Chuyện lạ: Kết hôn để lấy biển số xe ở Bắc Kinh

AB |

Kể cả khi đã tốn hàng đống tiền sở hữu quyền làm biển số xe, những người chủ ô tô này cũng sẽ không được chạy xe ra đường vào 1 ngày nhất định trong tuần tùy vào chữ số trên biển theo quy định.

Mới đây, một phóng sự của hãng tin CCTV cho thấy nhiều người sở hữu xe hơi sẵn sàng cưới giả để được cấp biển số xe tại Bắc Kinh-Trung Quốc. Câu chuyện nực cười này diễn ra khi chính phủ ban hành những quy định nhằm thắt chặt lưu lượng xe được lưu thông ở thủ đô nhằm tránh tình trạng tắc đường và giảm ô nhiễm không khí.

Cụ thể kể từ năm 2011, người dân Bắc Kinh sẽ phải quay sổ xố để được sở hữu quyền làm biển số xe hơi và thật không may có rất nhiều chủ sở hữu ô tô không có quyền này trong khi nhiều người không có nhu cầu dùng xe hơi lại quay trúng.

Điều trớ trêu hơn nữa là những chủ sở hữu ô tô này thậm chí sẵn sàng trả vài chục nghìn USD để làm đám cưới giả với những người được cấp phép có thể sở hữu biển số xe, sau đó chuyển quyền sở hữu này cho họ và ly hôn.

Việc chính quyền Bắc Kinh thắt chặt lưu lượng xe hơi cũng như quy định làm giấy tờ biển số xe khiến nhiều công ty môi giới hôn nhân mọc lên như nấm. 

Những công ty này thu phí hơn 160.000 Nhân dân tệ, tương đương 22.700 USD cho xe chạy xăng và hơn 110.000 Nhân dân tệ cho xe điện để làm thủ tục lấy biển số xe. Tất nhiên, quy trình luôn là cưới giả.

Do những quy định chặt chẽ về số lượng xe hơi mà hiện có đến 2.600 đơn đăng ký cho mỗi biển số xe chạy xăng mới tại Bắc Kinh. Với những người muốn làm biển số xe điện, họ sẽ phải chờ đến tận năm 2028 mới đến lượt.

Chuyện lạ: Kết hôn để lấy biển số xe ở Bắc Kinh - Ảnh 1.

Tắc đường và ô nhiễm không khí khiến Bắc Kinh cố giảm lưu lượng xe hơi ngoài đường

Tồi tệ hơn, chính phủ đang giảm dần số biển xe cấp mới hàng năm từ 240.000 chiếc vào năm 2013 xuống chỉ còn 100.000 chiếc vào năm 2018.

Kể cả khi đã tốn hàng đống tiền sở hữu quyền làm biển số xe, những người chủ ô tô này cũng sẽ không được chạy xe ra đường vào 1 ngày nhất định trong tuần tùy vào chữ số trên biển theo quy định.

Đối với những xe hơi không có biển số Bắc Kinh, chúng sẽ gặp nhiều giới hạn khi lưu thông tại thủ đô. Ví dụ những chiếc xe này sẽ phải nộp đơn xin phép để có thể chạy 7 ngày cho mỗi lượt xin ở Bắc Kinh. Mỗi năm, những chiếc xe ngoại đô này chỉ được xin tối đa 12 lần.

Hệ quả tất yếu của sự quản lý ngày càng chặt trên là rất nhiều đám cưới giả để làm biển số xe đã diễn ra.

"Chúng tôi nhận được ít nhất 3-4 khách hàng mỗi ngày cho dịch vụ đám cưới giả lấy biển số xe", một quản lý của trung tâm môi giới trên nói với hãng tin CCTV.

Những công ty này sẽ liệt kê danh sách những chủ quyền sở hữu biển số xe cùng nhu cầu của khách hàng. Nếu trường hợp nào khớp thì mọi thủ tục sẽ được hoàn thành trong vòng 20 ngày.

Một cách lách luật khác mà những công ty môi giới này sử dụng là đề nghị khách hàng mua xe nhưng người đứng tên là những người có quyền sở hữu biển số ô tô. Sau đó, người chủ sở hữu thực tế sẽ phải thanh toán khoản phí thuê biển số hàng tháng cho người đứng tên, thông thường vào khoảng 20.000 Nhân dân tệ/năm hoặc 49.000 Nhân dân tệ cho 3 năm.

Tuy vậy cách này khá rủi ro do người chủ sở hữu không đứng tên chính chủ chiếc ô tô mình mua. Để giảm thiểu rủi ro, 2 bên sẽ ký hợp đồng thỏa thuận nhưng chúng vẫn có những nguy hiểm nhất định.

Thẩm phán Wang Lidan của quận Haidian-Bắc Kinh cho biết từng có trường hợp một người phụ nữ kết hôn giả với một người đàn ông có quyền sở hữu biển số xe hơi ở Bắc Kinh. Tuy nhiên anh này đã bỏ trốn sau đó khiến người phụ nữ không những mất tiền còn không lấy được biển số và gặp rắc rối trong việc làm thủ tục ly hôn bởi đương sự không có mặt.

Theo luật, người phụ nữ này phải đăng thông tin tìm "chồng" mất tích công khai trên báo và phải đợi 3 tháng trước khi vụ ly hôn được quan tòa thụ lý.

Chuyện lạ: Kết hôn để lấy biển số xe ở Bắc Kinh - Ảnh 2.

Quyền sở hữu biển số xe đang trở thành một loại hàng hóa đắt khách ở Bắc Kinh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại