Một kỹ thuật viên quay phim bất ngờ trở thành một nhà phát minh trong những lĩnh vực trước đó hoàn toàn xa lạ đối với ông. Những câu chuyện như vậy không hiếm trong thế giới của những người đã từng chết lâm sàng.
Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Tony Cicoria xảy ra năm 1994. Hôm đó, vừa bước ra khỏi một trạm điện thoại công cộng, vị bác sĩ phẫu thuật người Mỹ bị một luồng sét đánh trúng người.
Tim ngừng đập, mặt và chân trái cháy sém, Cicoria rơi vào trạng thái chết lâm sàng. May mắn được cứu sống, nhưng ông dường như đã trở thành một con người khác.Ban đầu chỉ là cảm giác luôn luôn thèm được nghe piano, nghe bao nhiêu cũng không biết chán, dù trước khi bị tai nạn, ông không mấy quan tâm đến âm nhạc. Sau đó là sự thôi thúc mãnh liệt muốn được chơi loại nhạc cụ này. Để thỏa mãn "cơn nghiện", Cicoria mua vô số đĩa nhạc và một chiếc piano về tự học.
Tony Cicoria, trở thành nghệ sĩ piano sau khi chết lâm sàng
Một đêm, Cicoria mơ thấy ông đứng xem chính mình chơi đàn. Khi bản nhạc kết thúc, Cicoria choàng tỉnh, trong đầu tràn ngập những giai điệu trong mơ. Ông cố gắng ghi lại, nhưng vì chưa thạo cách sử dụng ký âm, nên không lưu được toàn bộ bản nhạc.
Từ sau lần đó, mỗi khi Cicoria ngồi vào đàn hoặc để đầu óc thư giãn, các giai điệu lại ùa tới, giống như ông vừa dò đúng một kênh phát thanh. Cicoria không hề phải cố gắng, hay tìm kiếm nguồn cảm hứng. Âm nhạc như có sẵn trong ông, hay tự tìm đến từ một nơi vô định. Ông gọi đó là "âm nhạc từ thiên đường".Ở tuổi ngoài 40, Tony Cicoria bắt đầu sự nghiệp của một nghệ sĩ. Ông trình diễn cả tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng và tác phẩm của chính mình trên các sân khấu ở Mỹ và châu Âu.Câu chuyện về Cicoria xuất hiện trên rất nhiều báo lớn, trong đó có Financial Times, và trở thành chủ đề cho một số cuốn phim tài liệu của BBC (Anh), PBS (Mỹ).
Nhà phát minh từ cõi chết
Cũng trở về từ cõi chết, trường hợp của Mellen Thomas Benedict, một nhà quay phim Hollywood còn có vẻ khó tin hơn.Năm 1982, sau một thời gian được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, Benedict đã chết lâm sàng trong khoảng 1 tiếng rưỡi. Sau này, ông kể lại rằng trong lúc đi lang thang bên ngoài cơ thể, ông đã được chứng kiến rất nhiều hiện tượng thú vị trong vũ trụ.
Sau khi tỉnh lại, Benedict lao vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát minh. Ông sở hữu nhiều bằng sáng chế tại Mỹ, đồng thời là thành viên tích cực của một số nhóm nghiên cứu về ADN, tế bào và sinh học lượng tử.
Trong bộ phim tài liệu Life After Death, Tom Harpur, một nhà nghiên cứu thần học tại Canada đã phỏng vấn Yvonne Kason (giảng viên y khoa tại Đại học Toronto) về những giây phút cận kề cái chết mà bà đã trải qua trong một vụ rơi máy bay.Phục hồi sau tai nạn, người phụ nữ này bắt đầu nhìn thấy trong tâm trí những hình ảnh lạ lùng. Một trong những hình ảnh này liên quan đến một người bạn của bà. Mỗi khi nghĩ đến người đó, hình ảnh xuất hiện trong đầu Kason là một bộ não có mủ.
Bà tìm mọi cách thuyết phục bạn đi khám, dù người đó bề ngoài vẫn khoẻ mạnh. Kết quả xét nghiệm khiến tất cả giật mình. Bạn của Kason bị viêm màng não mủ giai đoạn sớm.
Nhìn thấy hào quang
Theo tác giả P.M.H Atwater, một người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về chết lâm sàng và trải nghiệm cận tử tại Mỹ thì việc đến gần ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết khiến con người thay đổi đáng kể.Về mặt sinh lý, nhiều người trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng mặt trời và âm thanh. Tốc độ chuyển hóa và huyết áp cũng có thể thay đổi. Một số người thay đổi cả khẩu vị, khả năng phản xạ.
Về mặt tâm lý, người đã từng rơi vào trạng thái chết lâm sàng thường tin vào các yếu tố tâm linh hơn, nhưng không còn sợ chết. Họ rộng rãi hơn, cởi mở hơn và dễ dàng hơn khi đối mặt với căng thẳng.
Có không ít người bộc lộ những năng khiếu mà trước đó còn tiềm ẩn, hoặc xuất hiện những khả năng đặc biệt. Họ có những giấc mơ sống động và thậm chí một số người còn cảm nhận được những trường năng lượng vô hình, hào quang.
Tuy nhiên, không phải cuộc sống luôn suôn sẻ với những người hồi sinh từ cõi chết. Cũng theo điều tra của P.M.H Atwater, tỷ lệ ly hôn và gặp rắc rối ở nơi làm việc của nhóm người này cũng thường cao hơn mức chung của cộng đồng.Chính bản thân nhà nghiên cứu này cũng đã từng 3 lần suýt chết và 1 lần ly hôn. Tony Cicoria, người nhạc sĩ tài năng với những tác phẩm âm nhạc từ thiên đường cũng là một người thất bại trong hôn nhân.
Những thay đổi sau khi trở về từ cõi chết có thể mang lại kết quả tích cực.
Một nghiên cứu của P.M.H Atwater tiến hành đối với 277 trẻ em cho thấy, 48% trẻ trong độ tuổi dưới 15 sau khi trải qua giai đoạn cận tử có chỉ số IQ từ 150 - 160, tức là ở mức thiên tài, dù về mặt di truyền, các em không được sinh ra trong những gia đình có truyền thống về trí tuệ.
Tuổi càng nhỏ thì ảnh hưởng càng lớn. Nếu xét ở nhóm trẻ từ 3 - 5 tuổi thì tỷ lệ này lên tới 81%. Đặc biệt, đa số trẻ đã từng chết lâm sàng đều rất thích học toán, khoa học và lịch sử (chiếm 93% số trẻ được nghiên cứu).
Hơn 80% cho thấy sự cải thiện rõ rệt về năng khiếu âm nhạc. Điều tương tự cũng xảy ra ở người lớn. Rất nhiều người phục hồi sau khi chết lâm sàng có khả năng hoạt động trí tuệ cao hơn.
Theo Khoa học và Đời sống/ IANDS, SC Magazine, NPR