Các nhà mạng tuyên bố sẵn sàng
Trước đó, vào 23.8, tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TTTT) đã ra chỉ đạo nhấn mạnh, đây là chính sách bắt buộc để thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông và đảm bảo quyền lợi của người dùng dịch vụ.
Do đó, quan điểm của bộ là phải kiên quyết triển khai, do hiện giờ đã muộn hơn so với nhiều nước. Dự kiến từ cuối tháng 11.2018.
Trên thực tế, công tác chuẩn bị cho việc chuyển mạng giữ số được các nhà mạng lớn cho biết, đã triển khai và sẵn sàng từ khá lâu, trước thời điểm chốt lịch của Bộ TTTT - trước ngày 31.12.2018. Các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone đều khẳng định, đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hạ tầng để sẵn sàng kết nối thử nghiệm với Trung tâm chuyển mạch Quốc gia.
Sau đó, Bộ TTTT tiếp tục ban hành Thông tư 35/2017, quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số chính thức có hiệu lực từ ngày 8.1.2018. Thế nhưng, cho tới tận thời điểm này, công tác thực hiện vẫn chỉ là những chỉ đạo mang tính chất hành chính.
Tại buổi làm việc ngày 23.8 vừa qua, các nhà mạng một lần nữa khẳng định, đã sẵn sàng. Cả Viettel, MobiFone, VinaPhone đều cho rằng đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và đã thử nghiệm giữa các nhà mạng.
Riêng Vietnamobile hôm đó báo cáo, dự kiến sẽ thử nghiệm chuyển mạng giữ số vào 27.8. Tuy nhiên, tới chiều muộn ngày 27.8, nhà mạng này vẫn chưa công bố kết quả chạy thử nghiệm của mình đạt hiệu quả ra sao.
Nhiều chính sách cần được làm rõ
Từ thực tế các nhà mạng đều khẳng định đã sẵn sàng, nhưng tiến độ triển khai liên tục bị lùi, cho thấy vấn đề chuẩn bị có khả năng chưa thực sự hoàn hảo. Các yếu tố tác động tới việc lùi thời hạn có thể không phải bởi yếu tố kỹ thuật mà bởi vấn đề chính sách.
Điều này có thể ghi nhận, khi làm việc cùng Bộ TTTT, đại diện Viettel kiến nghị bộ ban hành các chính sách kinh tế dành cho khách hàng và các nhà mạng với nhau, mức cước và các điều khoản sử dụng dịch vụ chuyển mạng nhằm triển khai dịch vụ này sớm nhất có thể.
Đồng thời, đại diện VNPT cũng kiến nghị, nên triển khai chuyển mạng giữ số sau khi đã chuyển đổi mã mạng từ 11 số về 10 số, hiện đang được chuẩn bị và bắt đầu từ 15.9. Đại diện MobiFone cũng kiến nghị xem xét thực hiện chuyển đổi trước với các thuê bao trả sau để rút kinh nghiệm và sau đó mới áp dụng các thuê bao trả trước.
Việc xây dựng chính sách rõ ràng cần phải sát với thực tế và cụ thể nên đòi hỏi thời gian chuẩn bị chu đáo, bởi vậy, một khi chưa thỏa mãn việc quản lý hiệu quả, rõ ràng không thể vội vàng áp dụng vào thực tế.
Việc lãnh đạo Bộ TTTT quyết định ấn định thời điểm triển khai vào cuối tháng 11 cũng có thể được lý giải rằng, sau khi tiến hành chuyển các SIM 11 số về 10 số, cần có thời gian tiếp tục duy trì song song 2 cách gọi 11 số và 10 số.
Khoảng thời gian hơn 1 tháng đủ để cho người dùng quen với việc thay đổi và ổn định kho dữ liệu số. Khi ấy, việc chuyển mạng giữ số mới có thể được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Cho tới lúc này, mới chỉ có thông tin về việc đề xuất xem xét mức phí rời mạng dự kiến là 60.000 đồng và chuyển đến là 60.000 đồng.
Ngoài ra, thuê bao muốn chuyển mạng phải đảm bảo các tiêu chí về chủ sở hữu, nhưng các thông tin khác như khoảng thời gian được “nhảy mạng” vẫn chưa có thông tin cụ thể. Người dùng đang rất háo hức mong chờ việc chuyển mạng giữ số đi vào cuộc sống. Hy vọng rằng, lịch dự kiến cuối tháng 11.2018 sẽ là ấn định cuối cùng.