Loài động vật này chỉ xuất hiện tại một địa điểm duy nhất trên thế giới: Vùng đất cát ven biển và rừng tràm trên vùng đất nhiễm phèn của khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, thuộc tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu của Việt Nam.
Chúng có tên khoa học là Leiolepis ngovantri, theo tên của nhà khoa học người Việt Nam đã phát hiện ra chúng
Chúng là một loài bò sát mang tên: Nhông cát trinh sản Ngô Văn Trí
Không chỉ mang cái tên thuần Việt và là loài đặc hữu Việt Nam, loài bò sát này còn có một đặc điểm sinh học cực kỳ độc đáo...
…Đó là quần thể của loài này gồm toàn con cái, không có bóng dáng một con đực nào. Vậy làm sao để loài vật này bảo tồn được nòi giống?
Đây chính là điều lý thú nhất: Các “trinh nữ” này sinh sản theo phương thức vô tính, nghĩa là có thể tự rụng trứng và tự phát triển thành dòng vô tính để cho ra đời những con thằn lằn con, không cần đến con đực. Hình thức này vốn chỉ thấy ở các loài sinh vật nguyên sinh đơn bào hay một số thực vật và nấm
Việc phát hiện ra loài bò sát kỳ lạ này cũng hết sức oái oăm
Nhà khoa học Ngô Văn Trí (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện ra những con vật lạ này khi vào một nhà hàng ở Vũng Tàu. Ông đã chụp ảnh và gửi cho nhà nghiên cứu động vật bò sát Lee Grismer (ĐH La Sierra, Mỹ) để cùng nghiên cứu
Kết quả là một loài động vật "mới toanh" đã được phát hiện ra trên... bàn nhậu
Đối với người dân Nam Bộ, nhông cát là một đặc sản, và không có bất cứ sự phân biệt nào giữa nhông cát "trinh nữ" và các loài bò sát họ hàng
Với việc bị "đánh chén" vô tội vạ như vậy, nhông cát trinh sản Ngô Văn Trí rất cần được bảo vệ để tránh khỏi việc bị diệt vong