Các hộ dân này đều thuộc diện bị giải tỏa trong dự án khu tái định cư Bá Tùng mở rộng, được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng lập thủ tục nhận tiền đền bù và yêu cầu bàn giao mặt bằng sớm.
Sau khi hoàn tất các thủ tục và chấp hành giao mặt bằng, dân mới té ngửa vì… chưa có đất tái định cư.
Ở lều để chờ… cấp đất
Để phục vụ dự án khu tái định cư Bá Tùng mở rộng, gia đình ông Đinh Quang Hoàng phải nhường lại toàn bộ khu đất ở tổ 20 phường Hòa Quý để TP triển khai dự án.
Sau khi hoàn thành công tác kiểm định, kiểm kê tài sản, ngày 15-3 Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng ra thông báo đến ông Hoàng, yêu cầu trong vòng 5 ngày từ khi ra thông báo phải đến tổ chi trả đền bù số 2 (thuộc trung tâm ở địa chỉ 63 Thái Phiên, quận Hải Châu) nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và đăng ký nhận đất tái định cư.
Theo đó, ngoài số tiền đền bù và hỗ trợ, gia đình ông Hoàng còn được bố trí một lô đất tái định cư đường 5,5m ở khu tái định cư Mân Quang (ông Hoàng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định).
Đến chiều 22-3, ông Hoàng đến địa chỉ trên giấy mời nhận tiền đền bù đợt 1 (80% số tiền chi trả) đồng thời được yêu cầu phải giao mặt bằng trong vòng 5 ngày sau khi nhận tiền đền bù.
Theo biên bản được ký với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng thì sau khi hoàn thành việc tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, ông Hoàng có trách nhiệm thông báo đến UBND phường Hòa Quý và trung tâm xác nhận thời điểm trả mặt bằng để có căn cứ chi trả số tiền đền bù còn lại (20%) và giải quyết các chính sách khen thưởng kèm theo.
Đồng thời trong biên bản này cũng nêu rõ nếu cố tình chậm trễ giao mặt bằng sẽ bị các cơ quan chức năng đến tháo dỡ (chi phí sẽ trừ vào số tiền đền bù còn lại).
“Nhà tôi ký biên bản xong thì về đập nhà để bàn giao mặt bằng. Mấy ngày sau tôi đi nộp tiền để nhận đất tái định cư thì đơn vị này thông báo chưa có đất tái định cư.
Con cái tôi bị bệnh hiểm nghèo, nhưng từ đó đến nay đã hơn 20 ngày phải căng bạt sống tạm bên nhà cũ chờ có đất làm nhà. Nhà cửa đập bỏ nên mọi thứ đều xáo trộn hết” - bà Hà Thị Hường, vợ ông Hoàng, than thở.
Không riêng bà Hường, nhiều ngày nay gia đình bà Lê Thị Nhàn cũng vất vưởng trong căn lều tạm rộng chưa đầy 5m2.
Trên khu vườn bị đập nham nhở, căn lều tạm chỉ đủ gia đình để chiếc giường và tivi. Còn lại bàn ghế và các vật dụng khác phải dùng bạt che chắn. Riêng chuồng heo bà Nhàn phải dùng tôn quây lại chăn nuôi tạm.
Theo các hộ dân ở đây, do khu vực này nằm trong vùng giải tỏa “trắng” nên người dân không còn cách nào khác phải bám trụ ở nhà cũ để giữ tài sản và chăn nuôi gia súc.
Thiếu sót với dân
Ông Huỳnh Kim, chủ tịch UBND phường Hòa Quý, cho biết đó là sự việc đáng tiếc, cơ quan chức năng đã thiếu sót khi triển khai thực hiện dự án này.
Theo ông Kim, quy định hiện nay của TP Đà Nẵng là khi dân tháo dỡ nhà cửa, giao mặt bằng cho dự án sẽ được Nhà nước bố trí đất tái định cư để làm nhà ở.
Nếu trường hợp chưa có đất tái định cư thì TP sẽ hỗ trợ dân tiền thuê nhà.
“Không có đất tái định cư cho người dân thì Trung tâm Phát triển quỹ đất phải tham mưu để TP có quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho dân, đằng này dân đã tháo dỡ nhà cửa, không còn chỗ ở, buộc họ phải che lều tạm.
Đã vậy không được hỗ trợ tiền thuê nhà nên họ bức xúc” - ông Kim phân tích.
Theo ông Kim, giải pháp để giải quyết vụ việc là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP sẽ rà soát quỹ đất tái định cư hiện có, trường hợp đủ số đất tái định cư thì mời người dân lên bốc thăm để nhận. Còn không sẽ giải quyết tiền thuê nhà cho dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 19-4, một lãnh đạo phó chánh văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết quận đã đề nghị Phòng đền bù số 2 thống kê nhu cầu đất tái định cư đối với các hộ này và phối hợp với Phòng tái định cư thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP rà soát đất thực tế tại khu tái định cư Bá Tùng mở rộng, thống nhất với Hội đồng giải phóng mặt bằng tổ chức mời các hộ dân đến bốc thăm bố trí đất tái định cư trước ngày 23-4.
Do dùng chung một mẫu biên bản
Chiều 19-4, ông Trần Quốc Phú, cán bộ theo dõi dự án của Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng (được giao trả lời), cho biết dự án này trước đây do một đơn vị khác phụ trách với số lượng 1.100 hồ sơ.
Sau một thời gian dự án “treo”, TP giao lại trung tâm giải quyết hồ sơ vào đầu năm 2015.
“Khi TP bố trí vốn, chúng tôi mời dân lên nhận tiền để họ có thời gian xoay xở, đồng thời chúng tôi có thời gian giải quyết các thiếu sót, kiến nghị phát sinh.
Dự án này chưa cần bàn giao mặt bằng sớm vậy, tuy nhiên khi giao tiền, trong biên bản chúng tôi dùng chung một mẫu yêu cầu bàn giao mặt bằng là 5 ngày nên người dân đập nhà sớm.
Bây chừ dân lỡ đập nhà rồi nên chúng tôi đã thông báo tới địa phương tạm dừng nhận bàn giao mặt bằng của các hộ dân còn lại.
Riêng 12 hộ dân thì sẽ sớm rà soát lại để kịp thời bố trí đất tái định cư. Nếu không có đất tái định cư sẽ tiến hành hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ đến khi nào bố trí được thì thôi” - ông Phú nói.