư hỏng hoàn toàn, những công nhân ở đồn điền đã dựng lại miếu thờ có vách bằng ván, sau đó xây tạm lại bằng gạch.
Bạn trẻ quét mã QR để tìm hiểu di tích.
Toàn bộ ngôi miếu không trang trí hoa văn gì, trừ mặt tiền ngôi miếu có hình tròn và các thanh sọc đứng, ngang được đúc bằng xi măng, nằm ở hai bên cửa chính, thay cho cửa sổ mặt tiền ngôi miếu. Miếu thờ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của công nhân, cán bộ chiến sĩ, người lao động, của cả một vùng đồn điền cà phê rộng lớn. Chính tại ngôi miếu này diễn ra một số cuộc họp của Chi bộ Đảng đồn điền Ca Da trong những năm kháng chiến.
Điểm đến của du khách
Nắng mùa khô tràn ngập vùng cao nguyên. Xung quanh miếu thờ Ca Da, cuộc sống thường ngày của người dân vẫn diễn ra nhộn nhịp. Hiện nay, miếu thờ Ca Da đã được tôn tạo lại, nằm trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và trang nghiêm. Trong sân miếu, sừng sững một cây đa cổ thụ có tuổi đời khoảng trăm năm, nhiều nhánh tỏa ra um tùm. Từ nhỏ, ông Nam nghe kể về ngôi miếu với những câu chuyện đầy linh thiêng. Hơn chục năm trông coi miếu, ông luôn dành cho ngôi miếu lòng thành kính đặc biệt.
Trước đây, ông Nam làm việc tại công ty cà phê Phước An, sau khi nghỉ hưu, ông về đây trông coi miếu thờ này. Theo lời ông, biết miếu thờ từ những năm 1980. Trước đây miếu nằm phía trong cây đa cổ thụ. Một số người dân tưởng chôn vàng bạc bên dưới nên đào lên và miếu bị sập chỉ còn hai bức tường. Bên trong hốc cây còn mảnh tường cũ, trải qua bao năm tháng, những rễ cây đa tự uốn thành hình vuông góc với bức tường di tích còn sót, bọc lại và bảo quản trong cây.
Ông Nam bồi hồi kể, khi trùng tu tôn tạo lại, hai cây đại (hoa sứ) được chuyển ra phía trước nhà, lư hương được làm trước cây đa để hương khói và biết được di tích nằm trong cây này. Trước đây, có người phụ nữ là y tá làm cho ông chủ đồn điền, bà rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp. Bà am tường những câu chuyện lịch sử, huyền bí về cây đa, miếu thờ, nhưng bà đã mất cách đây mấy năm. Ngày ấy, bà bốc thuốc cho các chiến sĩ, cán bộ hoạt động cách mạng.
Nhờ có bàn tay chăm sóc, phụng thờ hương khói của ông Nam mà di tích linh thiêng luôn sạch đẹp, mở lối cho du khách thập phương đến tham quan, khám phá. Hiện nay, vào ngày rằm, mùng Một âm lịch hàng tháng, hoặc các ngày lễ, Tết…nhân dân trong vùng và lân cận đến đây dâng hương, cầu an cho gia đình hoặc cầu siêu cho những công nhân, chiến sĩ đã hy sinh tại khu vực đồn điền trước đây. Đây cũng là địa điểm tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử cho học sinh, tổ chức các lễ kết nạp đoàn viên mới của Đoàn.